GDP giảm đột ngột, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng
Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là rất khó khăn. Vì vậy, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng và những tồn tại, yếu kém nội tại của nền kinh tế để điều hành kịp thời...
Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kéo dài 4 ngày, từ ngày 9 - 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến nội dung chương trình kỳ họp cùng với 13 nội dung lớn dự kiến trình Quốc hội; đồng thời, xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng theo thẩm quyền.
Trong phiên khai mạc ngày 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
NHIỀU ĐIỂM NGHẼN KÉO DÀI, CHẬM XỬ LÝ
Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm.
Cùng với đó, thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng. Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định. Nhiều giải pháp được triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân được thực hiện tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý 4/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 1/2023 thấp, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn.
Doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực.
Tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông, thị trường xăng dầu đôi lúc còn điều hành, phối kết hợp chưa kịp thời, dẫn đến thiếu cục bộ, việc tăng giá điện gần đây cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp.
Cùng với đó, nhiều vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chậm được xử lý đã tạo ra những điểm nghẽn đối với nền kinh tế.
“Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm.
Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 rất chậm so với yêu cầu. Giải ngân đầu tư công tuy cải thiện song vẫn chậm tạo áp lực lớn lên giải ngân, khả năng hoàn thành mục tiêu trong những quý còn lại của năm 2023”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu rõ những điểm nghẽn.
Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao và tín dụng tăng trưởng thấp , cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nợ xấu có xu hướng tăng, trong khi tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu giảm có thể gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống tài chính. Kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm sút vai trò huy động vốn cho nền kinh tế.
Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là rất khó khăn.
NHÌN THẲNG KHÓ KHĂN ĐỂ ĐIỀU HÀNH
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung lưu ý thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2023 rất thấp trong điều kiện bình thường và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, hệ thống tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; làm rõ vấn đề mặt bằng lãi suất cho vay tăng cao, tăng trưởng tín dụng, nợ xấu, thị trường trái phiếu, bất động sản…
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị làm rõ nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính ngân hàng như: nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiền gửi của khách hàng với số tiền lớn, tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, tư vấn phát hành hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu của các công ty đại lý, phân phối nhưng đến hạn thanh toán thì chây ỳ hoặc mất khả năng thanh toán; gửi tiết kiệm bị chuyển thành tham gia mua bảo hiểm nhân thọ.
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ và thống nhất với các ý kiến của báo cáo thẩm tra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, cho biết sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch, kinh tế nước ta đã đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao, đạt được 13/15 chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, "việc không đạt chỉ tiêu trong tỷ trọng chế biến, chế tạo trong GDP là điều đáng quan tâm, vì đây là chỉ số quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng, vì vậy, cần phân tích, làm rõ nguyên nhân và rút ra giải pháp để duy trì củng cố tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới", ông Cường nhấn mạnh.
Đối với tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng chúng ta đối mặt với nhiều thách thức hơn thuận lợi, các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn số lượng đơn hàng suy giảm ngay cả với những mặt hàng xuất khẩu truyền thống, đầu tư công mới chỉ đạt tỷ lệ thấp, gây sức ép lớn lên việc hoàn thành mục tiêu vào những tháng cuối năm, nếu không có giải pháp quyết liệt thì sẽ không đạt được yêu cầu đặt ra.
Cho ý kiến về báo cáo bổ sung kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cho rằng báo cáo của Chính phủ có nhiều “màu hồng” trong khi đó phân tích về tồn tại, hạn chế, đặc biệt phân tích về nguyên nhân không rõ.
Do đó, "cần đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước, không phải tăng trưởng giảm đột ngột từ 8,2 xuống 3,3%, mà từ cuối quý 3, quý 4/2022 đã có xu hướng giảm, do vậy cần phân tích những tồn tại một cách khoa học, chặt chẽ và đầy đủ hơn", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ.
Chưa đồng tình với nội dung trong báo cáo của Chính phủ về những chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như: thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công và khơi thông điểm nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cho biết qua làm việc với các chuyên gia, các nhà khoa học cho thấy dòng tiền vẫn còn điểm nghẽn, các chính sách mới ban hành chưa phát huy tác dụng. Nếu đánh giá lạc quan quá sẽ dẫn đến công tác điều hành gặp khó.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu tình hình kinh tế xã hội tháng 4 tháng đạt nhiều kết quả tích cực nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn “nhiều kết quả tích cực” có sát với thực tế hay không, bởi tăng trưởng thấp so với cùng kỳ. Chính phủ cũng nêu một số khó khăn, hạn chế nhưng không làm rõ tồn tại nội tại nền kinh tế, đặc biệt chưa phân tích rõ nguyên nhân của tình trạng này.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu những tồn tại, yếu kém nội tại của nền kinh tế đã bộc lộ rõ như thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự yếu kém của ngân hàng chưa được xử lý dứt điểm, khả năng chống chịu thích ứng của nền kinh tế bởi tác động bên ngoài còn rất hạn chế…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng công tác dự báo, tham mưu cũng còn bị động, phản ứng chính sách không kịp thời; đồng thời, đánh giá phối hợp chính sách tài khóa tiền tệ đã thực chất đi vào cuộc sống hay chưa, việc phối hợp các bộ, ngành, các cơ quan trung ương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở đã đủ để khơi thông động lực tăng trưởng hay chưa?
Vì vậy, Chính phủ cần tập trung phân tích cụ thể hơn vào những vấn đề bất cập, nhất là những yếu kém, tồn tại trong nội tại của nền kinh tế, năng lực điều hành quyết định những vấn đề trước các tình huống, các giai đoạn có tính chất đặc biệt quan trọng cần có linh hoạt, quyết đoán, mạnh mẽ hơn, không chỉ ở cấp Chính phủ mà còn ở các bộ, ngành và địa phương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận