Giá cà phê hôm nay 16/7: Đảo chiều giảm mạnh, thế giới thực sự lo ngại với biến chủng Delta
Giá cà phê sau phiên đảo chiều tăng mạnh bất ngờ, đã quay đầu giảm trở lại trên cả hai sàn giao dịch phái sinh arabica và robusta.
Cập nhật giá cà phê hôm nay 16/7
Trong khi chỉ số USD bị tác động khá nặng nề của dữ liệu lạm phát Mỹ khiến Fed chưa thể thu hẹp các biện pháp kích thích khiến phần lớn các thị trường hàng hóa chuyển sang màu đỏ. Thị trường cà phê sau phiên đảo chiều tăng mạnh bất ngờ trên cả hai sàn giao dịch phái sinh trong ngày hôm trước, hôm qua đã ghi nhận đà giảm trở lại của cả hai mặt hàng arabica và robusta.
Tuy nhiên, giá cà phê arabica vẫn đang duy trì được "màu xanh" dù giá đã quay đầu giảm mạnh so với đà tăng mạnh của ngày hôm trước, bởi lý do được cho là có sự hỗ trợ của đồng Real mạnh lên và tin đồn một số vùng cà phê ở Minas Gerais, bang trồng cà phê arabica lớn nhất ở Brazil sẽ có sương giá cục bộ vào giữa tuần sau.
Trong khi đó, giá cà phê robusta vẫn giữ hiện tượng đảo giá và "màu đỏ" đã xuất hiện tại hai kỳ hạn gần nhất là tháng 9 và tháng 11 dù mức giảm không lớn, các kỳ hạn xa hơn vào năm 2022 giữ "màu xanh".
Ghi nhận của TG&VN tại giờ kết thúc phiên giao dịch liền trước, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 9, đảo chiều giảm nhẹ 6 USD (0,34%), giao dịch tại 1.756 USD/tấn; Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11 cũng giảm 6 USD (0,34%), xuống 1.750 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York chỉ còn tăng nhẹ. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 9 tăng 0,45 Cent (0,29%), lên 157,05 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng tăng 0,45 Cent (0,28%), lên 159,9 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Lý giải cho đà tăng nóng trong phiên hôm trước, các thương nhân cà phê ở São Paulo tại trung tâm thương mại cà phê của Brazil, cho rằng, cước vận tải biển quá cao khiến việc giao hàng từ các nước sản xuất lớn như Brazil, Việt Nam bị chậm lại đã góp phần đẩy giá trong ngắn hạn.
Trong khi đó, thông tin về các nguồn cung, Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA), nhà sản xuất robusta lớn nhất châu Phi, đã báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 6 đạt mức cao nhất kể từ năm 1991 với tổng cộng 618.388 bao, tăng tới 47,04% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, tích lũy xuất khẩu cà phê trong 9 tháng đầu của niên vụ hiện tại 2020/2021 đạt tổng cộng 4.509.437 bao, tăng 718.348 bao, tức tăng 18,95% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận