Giá cà phê hôm nay 22/1: Thị trường chịu sức ép bán ròng; Nghịch lý của giá hồ tiêu
Giá cà phê sụt giảm là điều khó tránh khỏi khi có nhiều báo cáo xuất khẩu tăng từ các nước sản xuất, sức ép của lực bán phòng hộ hàng vụ mới.
Cập nhật giá cà phê hôm nay
Theo ghi nhận của TG&VN, lúc 0h02 ngày 22/1 (giờ Việt Nam) giá cà phê robusta niêm yết trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) giảm ở tất cả các thời điểm bàn giao; giá giao tháng 3/2021 giảm 13 USD/tấn (0,97%) so với chốt phiên trước đó, đứng ở 1.327 USD/tấn; giá giao tháng 5/2021 cũng giảm 10 USD/tấn (0,74%) giao dịch ở 1.340 USD/tấn.
Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) quay đầu tăng nhẹ; giá cà phê kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 0,95 Cent (0,68%), lên 126,05 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 5 cũng tăng nhẹ 0,85 Cent (0,67%), chỉ còn 128,15 Cent/lb. Khối lượng giao dịch giảm mạnh.
Giới quan sát cho rằng, sức ép của lực bán phòng hộ hàng vụ mới diễn ra khá đáng kể không chỉ từ các nước sản xuất, mà còn do giới đầu cơ bán ròng trên cả hai sàn cà phê phái sinh khi dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng gia tăng, đồng thời kinh tế toàn cầu suy thoái buộc nhiều quốc gia phải tung ra những gói kích cầu mới.
Giá cà phê sụt giảm tương đối còn là điều khó tránh khi có nhiều báo cáo xuất khẩu tăng từ các nước sản xuất, dù phần lớn vừa thu hoạch một vụ mùa không thể cho là đáng để phấn khởi vì tác động tiêu cực của hiện tượng thời tiết La Nina xảy ra khắp nơi. Báo cáo tồn kho của ICE tại New York ngày hôm qua đã tăng lên ở mức 1,54 triệu bao, mức cao trong hơn 5 tháng.
Đồng Reais của Brazil tăng 0,65 %, lên ở mức 1 USD = 5,3100 Reais do lo ngại việc tiêm chủng vaccine chống covid-19 diễn ra chậm chạp và sự chờ đợi tuyên bố của Ngân hàng Trung ương với quyết định chính sách tiền tệ mới của Ủy ban Chính sách Tiền tệ (Copom). Trong khi thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục thể hiện sự kỳ vọng về gói kích thích mới sẽ được Tân tổng thống Mỹ ban hành.
Ông Ricardo Tavares, Chủ tịch Tập đoàn Grupo Montesanto Tavares cho biết, giá cà phê quốc tế dự kiến sẽ tăng vào cuối năm 2021 do nguồn cung từ Brazil có khả năng sẽ thấp hơn đáng kể.
Giá cà phê giao tại cảng TP. Hồ Chí Minh đi ngang, dao động ở ngưỡng 33.200 đồng/kg. Giá cà phê robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.438 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 70 – 80 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.
Ở trong nước, nhiều địa phương đã kết thúc thời gian thu hoạch vụ mới, dự báo sản lượng giảm hơn năm trước. Với giá cà phê nhân dưới 32 triệu đồng/tấn khiến người trồng cà phê tiếp tục gặp khó khăn. Tâm lý bán hàng đầu vụ và nhu cầu chi tiêu Tết đang khiến nông dân bán mạnh, trong khi đó các nhà đầu cơ tăng cường mua dự trữ.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tồn kho cà phê tại các kho cảng trên thế giới hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Nguyên nhân do xuất khẩu khó khăn nên các đơn vị phải bán hàng dự trữ ra thị trường. Đây là tín hiệu lạc quan cho thấy thị trường xuất khẩu cà phê sẽ cải thiện trong năm 2021.
Giá hồ tiêu xuất khẩu đang thấp nhất thế giới
Giá hồ tiêu thế giới tăng, lúc 0h02 ngày 22/1 (giờ Việt Nam), giá hồ tiêu thế giới giao ngay trên sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) tăng 125 Rupee/tạ (0,36%), giao dịch ở 34.625 Rupee/tạ.
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng Rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 21/1/2021 đến ngày 27/1/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 316,8 VND/INR.
Sản lượng hồ tiêu năm 2020 của Ấn Độ đạt 65.000 - 70.000 tấn, tăng so với mức 50.000 - 55.000 tấn vào năm 2019. Tuy nhiên, ngành tiêu nước này dự báo sản lượng thu hoạch năm nay sẽ thấp hơn nhiều do một bộ phận cây trồng bị hư hại bởi thời tiết thất thường. Hiện tại, giá tiêu tại Ấn Độ đang tăng nhẹ do thời tiết khắc nghiệt ở các vùng trồng tiêu thuộc Kerala, đã khiến người nông dân phải trì hoãn việc thu hoạch trong vụ mùa hiện tại.
18 năm qua, Việt Nam liên tục đứng vị trí số 1 thế giới về khối lượng hồ tiêu xuất khẩu. Điều đáng quan ngại, trong khi Việt Nam đứng đầu thế giới về diện tích, sản lượng và khối lượng hồ tiêu xuất khẩu thì giá xuất khẩu tiêu của nước ta lại đang thấp nhất thế giới.
Đến thời điểm này, diện tích hồ tiêu ở Việt Nam đã đạt 152.000 ha, tuy nhiên, quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000 ha.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận