24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Anh Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá căn hộ Hà Nội tăng cao nhất 5 năm, đề xuất xây đô thị nghỉ dưỡng ở khu du lịch Tam Chúc, hệ lụy từ vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc

Giá nhà Hà Nội tăng 13% trong năm 2021, đề xuất xây đô thị nghỉ dưỡng ở khu du lịch tâm linh Tam Chúc… là những tin bất động sản mới nhất.

Giá đất Thủ Thiêm ra sao sau vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc?

Liên quan tới diễn biến mới nhất trong vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã xin bỏ cọc. Thị trường BĐS ở khu vực Thủ Thiêm sẽ ra sao, liệu có còn tăng giá "nóng" sau động thái này là điều rất được quan tâm hiện nay.

Nêu quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho rằng, với việc nhà đầu tư bỏ cọc, thời gian tới, giá đất tại Thủ Thiêm cũng sẽ hạ nhiệt.

Chuyên gia Định Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nói, "tất nhiên" giá nhà đất sẽ hạ, vì không thể neo vào lý do mức trúng đấu giá cao gần 2,5 tỷ đồng/m2 nữa.

Trước đó, với mức trúng đấu giá cao, ông Thịnh cho rằng điều này có thể không chỉ khiến đất Thủ Thiêm mà vùng lân cận cũng tăng sóng nhưng có thể sẽ xuống trong thời gian tới.

Ông Thịnh cũng dự báo giá nhà đất sẽ không xuống thấp mà chỉ bớt “nóng” bởi khi mặt bằng giá mới được thiết lập thì sẽ khó về giá cũ.

Đề cập câu chuyện này, một CEO doanh nghiệp BĐS cũng nhận định, sau khi có thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc thì ngay lập tức giá bán hiện tại chưa có nhiều sự điều chỉnh nhưng sẽ không còn lý do để tăng tiếp. Việc giảm cũng sẽ dần dần và sẽ không sâu.

Cùng với đó, giao dịch cũng sẽ "cầm chừng" vì nhiều người chuyển sang trạng thái "nghe ngóng". Thêm nữa, nhà đất xung quanh Thủ Thiêm phần lớn là cao cấp, mức độ giao dịch khó sôi nổi như kỳ vọng.

Theo ghi nhận, giá mặt bằng BĐS ở khu đô thị Thủ Thiêm năm qua có tốc độ tăng giá rất tốt. Số liệu thống kê của một đơn vị nghiên cứu cho thấy, trong quý IV/2021, tại một loạt dự án, hiện giá căn hộ khu vực này có giá dao động từ 85-210 triệu đồng/m2.

Mức độ tăng giá dao động 28,5-118%, trong số này có nhiều dự án đã bàn giao, có nhiều dự án chưa bàn giao.

Thị trường sẽ lành mạnh hơn

Giới chuyên gia nhận định dù có không ít vấn đề được đặt ra và cần được giải quyết để tránh những hệ lụy xấu từ sự vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm, nhưng xét về tổng quan, thị trường BĐS vẫn được dự báo có nhiều triển vọng.

Triển vọng đầu tiên đến từ việc một loạt chính sách đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành trong năm 2019-2021 sẽ được triển khai rất nhanh trong năm nay do độ trễ của các chính sách này đã đủ. Nhờ những chính sách tích cực, năm 2022 thị trường BĐS sẽ được định hình lại và phát triển lành mạnh hơn.

Chia sẻ rõ hơn, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARs) Nguyễn Văn Đính cho rằng, các năm qua, liên tiếp thị trường BĐS Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng 15%/năm và dự báo có nhiều triển vọng trong thời gian tới dựa trên các yếu tố vĩ mô bền vững.

Theo ông Đính, với dự báo sẽ duy trì tăng trưởng GDP hơn 6% trong những năm tới, Việt Nam đang là 1 trong những nền kinh tế vừa và nhỏ có sức bật tốt, lợi thế về quy mô dân số, cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh so với nhiều nước trong khu vực. Đây cũng chính là lợi thế cạnh tranh tranh giúp BĐS Việt Nam duy trì nhịp tăng trưởng nhất định, vượt qua lực cản dịch bệnh.

Nhận định về triển vọng của thị trường BĐS thời gian tới, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực cho rằng, với việc Chiến lược phát triển nhà ở 2021-2023 đang dần hoàn thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược với việc đầu tư công được thúc đẩy mạnh. Đây là những yếu tố quan trọng hỗ trợ tích cực cho thị trường BĐS phát triển trong giai đoạn tới.

Dưới góc độ đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho rằng thị trường BĐS luôn luôn có độ trễ và năm 2022 sẽ là thời điểm thực hiện độ trễ đó.

Giá bán căn hộ Hà Nội tăng 13% - mức tăng cao nhất trong 5 năm

CBRE Việt Nam vừa có báo cáo tổng kết về thị trường căn hộ bán tại Hà Nội năm 2021.

Theo báo cáo này, trong năm 2021, có khoảng 17.000 căn hộ mở bán tại Hà Nội, giảm 7% theo năm. Đây là năm thứ hai liên tiếp, thành phố ghi nhận nguồn cung mở bán mới giảm, dưới tác động của dịch Covid-19.

Theo phân khúc, căn hộ trung cấp vẫn là sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường, chiếm 72% tổng nguồn cung mới trong năm. Trong khi đó, phân khúc cao cấp đứng thứ hai, chiếm tỷ trọng gần một phần tư tổng nguồn cung mở bán mới - đây cũng là tỷ trọng cao nhất của phân khúc này trong vòng ba năm qua.

Đáng chú ý, Hà Nội chứng kiến sự ra mắt của dự án căn hộ siêu sang đầu tiên, nằm tại khu vực trung tâm, có mức giá cao nhất từ trước tới nay ghi nhận tại thành phố.

Với việc hoạt động bán hàng bị gián đoạn trước làn sóng Covid-19 từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9 cũng như các hạn chế về tổ chức sự kiện trong suốt năm qua, doanh số bán cả năm 2021 theo thống kê của CBRE, đạt gần 17.000 căn, giảm 9% theo năm, nhưng cao hơn so với tổng lượng mở bán mới.

Đáng chú ý, theo đơn vị công bố báo cáo, tính tới cuối năm 2021, giá bán sơ cấp trung bình tại thị trường Hà Nội đạt 1.596 USD/m2, tương đương gần 37 triệu đồng (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tăng 13% theo năm. Đây là mức tăng theo năm cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Theo đơn vị này, sự tăng trưởng của mặt bằng giá bán sơ cấp chủ yếu đến từ việc mở bán của các dự án nằm tại vị trí đắc địa tại khu trung tâm và khu Đống Đa - Ba Đình và việc nâng cấp định vị của các dự án khu đô thị, vẫn đang diễn ra trong vài năm trở lại đây.

Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình đạt 1.213 USD/m2 tính tới cuối năm 2021 (tương đương khoảng 28 triệu đồng) tăng 4% theo năm. Các vị trí có ít nguồn cung mới trong vòng hai năm trở lại đây như quận Tây Hồ, Cầu Giấy và Đống Đa là các khu vực có giá bán tăng cao hơn mức trung bình thị trường trong năm (ở ngưỡng trên 6%).

Trong năm 2022, nguồn cung chào bán mới dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại, đạt ngưỡng 26.000 - 28.000 căn. Doanh số bán hàng dự kiến sẽ hồi phục khi các hoạt động bán hàng dần trở lại bình thường.

Mức giá sơ cấp được đơn vị này dự báo tăng khoảng 5-7%/năm trong vòng 3 năm tới, do sản phẩm của các khu đô thị tiếp tục nâng cấp định vị cũng như kỳ vọng các dự án cao cấp và hạng sang mở bán ở một số vị trí đắc địa, trung tâm.

Bất động sản mới nhất. (Ảnh: Đỗ Quân)
Trong năm 2022, nguồn cung chào bán mới tại Hà Nội dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại, đạt ngưỡng 26.000 - 28.000 căn. (Ảnh: Đỗ Quân)

Đề xuất xây đô thị nghỉ dưỡng gần 1.000ha trong ‘siêu chùa’ Tam Chúc

UBND tỉnh Hà Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) về việc cho phép điều chỉnh phạm vi ranh giới và bổ sung chức năng cho các khu chức năng trong khu du lịch quốc gia Tam Chúc.

Nêu về lý do điều chỉnh, UBND tỉnh Hà Nam cho biết, trong quá trình triển khai lập quy hoạch 1/2000 các khu chức năng, triển khai đầu tư hệ thống hạ tầng khung, thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội trong khu du lịch quốc gia Tam Chúc đã gặp phải một số vướng mắc khó khăn, đồng thời chưa phát huy được tiềm năng lợi thế của khu du lịch.

Một số khu chức năng còn thiếu, ranh giới các khu chức năng trong quy hoạch chưa thật hợp lý, các khu chức năng được duyệt chưa đồng bộ dẫn đến khó huy động nguồn lực xã hội để cung cấp nhiều sản phẩm du lịch thu hút nhiều phân khúc khách hàng; chưa có các khu nghỉ dưỡng lớn, khách sạn… dẫn đến chưa thu hút được du khách trong và ngoài nước lưu trú lại khu du lịch.

Theo UBND tỉnh Hà Nam, để phát huy tối đa lợi thế quần thể khu du lịch Tam Chúc, UBND tỉnh Hà Nam vừa đề xuất Bộ VH-TT&DL trình Thủ tướng chấp thuận giữ nguyên diện tích, ranh giới và tổng thể khu du lịch 4.000 ha đã được Thủ tướng phê duyệt, cho phép điều chỉnh ranh giới, bổ sung các khu chức năng trong quần thể du lịch tâm linh Tam Chúc.

Theo đó, trong 4.000 ha diện tích vùng lõi khu du lịch tâm linh Tam Chúc hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam đề xuất giữ nguyên khu trung tâm đón tiếp 168ha, giảm diện tích khu văn hóa tâm linh từ 1.050ha xuống 600ha (giảm 450ha), giữ nguyên khu bảo tồn Quền Vồng và hồ Tam Chúc 875ha.

Đối với khu nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Tam Chúc 605ha, tỉnh Hà Nam đề xuất bổ sung thêm chức năng phát triển đô thị kết hợp chỉnh trang khu dân cư nông thôn hiện hữu và các hoạt động du lịch, thể thao, văn hóa.

Bổ sung chức năng phát triển đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng cho dự án sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang 845ha.

Tỉnh Hà Nam cũng đề xuất Thủ tướng cho chuyển đổi trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động du lịch thành khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, cung cấp các dịch vụ hậu cần, các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp. Đồng thời mở rộng quy mô khu đô thị, du lịch, sinh thái nghỉ dưỡng từ 502ha lên 952ha, tăng 450ha so với quy hoạch ban đầu.

Theo UBND tỉnh Hà Nam, việc điều chỉnh này nhằm hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần đủ lớn phát huy tối đa lợi thế, vai trò khu trung tâm dịch vụ hậu cần, đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách du lịch, thu hút du khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Tam Chúc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả