Gặp thế cờ khó, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ứng phó ra sao?
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã gặp thế cờ khó ngay những tháng đầu năm 2020. Dịch Covid-19, giá dầu thấp cùng tình trạng cạnh tranh khiến các doanh nghiệp lao đao không ít. Vậy các doanh nghiệp trong ngành sẽ ứng phó như thế nào trong thời gian tới?
Tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu thấp đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu điêu đứng. Tình hình cách ly xã hội, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sụt giảm trực tiếp làm doanh số những tháng đầu năm 2020 đi lùi so cùng kỳ (đặc biệt là tháng 3 và 4). Cùng với việc phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn lớn đã khiến con số lợi nhuận đi xuống rõ rệt, thậm chí là thua lỗ nặng nề. Thực tế là cả 2 ông lớn trong ngành gồm Petrolimex và PV OIL đều báo lỗ quý đầu năm.
Không những thế, đối thủ cạnh tranh trong ngành ngày càng nhiều và cạnh tranh khốc liệt. So với các doanh nghiệp lớn/doanh nghiệp đầu mối thì các doanh nghiệp nhỏ/tư nhân lại có lợi thế về tính linh hoạt hơn trong quyết định kinh doanh, nhất là vấn đề đầu cơ xăng dầu khi giá xuống thấp.
Petrolimex: Đảm bảo nguồn hàng trong mọi tình huống
Về kinh doanh xăng dầu, PLX đề ra các giải pháp: Đảm bảo đủ nguồn hàng trong mọi tình huống và kinh doanh có hiệu quả, trong đó chú trọng tạo nguồn từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước (Dung Quất và Nghi Sơn); đẩy mạnh hoạt động pha chế, tích cực làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước để được sử dụng nguồn xăng nền có trị số octan thấp (như Ron88/Naptha) nhằm chủ động tạo nguồn và nâng cao hiệu quả kinh doanh; tổ chức thay thế, tiêu thụ nhiên liệu hàng hải mới; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để tận dụng, gia tăng tiện ích tại hệ thống CHXD;…
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, ban điều hành của PLX cho biết theo ước tính, Công ty lãi khoảng 350 tỷ đồng trong quý 2/2020.
Nhìn chung, các công ty con và công ty liên doanh, liên kết của PLX đều bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm 2020. Chi tiết hơn, lũy kế 6 tháng đầu năm, TCT Hóa dầu Petrolimex (PLC) ước lãi 77 tỷ đồng (56% kế hoạch); CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex (PA) dự kiến không có lợi nhuận (quý 1 lãi 138 tỷ đồng, quý 2 thua lỗ do vận tải hàng không chưa hồi phục); TCT Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) ước lãi 100 tỷ đồng (55% kế hoạch); TCT Vận tải thủy Petrolimex (PGT) ước lãi 11.5 tỷ đồng (64% kế hoạch); do chịu thêm ảnh hưởng từ Nghị định 100 nên TCT Gas Petrolimex (PGC) ước lãi 46.3 tỷ đồng (33% kế hoạch); PG Bank ước lãi 104 tỷ đồng (55% kế hoạch),…
Phía PLX cho biết đang xây dựng phương án thoái vốn tại PJICO để giảm tỷ lệ nắm giữ trong lĩnh vực bảo hiểm theo các quy định pháp luật và đảm bảo lợi ích (cho PLX), dự kiến triển khai trong năm 2020. Với PG Bank, PLX sẽ đẩy nhanh nhất để có thể thoái vốn. Đại diện của PLX cho biết đến 31/08 nếu PG Bank và HDBank không sáp nhập thì PLX sẽ thoái vốn tại PG Bank (hơn 40% vốn).
Ngoài ra, HĐQT PLX hiện đang triển khai bán 15 triệu cổ phiếu quỹ trên thị trường để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
PV OIL: Kiểm soát chặt chẽ hàng tồn kho
Theo ông Cao Hoài Dương - Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL, UPCoM: OIL), tháng 4 chứng kiến việc dãn cách xã hội khiến sản lượng kinh doanh lao dốc khủng khiếp; những tín hiệu tích cực chỉ xuất hiện trong tháng 5, khi các biện pháp dãn cách xã hội được nới lỏng, dù sản lượng vẫn giảm so cùng kỳ. Dự báo, sản lượng tiêu thụ trong quý 2 của OIL sụt giảm khoảng 12% so cùng kỳ.
Dự báo, sản lượng cả năm 2020 của OIL có thể sẽ đi lùi khoảng 8-10%; trong kịch bản tiêu cực, sản lượng có thể lao dốc 18%. Đánh giá chung về lĩnh vực xăng dầu, vị Tổng Giám đốc dự đoán sản lượng năm nay có thể sụt giảm 5-7%, trong diễn biến xấu thì có thể sụt giảm tới 10% so với năm 2019.
Dù vậy, ban điều hành đánh giá giữa bối cảnh khó khăn bất ngờ, so với mặt bằng chung trong ngành thì con số lỗ trong quý 1 của OIL (lỗ ròng 423 tỷ đồng) còn thấp. Điều này, một phần đến từ việc Công ty có 600 cây xăng ở các tỉnh, thành phố nhỏ, nên khi người lao động/học sinh về quê tránh dịch thì nhu cầu tiêu thụ ở đây cũng không giảm nhiều. Ngược lại, các cây xăng ở thành phố lớn ghi nhận sản lượng tiêu thụ bốc hơi khoảng 60%, cá biệt tới 80%.
Thứ hai, OIL ưu tiên việc kiểm soát sản lượng hàng tồn kho, thực hiện mua bán nhanh chóng để hạn chế rủi ro về giá. Thời gian tới khi giá dầu tăng lên, Công ty cũng tính đến việc tăng tồn kho để có cơ hội cải thiện lợi nhuận. Tuy nhiên, OIL vẫn theo chủ trương thận trọng, theo dõi sát sao thị trường, thực hiện mua bán nhanh chóng không trữ tồn kho nhiều.
Về vấn đề các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn tiến hành bảo dưỡng trong thời gian tới, OIL sẽ lên kế hoạch tăng nguồn cung để tránh cảnh thiếu hụt. Bên cạnh việc nhập hàng từ 2 nhà máy trên thì OIL còn nhập khẩu từ nước ngoài.
Tổng Giám đốc Cao Hoài Dương khẳng định giá mua xăng dầu trong nước hoàn toàn cạnh tranh so với nhập khẩu do công thức giá hoàn toàn xây dựng theo công thức giá nhập khẩu. Tất nhiên, việc dùng nguồn hàng trong nước sẽ có lợi về các loại chi phí hậu cần, logistics, thời gian vận chuyển... Công ty sẽ căn cứ tình hình thực tế để chủ động lựa chọn nguồn hàng cho linh hoạt và có lợi nhất.
Comeco: Chia sẻ khó khăn với khách hàng thuê kho bãi
Công ty con của OIL là CTCP Vật tư Xăng Dầu (Comeco, HOSE: COM) cũng đang gặp khó. Các công trình cải tạo cơ sở hạ tầng; việc phân luồng tuyến, hạn chế xe tải lưu thông vào nội đô theo quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố đã hạn chế lượng xe vào nội đô đã tiếp tục ảnh hưởng đến kinh doanh bán lẻ xăng dầu của COM. Cùng với đó, nhiều khoản phí tăng cao như giá thuê đất, giá giao đất có thu tiền sử dụng đất, giá điện; các khoản chi phí bảo hiểm tăng theo lộ trình lương tối thiểu vùng,…
Sản lượng kinh doanh nhiên liệu quý 1/2020 của COM sụt giảm so cùng kỳ năm 2019; Công ty mang về gần 859 tỷ đồng doanh thu và 6.3 tỷ đồng lãi sau thuế. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, ban điều hành dự báo nếu tình hình dịch bệnh chưa chuyển biến, Công ty có thể lỗ trong quý 2 và theo đó lợi nhuận lũy kế 6 tháng giảm về vạch xuất phát. Mục tiêu lãi sau thuế 25 tỷ đồng cả năm không hề dễ hoàn thành.
Để giải bài toán trước mắt, COM cho biết sẽ tính toán lại việc mua hàng và kế hoạch tồn kho nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh. Công ty đang tìm kiếm mặt bằng, thuê đất các khu công nghiệp; mua hoặc thuê mặt bằng, cây xăng để phát triển thêm chi nhánh xăng dầu.
Cùng với đó, COM chia sẻ khó khăn với khách hàng thuê kho bãi, hợp tác kinh doanh qua việc giảm giá thuê, giảm lợi nhuận cố định,… để nhằm duy trì kinh doanh ổn định.
NSH Petro: Nhập khẩu và bán thành phẩm trực tiếp, chủ động tích trữ nguyên liệu
Dù cũng bị tác động bởi nhu cầu sụt giảm, song, mức ảnh hưởng đối với CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro, HOSE: PSH) được đánh giá là không nhiều. Một phần bởi tất cả 67 cửa hàng, 550 đại lý phân phối (tính đến hết năm 2019) đều nằm ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trước bài toán khó trong năm 2020, PSH dự kiến sẽ tập trung phương án xuất nhập khẩu và bán thành phẩm trực tiếp, căn cứ trên việc phân tích nhu cầu thị trường cùng năng lực hậu cần. Về trung hạn, Công ty sẽ chủ động tích trữ nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất trong tương lai, nhất là giữa bối cảnh giá dầu xuống thấp. Được biết, PSH sở hữu 9 kho trữ với tổng sức chứa hơn 500,000 m3. Bên cạnh việc sản xuất - kinh doanh xăng dầu, Công ty còn là đầu mối chính phân phối xăng dầu cho các đại lý trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Năm 2020, PSH đặt kế hoạch doanh thu đạt 16,000 tỷ đồng và lãi sau thuế 122 tỷ đồng. Ông Mai Văn Huy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc - cho biết trong kịch bản thuận lợi nếu dịch bệnh không tái phát, Công ty dự kiến đạt 1.3 triệu tấn sản lượng tiêu thụ. Ước tính sau 6 tháng đầu năm, PSH đã thực hiện được khoảng 35-40% kế hoạch kinh doanh.
Có thể thấy, doanh nghiệp phân phối xăng dầu đang khẩn trương ứng phó trước tác động của dịch Covid-19. Bên cạnh nâng cao chất lượng kinh doanh, việc kiểm soát/tích trữ hàng tồn hợp lý rất được chú trọng vào thời điểm này. Trong kịch bản tích cực khi dịch bệnh được khống chế, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu kỳ vọng sẽ lật ngược thế cờ trong những tháng cuối năm.
Xăng sẽ phục hồi nhu cầu nhanh nhất trong các sản phẩm dầu
Trong nghiên cứu được công bố ngày 02/07, các nhà phân tích tại Goldman Sachs ước tính nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 8% vào năm 2020, tăng trở lại 6% vào năm 2021 và hồi phục hoàn toàn (về mức độ trước đại dịch) vào năm 2020.
Trong đó, xăng được cho là sẽ phục hồi nhu cầu nhanh nhất trong số các sản phẩm dầu, do hoạt động đi lại gia tăng, người dân có xu hướng chuyển từ giao thông công cộng sang phương tiện cá nhân. Cùng với đó, thay vì đi du lịch bằng hàng không thì họ có thể dùng ô tô nhiều hơn để du lịch nội địa, nhất là ở Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận