Giá cà phê hôm nay 14/11: Nhu cầu robusta còn thiếu, giá vẫn được hưởng lợi về trung và dài hạn
Về trung và dài hạn, giá cà phê vẫn được hưởng lợi từ triển vọng tích cực của thị trường thế giới khi nguồn cung bị hạn chế.
Cập nhật giá cà phê hôm nay 14/11
Chốt phiên cuối tuần, giá cà phê kỳ hạn thể hiện xu hướng trái chiều. Giá cà phê arabica tiếp đà tăng “sốc” sau nhiều báo cáo dự báo sản lượng cà phê Brazil sẽ giảm mạnh trong vụ thu hoạch năm 2022, cho dù vụ hoa mới nở được đánh giá khả quan. Giá cà phê robusta điều chỉnh giảm sau khi vượt mức tâm lý 2.300 USD để khẳng định nhu cầu hàng thực vẫn còn thiếu hụt trong ngắn hạn, kể cả khi các nước sản xuất cà phê robusta chính ở châu Á và Phi đang tiến hành thu hoạch vụ mùa mới của niên vụ cà phê 2021/2022.
Ghi nhận của TG&VN trước giờ đóng cửa phiên giao dịch tuần này (ngày 12/11), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 1/2022 giảm 15 USD (0,65%), giao dịch tại 2.277 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm 5 USD (0,22%), giao dịch tại 2.222 USD/tấn. Khối lượng giao dịch vẫn yếu, hiện tượng giá đảo vẫn duy trì.
Trong khi đó, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York quay đầu tăng mạnh. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 tăng 8,80 Cent (4,17%), giao dịch tại 219,7 Cent/lb. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng tăng 8,65 Cent (4,06%), giao dịch tại 221,95 Cent/lb. Khối lượng giao dịch vẫn tiếp tục tăng rất mạnh.
Thông tin thị trường cà phê
Đồng Real giảm mạnh, tỷ giá xuống ở mức 1 USD = 5,4580 Real do thị trường Brazil tỏ ra thận trọng nhằm tránh rủi ro trước kỳ nghỉ Republic Day vào đầu tuần sau, trong khi USDX đảo chiều giảm trước lo ngại lạm phát vượt mức.
Dòng vốn đầu cơ được tiếp tục rút khỏi các sàn tiền ảo và chứng khoán Mỹ vẫn nổ lực hồi phục, các sàn cà phê được hưởng lợi và giá vàng tiếp nối đà tăng.
Tại Việt Nam, sự thiếu hụt nhân công tăng cường thu hái ở vùng cà phê Tây nguyên đang được chính quyền các địa phương tháo gỡ. Tuy nhiên nhiều người trồng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại khi tiền lương đã bị đẩy lên quá cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện trên địa bàn có hơn 200.000 ha cà phê với sản lượng gần 500.000 tấn và cần gần 15 triệu ngày công lao động. Tỉnh Đắk Nông dự kiến niên vụ 2021-2022, tổng diện tích cà phê cho thu hoạch khoảng trên 120.000 ha và cần trên 13 triệu ngày công lao động phục vụ thu hái.
Trong khi đó, việc thông quan hàng hóa không thuận lợi dẫn đến doanh nghiệp giao hàng cầm chừng, việc thu mua chậm lại.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, ông Jeffrey Rebello, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trồng trọt Thống nhất Ấn Độ (UPASI), cho biết: “Giá cà phê tại nước này tuy có tốt hơn năm ngoái nhưng vẫn ở những ngày đầu. Hiện, chưa rõ thiệt hại về cây trồng do mưa liên tục gây ra”.
Ông nói thêm: “Hơn nữa, chi phí trồng trọt, bao gồm các yếu tố đầu vào như lương nhân công và nguyên liệu sản xuất, đã tăng lên đáng kể. Điều này có thể chiếm mất một khoản lớn trong phần lợi nhuận thu được”.
Mặc dù vậy, về trung và dài hạn, giá cà phê vẫn được hưởng lợi từ triển vọng tích cực của thị trường thế giới khi nguồn cung bị hạn chế. Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Theo Rabobank, xuất khẩu cà phê từ Brazil và các nước sản xuất bị định trệ do quá trình vận chuyển không thuận lợi.
Tuần cuối tháng 10, giá cà phê arabica tại Mỹ tiến sát mức cao nhất trong 7 năm qua do dự báo nguồn cung từ Brazil có xu hướng giảm sau đợt hạn hán và băng giá nghiêm trọng. Còn theo Cơ quan Thương mại Indonesia, xuất khẩu cà phê nước này tháng 10 đạt 205.827 bao, giảm 24,4% so với tháng 10/2020, do dịch bệnh bùng phát khiến nước này phải tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận