24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lục Nam
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá cà phê hôm nay 13/1, Giá cà phê đang quay trở lại thời kỳ đỉnh cao, dư cung bằng một nửa niên vụ trước

Theo ICO, giá cà phê thế giới tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm khi vượt mốc 200 US Cent/lb, lên mức trung bình 203,06 US Cent/lb.

Cập nhật giá cà phê hôm nay 13/1

Giá cà phê trên cả hai sàn giao dịch phái sinh tiếp tục tăng tốt. Giá cà phê thế giới liên tục tăng cao và lập kỷ lục mới trong thời gian qua chủ yếu là do các vấn đề liên quan đến nguồn cung cà phê của Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.

Xu hướng tăng từ đầu niên vụ 2021-2022 đến nay cho thấy giá cà phê có thể đang quay trở lại thời kỳ đỉnh cao của năm 2011 sau nhiều năm liên tiếp ở mức thấp. Mức giá tăng mạnh 4% so với tháng 11/2021 và tăng tới 75,5% trong vòng một năm qua. Đáng chú ý, đây cũng là mức giá cao nhất đạt được trong một thập kỷ qua kể từ khi chỉ số giá cà phê tổng hợp toàn cầu đạt 213,04 US Cent/lb vào tháng 9/2011.

Ghi nhận của TG&VN trước giờ đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/1, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 3/2022 tiếp tục tăng 17 USD (0,75%), giao dịch tại 2.285 USD/tấn. Giá robusta kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 18 USD (0,81%), giao dịch tại 2.234 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York cũng tăng mạnh hơn, kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 5,25 Cent (2,21%), giao dịch tại 242,3 Cent/lb. Trong khi, giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 4,95 Cent (2,09%), giao dịch tại 241,95 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.

Trong chốt phiên hôm qua, giá cà phê trong nước tăng nhẹ 100 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm trong nước. Trong đó, mức giá cao nhất theo ghi nhận là 40.100 đồng/kg.

Thông tin thị trường cà phê

Trong báo cáo tháng này, ICO điều chỉnh ước tính tổng sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2020-21 lên mức 169,7 triệu bao, tăng 0,4% so với 169 triệu bao của niên vụ trước.

Trong đó, sản lượng cà phê arabica ước tính tăng 2,3%, lên 99,1 triệu bao từ 97,1 triệu bao trong niên vụ 2019-2020; trong khi sản lượng robusta ước tính đạt 70,4 triệu bao, giảm 2,2% so với mức 71,9 triệu bao của niên vụ trước.

Tiêu thụ cà phê thế giới ước tính tăng nhẹ lên mức 167,3 triệu bao trong niên vụ 2020-2021 so với 164,1 triệu bao của niên vụ 2019-2020. Do đó, dư cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020/21 được rút xuống còn 2,4 triệu bao, giảm một nửa so với gần 5 triệu bao của niên vụ 2019-2020.

Trong tháng 12/2021, tồn kho cà phê được chứng nhận trên sàn London và New York cũng đã giảm trong 7 tháng liên tiếp xuống 3,3 triệu bao từ 4,9 triệu bao của tháng 6/2021, tương ứng giảm 31,5%.

Theo ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 11/2021 đạt 9,3 triệu bao (loại 60 kg/bao), giảm 12,4% so với 10,6 triệu bao của tháng 11/2020. Trong đó xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ giảm 28,0%, trong khi khu vực châu Á và Châu Đại Dương tăng 17,6%, khu vực Trung Mỹ và Mexico tăng 29,4%.

Brazil là yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm trong xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ khi lượng cà phê xuất khẩu của nước này đã giảm mạnh 33,9% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2021-2022 sụt giảm do cây cà phê arabica bước vào chu kỳ năng suất thấp hai năm một lần và ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết bất lợi. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê của nước này đang gặp khó khăn do các vấn đề liên quan đến logistics, đặc biệt là việc thiếu hụt các container vận chuyển.

Ngược lại, Ấn Độ và Việt Nam và Guatemala, Honduras và Nicaragua là động lực chính thúc đẩy xuất khẩu cà phê tăng trưởng 2 con số ở khu vực châu Á và châu Đại Dương cũng như khu vực Trung Mỹ và Mexico.

Tính chung trong 2 tháng đầu niên vụ cà phê 2021-2022 (tháng 10 và tháng 11), xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ giảm mạnh 24,4%, xuống còn 9,7 triệu bao so với 12,8 triệu bao trong cùng kỳ niên vụ 2020-2021. Trong đó, xuất khẩu cà phê của Brazil giảm 31,4%, xuống 6,4 triệu bao từ mức từ 9,3 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước.

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê của khu vực châu Á và châu Đại Dương trong 2 tháng đầu niên vụ 2021-2022 đạt 6,2 triệu bao, tăng so với 5,1 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2020-2021. Tại khu vực này, xuất khẩu của Ấn Độ và Việt Nam đạt lần lượt là 1,1 triệu bao và 3,4 triệu bao, tăng khá mạnh so với con số 0,7 triệu bao và 2,9 triệu bao đạt được trong 2 tháng đầu niên vụ cà phê 2020-2021.

Tương tự, trong 2 tháng đầu niên vụ 2021-2022, xuất khẩu cà phê từ khu vực Trung Mỹ và Mexico đạt 0,9 triệu bao, tăng so với 0,7 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2020-2021. Trong đó, Guatemala, Honduras và Nicaragua xuất khẩu khoảng 0,2 triệu bao mỗi nước.

Trái lại, xuất khẩu cà phê của châu Phi giảm 1,8% xuống còn 2,1 triệu bao trong 2 tháng đầu niên vụ 2021-2022. Trong đó, Kenya giảm 49,7%, Bờ Biển Ngà giảm 34,1%; trong khi xuất khẩu cao hơn 17,8% tại Tanzania.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả