Giá bán USD ngân hàng leo thang
Bất ổn địa chính trị ở Trung Đông càng làm gia tăng nhu cầu tích trữ các tài sản an toàn như đô la Mỹ và vàng, qua đó khiến giá USD trên thị trường quốc tế tăng mạnh, gây áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Ghi nhận vào lúc 13h00 ngày 15/04, tỷ giá USD niêm yết tại Vietcombank tăng thêm 50 đồng/USD ở cả 2 chiều so với tuần trước (12/04), lên mức 24,860 đồng/USD (mua vào) và 25,230 đồng/USD (bán ra). Đây cũng giá bán USD cao nhất trong lịch sử của Vietcombank từ năm 2000 đến nay. Mức tỷ giá này cũng không còn cách quá xa mức tỷ giá bán USD mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra là 25,250 đồng/USD vào ngày 15/04.
Tỷ giá ngân hàng liên tục phá đỉnh lịch sử trước sức ép tăng nóng của giá USD trên thị trường quốc tế sau tin Iran tiến hành cuộc tấn công chưa từng có bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa nhằm vào Israel rạng sáng 14/04.
Căng thẳng leo thang tại Trung Đông khiến các nhà đầu tư tìm đến “nơi trú ẩn” là các tài sản an toàn, dẫn đến nhu cầu nắm giữ USD tăng mạnh.
Theo nhận định của chuyên gia CTCK SSI tại báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất, tỷ giá niêm yết của VCB và chợ đen đều đang dao động trong vùng đỉnh lịch sử. NHNN trong phiên họp thường kỳ tháng cũng phát tín hiệu sẽ điều hành tỷ giá theo cơ chế linh hoạt và can thiệp để đảm bảo sự ổn định của thị trường. Mức bật tăng của tỷ giá cũng giúp thu hẹp đáng kể chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Hiện tại, giá vàng SJC chỉ còn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 10 triệu đồng/lượng - giảm mạnh từ mức đỉnh chênh lệch gần 20 triệu đồng/lượng vào giữa tháng 2. Mức chênh của vàng nhẫn vào khoảng 2 triệu đồng/lượng - từ 5 triệu đồng/lượng vào giữa tháng 2.
Chuyên gia CTCK Vietcap cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ giá USD/VND tăng đến từ đà tăng của chỉ số DXY cùng với chênh lệch lãi suất VND và USD liên ngân hàng âm sâu. Tâm lý thận trọng trên thị trường ngoại hối khi nhà đầu tư theo dõi thời điểm cắt giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhu cầu USD từ một số công ty nước ngoài và ngành xăng dầu. Trong khi đó, tại thị trường phi chính thức, giá vàng và BTC tăng. Những yếu tố này có thể tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trong tháng 4. Tuy nhiên, chuyên gia Vietcap kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ FDI, thặng dư thương mại cao và thâm hụt thương mại dịch vụ thu hẹp (nhờ lượng khách quốc tế tiếp tục gia tăng) có thể giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Trong báo cáo gần đây của CTCK ACBS, chuyên gia đánh giá động thái điều tiết thanh khoản qua kênh tín phiếu chưa đạt được hiệu quả đối với mục tiêu hạ nhiệt tỷ giá. Mặc dù thanh khoản của hệ thống đã giảm mạnh, lãi suất VND đã tăng lên, nhưng tỷ giá vẫn theo đà tăng và neo cao ở mức 25,000 đồng/USD. Vì vậy, chuyên gia ACBS cho rằng NHNN sẽ sớm phải sử dụng các công cụ khác, ví dụ như bán ngoại tệ kỳ hạn (Forward) cho hệ thống ngân hàng để đáp ứng nhu cầu mua của thị trường trong trường hợp khan hiếm nguồn cung USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận