Giá bao bì tăng sốc
Giá nguyên liệu làm bao bì tăng mạnh đang gây khó cho nhiều ngành sản xuất kinh doanh có sử dụng bao bì giấy.
Giá nguyên liệu giấy nhập khẩu tăng 20 - 40%
Bà Lê Châu Pha, Công ty TNHH một thành viên thương mại dịch vụ vận tải Nhân Quốc, cho biết do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu làm bao bì như bột giấy, mực in, phẩm màu… đều tăng mạnh, khiến nhiều ngành sản xuất có sử dụng bao bì bị ảnh hưởng nặng nề. Không chỉ tăng chi phí mà còn chậm ra hàng… Cụ thể, nhà máy gạch đóng tại Đồng Nai, chuyên sản xuất gia công độc quyền gạch cho một số đại lý. Mỗi đại lý “ra hàng” mấy chục ngàn thùng, thường có sẵn bao bì, hàng ra đóng thùng chở cất kho luôn. Nhưng hiện nay, hàng ra liên tục, không có thùng. Nhiều đại lý hàng dồn hàng trăm ngàn thùng, chất đống nhưng thiếu bao bì đành chịu. Bất đắc dĩ phải tìm mua nguồn khác, giá cao hơn, nhưng rất khó để mua được ngay.
Giám đốc kinh doanh công ty liên doanh chuyên sản xuất gia công bao bì tại Tân Đức (Long An) cho biết trung bình giá nguyên liệu trong nước như giấy kiện đã tăng 40 - 50%, giấy ngoại nhập cũng tăng từ 20 - 40% trong vài tháng gần đây, dẫn đến giá bao bì sản xuất bán cho khách buộc phải tăng giá theo. Cụ thể, loại thùng giấy 3 lớp, giá cũ 15.000 đồng/thùng, nay tăng 18.500 đồng/thùng. Loại thùng 5 lớp, từ 18.000 đồng/thùng nay vọt lên 25.000 đồng/thùng. “Giá bao bì, cước vận chuyển ở Trung Quốc tăng mạnh, kết hợp với xu hướng tiêu dùng ngày càng tăng đang dẫn đến nhu cầu sử dụng bao bì giấy ngày càng cao. Ngay các chuỗi cà phê trên thế giới như Starbucks, rồi Highlands Coffee, Trung Nguyên, Coffee House… đều tăng sử dụng ly, ống hút bằng giấy nên nhu cầu tiêu thụ giấy trên thị trường còn tăng nữa, không chỉ có bao bì thô”, vị này chia sẻ.
Theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VINPAS), trong tháng 3, giá bột giấy chưa tẩy - nguyên liệu chủ yếu cho sản xuất giấy làm bao bì trung bình là 840 USD/tấn, tăng 21,74% so với mức giá trung bình tháng 2. Bột hóa trắng gỗ mềm - nguyên liệu chủ yếu cho sản xuất giấy bao bì, bao gói trong tháng 3 có giá trung bình 920 USD/tấn, tăng 13,16% so với mức giá trung bình tháng 2. Tương tự, bột hóa trắng gỗ cứng - nguyên liệu cho sản xuất giấy in, viết, giấy tissue giá trung bình tháng 3 là 735 USD/tấn, tăng 17% so với giá tháng 2; bột bạch đàn giá 740 USD/tấn, tăng gần 17% so với giá trung bình tháng 2…
Do nguồn cung khan hiếm, giá bột giấy tại các nước đều tăng mạnh từ tháng 3. Trên các sàn giao dịch, giá bột gỗ mềm tẩy trắng của Canada đã vọt lên mốc 1.000 USD/tấn, giao hàng trong tháng 5. Trước đó, sản phẩm này luôn giao dịch từ mức 930 - 980 USD/tấn. Các dự báo đều cho thấy, nguồn cung bột giấy các loại trên thị trường thế giới ngày càng khan hiếm và giá cả được dự báo theo chiều hướng tăng, khó giảm.
Đẩy mạnh công nghệ tái chế giấy trong nước
Thực tế, nguồn cung khan hiếm, nhu cầu tiêu thụ gia tăng và khó khăn trong vấn đề cước phí vận tải biển tăng cao là một số nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá liên tục của thị trường bột giấy Trung Quốc và châu Á trong thời gian qua. Theo VINPAS, hậu Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn nhiều so với dự kiến khiến cho nhu cầu giấy và carton tăng đáng kể bắt đầu từ cuối năm 2020. Nhu cầu giấy từ Trung Quốc tăng vọt trong khi nguồn cung hạn chế và không kịp sản xuất, đẩy giá nguyên liệu giấy tại Trung Quốc - thị trường nhập khẩu nguyên liệu giấy lớn của VN - tăng đồng loạt. Đặc biệt, do ảnh hưởng bởi Covid-19, nên kế hoạch sản xuất hằng năm của các công ty lớn tại Trung Quốc bị thay đổi, hoãn đến cuối năm mới đưa ra, khiến nhiều hoạt động sản xuất bị động, thị trường khan hàng ngày càng tăng.
PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, phân tích: Tận dụng mọi vật được vứt bỏ để tái chế, sử dụng là xu hướng toàn cầu. Đó là nền kinh tế tuần hoàn mà VN chưa coi trọng hay nói đúng hơn là rất lơ là. Thách thức chủ yếu là sự nhận thức đúng bản chất của kinh tế tuần hoàn bởi nó gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế. Không chỉ có ngành giấy, nhiều ngành sản xuất đang đối diện khan hiếm nguyên liệu. Trong cuộc cách mạng 4.0 cần định hướng phát triển công nghệ để làm chủ một phần nguyên liệu sản xuất, sẽ phát triển bền vững và căn cơ hơn là chỉ nhập khẩu để sản xuất. Muốn vậy, thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cần có lộ trình và ưu tiên. Vấn đề cần phải giải quyết ngay đối với VN là phân loại rác tại nguồn.
Trong năm 2021, trước sức ép về thị trường giấy với những diễn biến căng thẳng từ nguồn nguyên vật liệu đầu vào, các doanh nghiệp bao bì đang gặp khó khăn khi phải gồng mình chống đỡ, không thể tăng giá sản phẩm ở mức đủ bù đắp chi phí vì khách hàng chưa dễ dàng chấp nhận. Chuyên gia môi trường Phạm Thế Hiện (Viện Hàn lâm KHCN) cho rằng để giảm bị động về nguyên liệu giấy, VN phải đẩy mạnh công nghệ tái chế giấy. Hiện nhu cầu về bột giấy tăng mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đang tiêu thụ lượng giấy lớn hàng đầu thế giới. Tại Mỹ và Canada, giấy tái chế đến nay đã tăng 81%, cao hơn nhiều so với trước. Tại các nước châu Âu, mức sử dụng giấy tái chế trung bình 75%, các nước phát triển tỷ lệ này chiếm cao hơn, chẳng hạn ở Áo lên đến 90%. Tại VN, tỷ lệ giấy tái chế cũng đạt trên 70%. Tuy nhiên, trong khi các nước khuyến khích thu gom và tái chế, VN chủ yếu là nhập khẩu nguồn nguyên liệu giấy tái chế từ nước ngoài. “Thế giới đã ở trạng thái mới. Doanh nghiệp ngành giấy sẽ tiếp tục đối diện những thách thức lớn trong phòng ngừa dịch bệnh, phải tìm nguồn nguyên liệu thay thế và chấp nhận đối diện giá nguyên liệu tăng sau dịch bệnh. Đặc biệt, xu hướng thị trường thế giới ngày càng sử dụng nhiều hơn các loại hộp giấy với ý niệm “thân thiện môi trường” hơn hẳn đồ nhựa. Ngành giấy không thể phụ thuộc mãi nguyên liệu nhập khẩu mà cần được hỗ trợ công nghệ tái chế hiện đại để tồn tại và phát triển”, vị này chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận