‘Ghìm’ lạm phát ở mức 4% trong bối cảnh giá hàng hóa ‘leo thang’
Cầu kéo, tiền tệ và đặc biệt là chi phí đẩy đang là những yếu tố dồn áp lực và thách thức không nhỏ đến mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân 4% của Việt Nam trong năm nay. Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% hiện vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tuy nhiên, công tác điều hành giá linh hoạt nhưng phải rất thận trọng.
Lo ngại giá nguyên liệu tăng kéo dài
Giá thành phân bón tăng đẩy chi phí đầu vào cao khiến sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, người nông dân “đứng ngồi không yên”, chưa kể chi phí logistics rất cao do liên quan đến xăng dầu. Chưa kể, thị trường phân bón không những bị ảnh hưởng bởi COVID -19 kéo dài khiến thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng thì nay lại lao đao do căng thẳng Nga - Ukraine.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhiều nguyên liệu sản xuất phân bón của Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện tại, ở trong nước, mặt hàng phân bón DAP, MAP mới tự chủ được một phần, trong khi có những loại phân bón phải nhập khẩu hoàn toàn như Kali. Thời điểm nhập khẩu Kali vào đúng kỳ xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine khiến giá Kali có thời điểm tăng đến hơn 100% do Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ hai quốc gia này. “Chúng tôi chứng kiến có những tàu chở hàng dù chưa cập bến tại Việt Nam nhưng đều được bán hết, thậm chí, giá cao ngất ngưởng nhưng cũng không có mà bán”, đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết.
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), CPI tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung quý 1/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%. “Tuy cao hơn mức tăng 0,29% của cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn mức tăng của các năm trong giai đoạn từ 2017 – 2020”, Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng TCTK cho biết. CPI quý 1/2022 của Việt Nam được kiểm soát tốt trong bối cảnh nhiều quốc gia chịu “bão giá” do xăng dầu. Trong kịch bản xấu nhất, Cục Quản lý giá dự tính mức giá xăng dầu bình quân sẽ tăng rất cao, khoảng 40%. Lúc đó, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dù chịu những biến động bất thường của chi phí sản xuất nhưng CPI bình quân quý I/2022 chỉ tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy việc kiểm soát mặt bằng giá đã khá thành công.
Mặc dù CPI quý I/2022 vẫn trong vòng kiểm soát nhưng nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại: Với đà tăng từng ngày của một số loại hàng hóa cơ bản, năng lượng kéo dài sẽ phản ánh vào giá bán, lúc đó CPI sẽ tăng mạnh. Do vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay 4% đòi hỏi một sự cố gắng vượt bậc bằng nhiều giải pháp và chính sách cụ thể từ tầm vĩ mô cho đến các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
"Cần phải khắc phục những khó khăn ở trên bằng cách từng bước chủ động dự trữ năng lượng, tìm kiếm những nguyên vật liệu, phụ liệu ở trong nước cũng như ở các nước khác để tránh phụ thuộc vào một vài quốc gia khi có những biến động làm bất lợi cho nền kinh tế nước nhà; cần khuyến khích tiết kiệm, tiêu dùng hợp lý trong các tầng lớp dân cư, tập trung mua sắm vào những mặt hàng thiết yếu, giải tỏa tâm lý tích trữ hàng hóa; nâng cao năng lực cạnh tranh của năng lực Việt, sản phẩm Việt ở thị trường nội địa và xuất khẩu", chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho biết.
Vì vậy theo ông Vũ Vinh Phú, cần khẩn trương kết nối lại các chuỗi cung ứng phục vụ cho xuất nhập khẩu, hàng hóa, nguyên vật liệu và tiêu thụ ở thị trường nội địa. Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, giảm bớt các chi phí vận chuyển, logistics nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ngay tại thị trường nội địa nhằm giảm bớt áp lực lạm phát. Doanh nghiệp Việt phải làm chủ hệ thống phân phối của mình, bởi mất phân phối là mất cả sản xuất...
Việc kiểm soát cung tiền được thực hiện tốt
Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, bên cạnh các yếu tố tiêu cực, tình hình không quá nghiêm trọng bởi có nhiều yếu tố tích cực. Lạm phát chi phí đẩy được giảm nhẹ bởi Việt Nam dù nhập khẩu lạm phát nhưng cũng xuất khẩu chính lạm phát đó ra bên ngoài thông qua xuất khẩu hàng điện tử, dệt may… Còn giá lương thực, thực phẩm tăng cũng không đáng lo bởi Việt Nam kiểm soát được các yếu tố căn bản.
Việc kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), theo ông Lê Xuân Nghĩa đang được triển khai tốt những năm qua, giúp lạm phát chi phí đẩy có thể được khống chế nhanh và không bị kích hoạt tăng lên bởi lạm phát cầu kéo. “Chúng ta không phải lo rằng tỷ giá hối đoái sẽ làm trầm trọng hơn các tác động từ giá nhiên liệu từ bên ngoài vào; không lo rằng lạm phát cung tiền trong nước sẽ kích hoạt thêm lạm phát chi phí đẩy. Tôi tin rằng nếu Chính phủ điều hành tốt, truyền thông làm tốt công tác tâm lý, mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là kiểm soát lạm phát dưới 4% hoàn toàn có thể đạt được. Chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ khoảng 3,8 - 3,9%”, ông Nghĩa kỳ vọng.
Theo ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê - NHNN, thời gian qua, NHNN rất quan tâm tới việc điều hành các chỉ tiêu tiền tệ để kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Trong đó, mức hợp lý ở đây tức là lạm phát không chỉ đạt mục tiêu trong năm nay, mà còn không tạo áp lực cho năm sau. “Chi tiết hơn, ở yếu tố tăng trưởng tín dụng, cách đây hơn chục năm thì rất cao, nhưng thời gian qua luôn được đặt ra ở mức phù hợp với thị trường. Đồng thời, tín dụng cũng được hướng đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế dòng tiền đi vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...Tương tự, thanh khoản luôn được duy trì dồi dào vừa phải, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý. Hay như tỷ giá luôn được giữ ổn định, bởi lẽ, NHNN hiểu rằng, trong bối cảnh lạm phát thì tỷ giá có vai trò rất quan trọng để hạn chế sức ảnh hưởng từ việc giá cả hàng hoá thế giới đang tăng nhanh”, ông Nguyễn Đức Long cho biết.
Trước tâm lý lo ngại của người dân về việc giá cả đang tăng rất nhiều, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Bộ Tài chính trong xác định giá, đẩy mạnh kiểm tra việc bán hàng có niêm yết giá. Để kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường, cần sự tham gia của rất nhiều cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp.
Để ngăn chặn các hành vi “té nước theo mưa”, trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là trong lĩnh vực giá. Cần loại trừ những tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh và các chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy để đầu cơ, găm hàng, tích trữ, tăng giá bán, dẫn đến khủng hoảng cho người dân, nhất là trong thời gian dịch bệnh vừa qua trang thiết bị y tế bị đẩy giá lên quá mức phi lý.
Một số giải pháp khác cũng được tính đến là đa dạng hóa nguồn cung nhằm đảm bảo nguyên vật liệu cho các đơn vị sản xuất; nắm bắt kịp thời tình hình thị trường để xây dựng chính sách quản lý điều hành về giá tham mưu cho Chính phủ, từ đó có những định hướng tốt nhất. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân các thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời về chính sách của Nhà nước trong việc bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận