24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Tâm
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

GDP và sức chống chọi của doanh nghiệp Việt

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021 mang tới tác động nặng nề cho nền kinh tế, tuy nhiên, GDP vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực, cho thấy sự nỗ lực của DN trong bối cảnh khó khăn.

Tín hiệu tích cực từ GDP 6 tháng đầu năm

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021 với những diễn biến phức tạp hơn, nguy hiểm hơn và mang tới tác động nặng nề hơn so với 3 làn sóng trước đó, tuy nhiên, theo số liệu vừa được công bố bởi Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2021 vẫn đạt 6,61%.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,28%; khu vực dịch vụ tăng 4,3%. Về sử dụng GDP quý II/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 6,05%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 29,81%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 28,53%.

Nhận định về mức độ tăng trưởng, TS. Nguyễn Minh Phong cho hay: "Con số này có thể chưa thật là con số cuối cùng, nhưng về cơ bản, so với quý I là đã có sự tăng trưởng, đây là một tín hiệu rất tích cực. Điều quan trọng không phải là tăng bao nhiêu mà quan trọng là sau mỗi quý, quý sau cao hơn quý trước".

Cho rằng cần thừa nhận tăng trưởng của từng lĩnh vực chưa được cao, do tác động của làn sóng dịch bệnh thứ 4 tương đối nặng nề nhưng vị chuyên gia bày tỏ: "Hy vọng tăng trưởng quý III sẽ cao hơn. Về tổng thể, đây là con số đáng ghi nhận, chứng tỏ Việt Nam vẫn là điểm sáng tăng trưởng trên thế giới".

GDP và sức chống chọi của doanh nghiệp Việt

Cũng theo báo cáo thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận mức tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,61%; khu vực dịch vụ chiếm 41,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,11% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là: 14,16%; 33,51%; 41,99%; 10,34%).

"Dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép 'vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế'. Kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021", Tổng cục Thống kê đánh giá.

GDP và sức chống chọi của doanh nghiệp Việt
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong

Bàn về động lực, nguyên nhân dẫn tới con số tăng trưởng tích cực ấy, TS. Nguyễn Minh Phong đưa ra 3 luận điểm:

Thứ nhất, Chính phủ vẫn đang kiểm soát dịch bệnh khá tốt, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng.
Thứ hai, Việt Nam là thị trường mới nổi cả về đầu tư, tiêu dùng và có cơ hội đón nhận sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. Và hơn nữa, Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định thương mại, FTA thế hệ mới, mang tới nhiều cơ hội hơn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.

Thứ ba, các doanh nghiệp đang rất năng động và thể hiện sự nỗ lực khi ứng biến với Covid-19.

"Tất cả những điều đó, cùng với chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ đã hợp thành động lực tăng trưởng", TS. Phong nhấn mạnh.

Sự nỗ lực vượt khó và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp

Cũng theo con số báo cáo của Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2%.

GDP và sức chống chọi của doanh nghiệp Việt

Cơ quan quản lý nhìn nhận: Sự gia tăng về số lượng và vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2021 cũng ghi nhận đánh giá tích cực khi có 68,2% số doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2021 so với quý I/2021 tốt lên và giữ ổn định.

Nhìn lại về mức độ ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh mới đây tới hoạt động doanh nghiệp, chỉ tính riêng trong tháng 5, đợt dịch bùng phát tại Bắc Giang và Bắc Ninh đã khiến cho nhiều KCN phải ngưng trệ hoạt động.

Cụ thể, việc tạm ngừng hoạt động tại 4 KCN đã khiến sản xuất công nghiệp của Bắc Giang giảm 40,9% so với tháng trước và giảm 33,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đối với Bắc Ninh, tại thời điểm tháng 5, mặc dù khu phức hợp của Samsung vẫn hoạt động bình thường trong thời gian dịch bùng phát, nhưng sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh cũng sụt giảm 2,2% so với tháng trước.

Trước đó, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã có góc nhìn đầy e ngại về ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh mới. Theo vị chuyên gia, tăng trưởng kinh tế trong quý II/2021 có thể thấp hơn kỳ vọng do tính chất phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 tại khu vực tập trung các KCN lớn như Bắc Ninh và Bắc Giang.

“Thứ nhất, đợt dịch này đã gây đảo lộn sản xuất tại một số khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Thứ hai, sản lượng công nghiệp giảm do việc ngừng hoặc thu hẹp sản xuất của một số doanh nghiệp lớn, đặc biệt ở những doanh nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo. Thứ ba, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sản phẩm chế tác có thể giảm và nhập siêu có thể quay trở lại trong thời gian tới”, TS. Nguyễn Đình Cung nhận định.

Tuy nhiên, báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê đã cho thấy một bức tranh sáng màu hơn so với những lo lắng của các chuyên gia và thị trường. Để đạt được điều đó, có đóng góp không nhỏ từ khối doanh nghiệp, như đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại.

Đánh giá về vai trò của doanh nghiệp trong khu vực công nghiệp - xây dựng, TS. Nguyễn Minh Phong phân tích: "Trong bối cảnh phải hứng chịu những tác động liên tiếp của làn sóng dịch bệnh kéo dài trong 2 năm qua, khó khăn với doanh nghiệp là vô cùng lớn, không ít doanh nghiệp đã phải rời bỏ thị trường, hay có doanh nghiệp vừa thành lập đã phải 'khai tử'.

Nhưng nhìn vào con số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký doanh nghiệp của 6 tháng đầu năm 2021 để thấy, doanh nghiệp Việt đang rất nỗ lực để đứng vững cùng thị trường, nung nấu niềm tin khởi nghiệp. Chưa kể, vừa duy trì lao động sản xuất, doanh nghiệp vẫn luôn song hành cùng Chính phủ trong cuộc đấu tranh, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đóng góp của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân với nền kinh tế chung là không thể chối cãi".

Trên cơ sở đó, vị chuyên gia cho rằng, bên cạnh những biện pháp chính sách mà Chính phủ đã duy trì từ đầu năm tới nay để điều hành phát triển kinh tế thì cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giảm thiểu các chi phí bôi trơn, nhũng nhiều; hỗ trợ các doanh nghiệp đứng vững được trong Covid-19 bằng cách tiếp tục duy trì Nghị định 52 cũng như có thêm gói mới kết hợp hỗ trợ, đầu tư dài hạn, trung hạn để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.

Một điểm nhấn nữa mà ông Phong đề cập là cần khai thác các cơ hội của kinh tế nhà nước, cộng với đầu tư công, đặc biệt là chiến lược phát triển vaccine sắp tới đây của Việt Nam./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả