24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Hiếu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ghi tên người dự định cưới vào giấy chứng nhận độc thân có cần thiết?

Có ý kiến cho rằng quy định này thực sự cần thiết và phù hợp, tuy nhiên cũng có ý kiến khẳng định quy định mới là thừa thãi và hạn chế quyền tự do trong hôn nhân.

Mấy ngày nay, mạng xã hội đang xôn xao lan truyền thông tin cho rằng, từ ngày 16/7 khi Thông tư 04/2020/TT-BTP của bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thì giấy xác nhận độc thân phải ghi tên người dự định cưới và cho rằng đây là quy định vô lý.

Theo đó, Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật Hộ tịch sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 16/7/2020.

Ghi tên người dự định cưới vào giấy chứng nhận độc thân có cần thiết?

Cán bộ hộ tịch hướng dẫn người dân thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân - Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

Có một số quy định của thông tư số 04/2020/TT-BTP nhận được các ý kiến trái chiều trong dư luận, đó là quy định tại khoản 3 – Điều 12 “Trường hợp yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp một (01) bản cho người yêu cầu. Trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn”. Có nhiều ý kiến cho rằng, quy định này là không cần thiết thậm chí gây ra xung đột pháp luật.

Quy định này là khá cần thiết

Là một bạn trẻ quan tâm đến vấn đề này, Gia Linh - sinh viên trường Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ, lần đầu nghe về quy định này thì thấy rất băn khoăn, khó hiểu vì sao giấy chứng nhận độc thân lại phải ghi tên người mình định kết hôn. Nhưng sau khi tìm hiểu thì bạn trẻ này thấy quy định trên là khá cần thiết bởi chứng nhận độc thân để chuẩn bị kết hôn mới cần ghi tên người mình định kết hôn, còn các trường hợp còn lại thì không cần. Đây cũng là 1 cách để tránh hiện tượng trùng hôn.

Còn với bạn Ngô Thị Ninh, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, thì quy định này đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải xem xét tính hợp lý, khả thi. Dự định kết hôn chỉ là ý định, chưa phải thông tin chính thức. Điều này có nghĩa khi chưa phải là thông tin chính thức thì có thể thay đổi.

Dưới góc độ pháp lý, theo ý kiến của luật sư Đỗ Minh Hiển-văn phòng luật sư JVN (đoàn luật sư Hà Nội), quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tế và đúng pháp luật. Trên thực tế, khi nam nữ vào độ tuổi kết hôn hoặc người còn độc thân mong muốn kết hôn khi xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đều đã có người mà họ hướng tới quan hệ hôn nhân. Trong nhiều trường hợp, họ đã bàn bạc rất kỹ và chuẩn bị các điều kiện để kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn, nơi dự định sẽ sống chung sau kết hôn.

“Khi xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, họ hoàn toàn hiểu mục đích xin cấp giấy này, hiểu việc sẽ kết hôn với ai, kết hôn ở đâu? Hiếm trường hợp nào xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn mà chưa biết sẽ kết hôn với ai? Và trên thực tế, cũng ít có trường hợp nào xin cấp sẵn giấy này rồi để đó chờ cho đến khi gặp được “ đối tác”- luật sư Đỗ Minh Hiển nói

Theo luật sư Hiển, có không ít ý kiến cho rằng, việc quy định phải viết họ tên, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn có thể gây ra khó khăn cho người xin cấp trong trường hợp vì lý do nào đó họ thay đổi ý định kết hôn. Ví dụ : cô A xin xác nhận tình trạng hôn nhân để dự định kết hôn với anh B. Nhưng sau đó vì lý do nào đó cô A không muốn kết hôn với anh B nữa mà muốn kết hôn với anh C thì giải quyết như thế nào?

Để giải quyết tình huống này, luật sư Hiển cho rằng, khoản 1 Điều 12 Thông tư 04/2020/TT-BTP đã hướng dẫn rất cụ thể: Cô A hoàn toàn có quyền xin cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn. Cô A chỉ cần nộp lại giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ( với anh B. và xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với anh C.

Trong trường hợp cô A không nộp lại được giấy xác nhận trước đây thì cô A phải trình bày rõ lý do không nộp được. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký hộ tịch có văn bản trao đổi với nơi dự định đăng ký kết hôn trước đây để xác minh. Trường hợp không xác minh được hoặc không nhận được kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân. Trường hợp có cơ sở xác định cam đoan của cô A, là không đúng sự thật cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch (khoản 2- Điều 5 Thông tư 04/2020/TT-BTP).

Quy định mới là thừa thãi và hạn chế quyền tự do trong hôn nhân

Trái với quan điểm trên, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính pháp cho rằng, việc ghi tên người dự định kết hôn trong giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không có ý nghĩa và không phải là một cách để tăng cường công tác quản lý. Việc quy định thừa thãi này sẽ làm hạn chế quyền tự do trong hôn nhân của công dân và nguy cơ phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột pháp luật. Cũng theo quy định của văn bản này thì giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị trong vòng 06 tháng hoặc cho đến khi đăng ký kết hôn, tùy thuộc vào điều kiện nào đến trước.

Ghi tên người dự định cưới vào giấy chứng nhận độc thân có cần thiết?

Luật sư Đặng Văn Cường

Theo luật sư Cường, thực tế có những trường hợp làm việc sinh sống cư trú ở nước ngoài, để kết hôn thì phải về Việt Nam để xin xác nhận tình trạng hôn nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian, điều kiện về nơi thường trú của mình để xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Bởi vậy, nhiều trường hợp xin trước để dự tính có thể kết hôn trong nửa năm tiếp theo. Nếu quy định này có hiệu lực thì bắt buộc họ phải điền bừa thông tin một người nào đó vào giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của họ.

Cùng với đó, theo luật sư Cường, cũng có trường hợp một người có nhiều người tán tỉnh, theo đuổi thì trong thời hạn 6 tháng đó, người ta vẫn đủ thời gian để quyết định đến với một trong số những người đang theo đuổi mình. Nếu quy định phải ghi tên người dự định kết hôn thì liệu người ta có thể ghi tên nhiều người theo thứ tự ưu tiên với những người mà người đó đang dự định kết hôn hay không?

Theo luật sư Cường, nguyên tắc quan trọng trong Luật hôn nhân và gia đình là tự do kết hôn. Trường hợp quy định bắt buộc phải ghi tên tuổi, địa chỉ, nơi cư trú của người dự định kết hôn vào giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là một điều bất cập và không cần thiết. Nếu trường hợp dự định kết hôn với người này nhưng sau đó lại kết hôn với người khác mà trong giấy xác nhận thể hiện tên một người, giấy chứng nhận kết hôn với một người thì sẽ tạo ra những mâu thuẫn và xung đột về pháp lý cũng như về đời sống xã hội như ghen tuông,..

“Theo quan điểm của cá nhân tôi thì quy định mới này không phải là quy định tiến bộ, có thể hạn chế quyền tự do kết hôn của công dân, gây rắc rối, phiền hà về mặt thủ tục và có nguy cơ gây tranh chấp mâu thuẫn trong đời sống xã hội. Bởi vậy, quy định này cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ để thủ tục đăng ký kết hôn trở nên dễ dàng, thuận lợi, đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, giảm bớt các tranh chấp, mẫu thuẫn, khiếu kiện có thể phát sinh từ thủ tục đăng ký kết hôn”-luật sư Cường nói./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả