Giá cả leo thang tỷ lệ nghịch với thu nhập, người tiêu dùng ‘bấm bụng’ chi tiêu
Mặc dù mức lương tối thiểu đã được điều chỉnh tăng, nhưng thu nhập của nhiều người vẫn không theo kịp đà tăng của giá cả hàng hóa và dịch vụ, tạo ra một khoảng cách ngày càng lớn giữa chi phí sinh hoạt và khả năng tài chính của người dân.
Việc tăng 30% mức lương cơ sở cho công chức, viên chức là một niềm vui với nhiều người. Tuy nhiên, niềm vui đó sẽ trọn vẹn nếu không có nỗi lo thường trực, là giá cả tăng theo, thậm chí trước tăng lương. Giá cả thị trường tăng khiến công chức, viên chức và người nghỉ hưu, đối tượng chính sách xã hội, người có công, nhất là lao động nghèo… lại gặp khó.
Người dân "thắt lưng buộc bụng"
Thời gian gần đây, giá cả hàng hóa và dịch vụ tại Việt Nam liên tục tăng, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, và năng lượng. Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng liên tục trong những tháng gần đây, vượt xa tốc độ tăng của thu nhập trung bình. Sự chênh lệch này đặt người tiêu dùng vào tình thế khó khăn, buộc họ phải điều chỉnh lại ngân sách và thay đổi thói quen mua sắm.
Ghi nhận của phóng viên VnBusiness tại chợ Cổ Nhuế và chợ Kẻ Vẽ khu vực Bắc Từ Liêm (Hà Nội), giá thịt lợn dao động từ 140.000 - 170.000 đồng/kg tùy loại. Theo các tiểu thương cho biết, giá thịt lợn đã tăng từ 20.000 - 40.000 đồng/kg do giá nhập vào tăng, cộng với việc dịch bệnh nên nguồn cung bị hạn chế hơn.
Cùng với thịt lợn, mặt hàng trứng cũng tăng từ 300 - 500 đồng/quả so với thời điểm một tuần trước. Trứng vịt loại nhỏ có giá từ 30.000 đồng/chục quả nay đã tăng lên 35.000 đồng/chục quả. Trứng loại to có giá tới 42.000 đồng/chục quả.
Bà Nguyễn Thị Hòa (43 tuổi, nội trợ, Hà Nội), chia sẻ: “Tôi nhận thấy giá cả tăng lên từng ngày, từ thực phẩm đến xăng dầu. Thu nhập của tôi không tăng theo kịp, nên buộc phải cắt giảm chi tiêu. Gia đình tôi giờ đây phải tính toán kỹ lưỡng từng khoản chi, hạn chế mua sắm và chọn lựa kỹ hơn những sản phẩm cần thiết”.
Khác hẳn không khí sôi động thường thấy, nhiều siêu thị vào ngày cuối tuần đã không còn cảnh đông đúc chen lấn. Hình ảnh nhiều người tiêu dùng cầm món hàng xem xét kỹ lưỡng, dù chỉ chênh lệch 500 - 1.000 đồng trên cùng một sản phẩm giữa những đơn vị phân phối khác nhau cũng khiến họ phải đắn đo.
Xu hướng "thắt lưng buộc bụng" này không chỉ diễn ra ở các hộ gia đình có thu nhập thấp mà còn ảnh hưởng đến cả những người có thu nhập trung bình, các bạn sinh viên. Em Bùi Kim Mai, sinh viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ cho biết, càng ngày mọi thứ càng đắt đỏ, các sản phẩm như thịt, rau thường được siêu thị giảm giá vào cuối ngày/tuần/tháng. Học sinh, sinh viên như bọn em thường chọn thời điểm này để mua giá rẻ. Ngoài giờ lên lớp, chúng em tập trung học nhóm hoặc tự học tại quán cà phê, vừa mát mẻ, yên tĩnh, lại có thể tranh thủ sạc điện thoại, laptop để tiết kiệm phần nào sử dụng điện ở nhà trọ.
Việc cắt giảm chi tiêu không chỉ thể hiện ở việc giảm mua các sản phẩm không cần thiết mà còn ảnh hưởng đến cả những khoản chi tiêu cho giải trí và các nhu cầu cá nhân. Điều này gây tác động trực tiếp đến sức mua của thị trường, khiến nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ suy giảm doanh số bán hàng.
Áp lực ngày càng nặng nề
Tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành quyết định tăng lương tối thiểu vùng từ 6% đến 8% nhằm hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa đủ để bù đắp cho tỷ lệ lạm phát đang gia tăng. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ lạm phát 6 tháng đầu năm nay ở mức hơn 4%, trong khi đó, nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng giá từ 10% đến 15%.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng lương tối thiểu là cần thiết nhưng chưa đủ để cải thiện đáng kể đời sống của người lao động trong bối cảnh lạm phát cao. Một chuyên gia kinh tế, nhận định: "Mức tăng lương hiện tại chỉ mang tính chất hỗ trợ tạm thời và không thể theo kịp đà tăng của giá cả. Điều quan trọng là cần có những chính sách kinh tế tổng thể nhằm kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng thu nhập bền vững cho người dân."
Thực tế, thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực do biến động nhanh, phức tạp từ bối cảnh thế giới và khu vực. Xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng các rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; giá xăng dầu, các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất biến động khó lường.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường, nhằm bảo đảm giá trị thực của tiền lương mới khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW…
Nhiều chuyên gia kinh tế đã đề nghị Chính phủ cần quan tâm các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả chính sách; tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát sau khi tăng lương.
Ông Nguyễn Duy Vũ, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam bày tỏ: “Tôi chỉ mong Chính phủ bù phần trượt giá để giữ nguyên phần kinh tế của người lao động không bị giảm do trượt giá, đây chính là mong muốn lớn nhất của tổ chức công đoàn”.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng là một giải pháp quan trọng để ổn định giá cả. Đầu tư vào nông nghiệp và công nghiệp chế biến, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ giúp tăng cung ứng hàng hóa, ổn định thị trường.
Đối với người lao động, cần có những chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng để họ có thể tiếp cận những công việc có thu nhập cao hơn. Các chính sách hỗ trợ tài chính, như giảm thuế thu nhập cá nhân, cũng có thể giúp cải thiện đời sống của người dân trong ngắn hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận