menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vy Lam

GeoMarketing: Xu hướng tất yếu của ngân hàng

Dù thực tế là việc GeoMarketing được ứng dụng trong dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam còn gặp khó khăn nhưng cũng phải ghi nhận là các nhà băng đang nhanh chóng triển khai các ứng dụng nền tảng phục vụ ứng dụng GeoMarketing...

Giúp nhà băng thấu hiểu khách hàng hơn

GeoMarketing là một thuật ngữ trong marketing, nói tới việc sử dụng các thông tin về vị trí địa lý trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện hoạt động marketing. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin và số lượng người sử dụng điện thoại thông minh, các nhà làm marketing đã tận dụng được tiện ích định vị khách hàng để cá nhân hoá các sản phẩm, dịch vụ cũng như các quảng cáo dành cho khách hàng.

Tại “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tổng quát là phát triển hệ thống các TCTD theo hướng dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn, đào tạo chuyển giao khoa học và công nghệ ngân hàng - Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, đối với lĩnh vực dịch vụ ngân hàng bán lẻ, các ngân hàng trên thế giới đã áp dụng thành công GeoMarketing để cung cấp các sản phẩm, thiết kế hệ thống các điểm ATM, POS phù hợp nhất với đa số khách hàng mục tiêu, đem lại thuận tiện cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ.

Trong điều kiện cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra, Big Data đang được khai thác triệt để thì việc ứng dụng GeoMarketing sẽ là xu hướng tất yếu trong việc làm marketing của các ngân hàng. Tại Việt Nam, qua khảo sát của Nhóm nghiên cứu thì việc ứng dụng GeoMarketing vẫn còn rất hạn chế, chưa được các ngân hàng quan tâm triển khai rộng rãi...

PGS-TS. Phạm Thuỳ Giang - Phó Chủ nhiệm bộ môn Marketing, Khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Ngân hàng cũng đánh giá, việc sử dụng GeoMarketing trong thực tiễn kinh doanh cho phép ngân hàng có thể trả lời 3 câu hỏi. Đó là tổ chức cần bao nhiêu phòng giao dịch để phục vụ hiệu quả khách hàng hiện tại và tương lai? Các phòng giao dịch này nên được đặt ở đâu trên bản đồ của thành phố để có được lượng khách hàng lớn nhất? và các phòng giao dịch khác nhau nên được bố trí khoảng cách tương đối như thế nào để có kết quả tài chính tối đa?

Cụ thể, GeoMarketing sẽ tối ưu hoá mạng lưới chi nhánh và đánh giá chi nhánh mới, phân tích phân khúc khách hàng của ngân hàng, khu vực kinh doanh của các chi nhánh và phân tích hiệu suất hoạt động. Việc sử dụng các công cụ GeoMarketing sẽ cho phép ban lãnh đạo ngân hàng sử dụng hiệu quả năng lực mạng lưới chi nhánh, phản ứng kịp thời với những thay đổi trong dòng khách hàng tại địa bàn, để đạt được hiệu quả lớn nhất từ việc quản lý văn phòng giao dịch trong thành phố theo kế hoạch chiến lược của nhà băng.

Dù thực tế là việc GeoMarketing được ứng dụng trong dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam còn gặp khó khăn nhưng cũng phải ghi nhận là các nhà băng đang nhanh chóng triển khai các ứng dụng nền tảng phục vụ ứng dụng GeoMarketing; GeoMarketing cũng đã được tìm hiểu, thử nghiệm và ứng dụng tại một số ngân hàng và tổ chức tài chính lớn tại Việt Nam.

Đó là chưa kể, số lượng khách hàng sử dụng điện thoại thông minh ngày càng cao, công nghệ kỹ thuật số và dữ liệu vị trí ngày nay luôn hiện hữu thông qua các thiết bị di động và phương tiện truyền thông xã hội cũng là điểm tích cực giúp thúc đẩy việc triển khai ứng dụng này.

Ứng dụng thực tiễn

Nói sâu hơn về giải pháp phát triển GeoMarketing ứng dụng trong dịch vụ ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam, bà Phạm Thuỳ Giang đề cập tới việc sử dụng thông tin địa lý và bản đồ số để phân tích hệ thống ATM. Cụ thể như việc phát triển phần mềm khai thác thông tin địa lý cho xác định địa điểm ATM, trong đó sử dụng thuật toán K-means trong phân cụm dữ liệu hay thuật toán DBSCAN gom cụm dựa trên mật độ; ứng dụng phần mềm ArcGIS trong phân tích và thiết kế hệ thống ATM.

Trên thế giới, Bank Muamalat (Indonesia) để tối ưu hoá mạng lưới chi nhánh và ATM của mình đã sử dụng giải pháp phân tích dựa trên vị trí tiên tiến ArcGIS trong tích hợp dữ liệu trên bản đồ thông minh. Sau khi triển khai vào tháng 1/2017, cùng với nhiều sáng kiến khác, Bank Muamalat đã tối ưu hoá 64% chi phí ATM của ngân hàng trong khi vẫn duy trì nguồn thu nhập từ phí kênh điện tử của ngân hàng. Bank Muamalat cũng đã có thêm 10% khách hàng trong năm 2017 với số lượng chi nhánh giảm hơn 40%...

Đối với việc ứng dụng GeoMarketing vào phát triển trạm ATM di động, để giải quyết vấn đề cung cấp dịch vụ tài chính tại khu vực nông thôn, vùng có mật độ dân cư thấp, các ngân hàng có thể ứng dụng giải pháp ngân hàng di động. Theo đó, một máy ATM di động với đầy đủ các chức năng và tiện nghi như một ATM thông thường sẽ được gắn vào một phương tiện di chuyển (chẳng hạn xe tải). Những máy ATM di động này cần được cài đặt các bảo mật đặc biệt để chống gian lận ở khu vực nông thôn. Và với giải pháp này, theo nhóm nghiên cứu, một cây ATM sẽ có phạm vi phục vụ rộng lớn hơn nhiều so với một cây ATM cố định.

Khuyến nghị ứng dụng GeoMarketing trong dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh một số điểm.

Thứ nhất, các ngân hàng cần nghiêm túc nhận thức về nội hàm GeoMarketing, phổ biến cũng như truyền thông về GeoMarketing cho các cán bộ ngân hàng về các lợi ích mà GeoMarketing mang lại. Đồng thời những ứng dụng của GeoMarketing trong hoạt động ngân hàng bán lẻ cần được tiếp cận và phổ biến rộng rãi.

Thứ hai, như đã nói ở trên, là việc triển khai ứng dụng GeoMarketing trong hoạt động bán lẻ như ứng dụng các thuật toán cũng như phần mềm.

“Việc ứng dụng GeoMarketing trong ngân hàng bán lẻ thời gian tới đòi hỏi các ngân hàng phải đầu tư thêm về cơ sở dữ liệu thông tin địa lý của khách hàng, nhân lực có chuyên môn về GeoMarketing, nâng cao nhận thức của cán bộ ngân hàng về GeoMarketing, đầu tư cho công nghệ giúp phân tích và ứng dụng GeoMarketing...”, bà Giang nhấn mạnh.

Việc sử dụng GeoMarketing trong thực tiễn kinh doanh cho phép ngân hàng có thể trả lời 3 câu hỏi. Đó là tổ chức cần bao nhiêu phòng giao dịch để phục vụ hiệu quả khách hàng hiện tại và tương lai? Các phòng giao dịch này nên được đặt ở đâu trên bản đồ của thành phố để có được lượng khách hàng lớn nhất? và các phòng giao dịch khác nhau nên được bố trí khoảng cách tương đối như thế nào để có kết quả tài chính tối đa?
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả