GDP bình quân tăng đạt 3.000 USD/năm: Dễ ảo tưởng
Việc điều tra thông tin về khu vực kinh tế chưa được quan sát rất phức tạp, đặc biệt là thành tố kinh tế ngầm sẽ không thể kiểm soát được
Tại hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc ngày 7/8, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng cục Thống kê vừa hoàn thành cách tính GDP mới.
Theo cách tính này, thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam vào khoảng 3.000 USD/người/năm, tăng gần 400 USD so với cách tính áp dụng thời gian trước đây.
Nếu theo cách tính hiện nay đang áp dụng nền kinh tế Việt Nam năm 2018 có quy mô khoảng 5,5 triệu tỉ đồng (hơn 240 tỉ USD), tổng GDP bình quân đầu người là 2.590 USD/người/năm.
Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh cho rằng, đây là kết quả bất ngờ.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng tò mò về phương pháp tính GDP mới chưa được Tổng Cục thống kê tiết lộ.
Theo vị chuyên gia, cách tính GDP của Việt Nam cũng như các nước không tự sáng tạo ra được mà phải thực hiện dựa trên các khái niệm, nguyên tắc, nguồn thông tin và phương pháp tính GDP theo đúng quy định trong hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) của thống kê Liên hợp quốc.
Do đó, vị chuyên gia nghi ngờ có khả năng kinh tế ngầm đã được tính vào GDP, vì thế kết quả GDP mới phình ra nhanh chóng như vậy.
Thực tế, đã có dự kiến đưa kinh tế ngầm vào GDP từ năm 2020, tuy nhiên quan điểm này còn nhiều tranh cãi.
TS Bùi Trinh lo ngại, tính thêm khu vực này vào GDP chỉ có lợi ích duy nhất là làm đẹp thành tích tăng trưởng nhưng lại lợi bất cập hại ở chỗ kéo tỉ lệ bội chi và nợ công nhỏ xuống.
"Nợ công và bội chi phải nhìn nhận ở con số tuyệt đối, nếu hạ "ảo" để đạt thành tích sẽ khiến các nhà làm chính sách và cả người dân quên đi thực tại" - ông Bùi Trinh thẳng thắn.
Ông Trinh phân tích, cộng khu vực kinh tế chưa được quan sát (tạm gọi chung là kinh tế ngầm) vào GDP sẽ khiến quy mô GDP tăng lên, tỷ lệ nợ công/GDP và tỷ lệ bội chi/GDP giảm đi… nhưng thực tế con số tuyệt đối về nợ công và bội chi không giảm, dễ dẫn tới thành tích ảo.
Vấn đề quan trọng hơn, nếu cộng cả khu vực kinh tế ngầm vào GDP, tức là phủ nhận toàn bộ các chỉ số tính GDP suốt trong thời gian qua.
Vì liên quan tới thống kê kinh tế ngầm còn liên quan tới cấu trúc ngành nghề, không phải ngành nghề nào cũng có khu vực kinh tế ngầm giống nhau, con số thống kê kinh tế ngầm có năm nó tăng cao, có năm tăng thấp…
Hơn nữa, việc điều tra thông tin về khu vực kinh tế chưa được quan sát rất phức tạp, đặc biệt là thành tố kinh tế ngầm sẽ không thể kiểm soát được.
Con số thống kê không chính xác sẽ kéo theo hàng loạt các chính sách bị sai lệch. Hơn nữa, nếu điều chỉnh quy mô GDP theo hướng cộng thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát thì phải điều chỉnh tỷ lệ nợ công, bội chi, cùng với hàng loạt các quyết sách, chính sách bởi vì tất cả đều dựa vào GDP để tính.
Bên cạnh đó, ông Trinh cho rằng nếu tìm cách đo kinh tế ngầm chỉ để làm tăng quy mô GDP, chứng minh tỷ lệ nợ công thấp hơn, bội chi/GDP không lớn... thì không mang lại lợi ích gì, nếu không thực sự quyết tâm khắc phục các vấn đề về nợ công, thu chi, đặc biệt là chi ngân sách.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận