24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cô Thắm Đầu Tư Pro
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

GAP là gì? Cách giao dịch với GAP (Phần 1)

Thuật ngữ GAP chắc hẳn không còn xa lạ với nhiều nhà đầu tư chứng khoán, chúng ta thường được nghe VNINDEX tạo GAP tăng hay giảm và có xu hướng lấp GAP, vậy GAP là gì? Nó có ý nghĩa như thế nào? Cách giao dịch với GAP? Có phải GAP nào cũng được lấp, và chúng ta có nên chờ thời điểm lấp GAP mới giao dịch?

Vì bài viết khá dài nên mình sẽ chia thành 2 phần và chia sẻ dần, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu phần đầu tiên nhé.

1. GAP là gì?

GAP là khoảng trống giá giữa 2 phiên giao dịch (2 cây nến) liên tiếp, khoảng trống này được xác định bởi giá đóng cửa của cây nến phía trước và giá mở cửa của cây nến phía sau. Trong đó:

- Gap Up (Gap tăng giá): Xuất hiện khi giá mở cửa phiên sau cao hơn giá đóng cửa phiên trước.

- Gap Down (Gap giảm giá): Xuất hiện khi giá mở cửa phiên sau thấp hơn giá đóng cửa phiên trước.

Hiểu một cách đơn giản, GAP là một khoảng trống, xuất hiện khi giá đột ngột biến đổi, tạo ra một cú nhảy vọt tăng hoặc giảm về giá (Hình 1)

2. Các loại GAP trong chứng khoán

Trong phân tích kỹ thuật, GAP thường xuất hiện dưới 5 dạng khác nhau, mỗi dạng lại có đặc điểm và ý nghĩa riêng trong việc phân tích. 5 dạng GAP bao gồm:

2.1. Common GAP

GAP là gì? Cách giao dịch với GAP (Phần 1)

Common GAP hay còn gọi là GAP thường, GAP phổ thông,… Loại này mang tính khoảng trống tạm thời, xuất hiện thường xuyên ngay cả trong điều kiện bình thường của thị trường chứng khoán. Common GAP thường xuất hiện khi cổ phiếu đi ngang và dao động trong các phạm vi hẹp (Sideway).

Thông thường, Common GAP sẽ được lấp đầy không lâu sau đó và không có đột biến về khối lượng giao dịch. Khoảng cách của GAP sẽ không quá cách biệt. GAP này được coi là tín hiệu khá yếu và không ảnh hưởng nhiều đến xu hướng giá.

2.2. Breakaway GAP

Breakaway GAP hay còn gọi là GAP phá vỡ, xảy ra khi giá phá vỡ vùng giao dịch ổn định, báo hiệu cho sự bắt đầu của một xu hướng mới, khi có các thông tin, sự kiện bất ngờ tác động lớn đến thị trường. Những thông tin này khiến tâm lý nhà đầu tư thay đổi nhanh chóng, xu hướng giá cũng chuyển sang hướng khác. Giá có thể đang đi ngang hoặc đang trong xu hướng tăng rồi đột ngột chuyển sang xu hướng giảm hoặc ngược lại.

GAP là gì? Cách giao dịch với GAP (Phần 1)

Khoảng trống giá phá vỡ đi kèm với khối lượng giao dịch lớn cho thấy sự chuyển hướng mạnh mẽ của thị trường. Điểm phá vỡ sẽ trở thành ngưỡng hỗ trợ mới nếu khoảng trống giá phá vỡ đi lên. Trong trường hợp khoảng trống giá phá vỡ đi xuống, điểm phá vỡ sẽ thành ngưỡng kháng cự.

GAP phá vỡ có thể được lấp đầy hoặc không, nhưng nếu một đợt retest khoảng trống giá xuất hiện thì sẽ là một dấu hiệu tích cực mở ra cơ hội đầu tư sinh lời hiệu quả.

2.3. Runaway GAP

Runaway GAP (Continuation GAP) hay còn gọi là khoảng trống giá tiếp diễn thường xuất hiện ở giữa một xu hướng tăng/giảm đã được hình thành rõ rệt trước đó, và báo hiệu giá sẽ tiếp tục đi theo xu hướng hiện tại. Khoảng trống giá tiếp diễn có ít khả năng được lấp đầy và thường có khối lượng giao dịch vừa phải. GAP tiếp diễn sẽ là một GAP Up nếu trong một xu hướng tăng và ngược lại.

GAP là gì? Cách giao dịch với GAP (Phần 1)

Khi xuất hiện trong xu hướng tăng, GAP tiếp diễn hay GAP Up cho thấy dấu hiệu bên mua đang chiếm ưu thế, những người đứng ngoài dần mất kiên nhẫn, họ không thể chờ đợi khi thấy giá tăng và quyết định mua vào vì cho rằng khả năng cao giá sẽ không điều chỉnh trở lại.

Ngược lại trong xu hướng giảm, GAP tiếp diễn hay GAP Down sẽ cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế, tâm lý bi quan của những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu khiến họ có xu hướng quyết định bán ra mạnh vì nghĩ rằng khả năng cao giá sẽ không phục hồi.

Quan sát với nhóm Thực phẩm vẫn chưa hết hot thời gian gần đây, điển hình với trường hợp của DBC (Hình 2), ta có thể dễ dàng nhìn thấy 2 loại GAP phá vỡ và GAP tiếp diễn. Sau khi hình thành cụm nến đảo chiều Morning Star ngày 23/6, cùng với giá thịt heo tăng do thiếu hụt nguồn cung và chi phí chăn nuôi tăng, DBC đã liên tục tăng mạnh tạo GAP. 2 GAP đầu báo hiệu cho sự đảo chiều, bắt đầu một xu hướng mới, đến GAP thứ 3 càng củng cố cho xu hướng này. Với xu hướng giá mạnh mẽ hiện tại, các khoảng trống có thể sẽ không được lấp đầy ngay.

2.4. Exhaustion GAP

Exhaustion GAP hay khoảng trống giá suy kiệt thường xuất hiện ở cuối một xu hướng tăng hoặc giảm, báo hiệu sự kết thúc của xu hướng hiện tại và bắt đầu một xu hướng mới. Khoảng trống giá suy kiệt thường đi kèm với khối lượng giao dịch lớn. Đồng thời, giá mở cửa của ngày hôm sau và giá đóng cửa của ngày hôm trước có sự chênh lệch lớn. Thông thường khi GAP kiệt sức xuất hiện thì phải một vài phiên sau mới chính thức tạo đỉnh hoặc đáy. Và vì GAP này nằm ở gần vị trí đỉnh, đáy do đó nó sẽ bị lấy đầy ngay sau đó một thời gian.

GAP là gì? Cách giao dịch với GAP (Phần 1)

Exhaustion GAP với khối lượng giao dịch lớn (volume) là một dấu hiệu có tính xác nhận cao. Nhưng để đảm bảo được tính chính xác vẫn cần sự xác nhận của đường xu hướng. Các nhà đầu tư nên xem xét, canh bán cổ phiếu ở những phiên sau đó nếu xuất hiện tín hiệu nến tiêu cực hoặc canh mua khi có dấu hiệu đảo chiều từ giảm sang tăng.

Ví dụ với LCG sau một xu hướng giảm kéo dài, phiên 16-17/6 giảm mạnh tạo GAP với khối lượng lớn hơn mức trung bình 20 phiên, sau đó đà giảm có phần chững lại, RSI quá bán, mở ra một đợt hồi phục, GAP kiệt sức được lấp đầy ngay sau đó. Hiện tại giá đang đi ngang và đã thoát khỏi xu hướng giảm, thuộc nhóm có trạng thái khỏe hơn thị trường chung những phiên gần đây, là cơ hội chúng ta có thể chú ý thời gian tới.

2.5. Island Reversal

Island Reversal (Hòn Đảo Đảo Chiều) là mô hình gồm một hoặc nhiều nến nằm cách biệt và ngăn cách với phần còn lại của biểu đồ bằng những khoảng trống (GAP). Mô hình này có thể xuất hiện trong cả hai xu hướng tăng hoặc giảm. Nếu xuất hiện khi giá tăng, mô hình cho tín hiệu đảo chiều sang giảm và ngược lại.

GAP là gì? Cách giao dịch với GAP (Phần 1)

Mô hình xuất hiện sau một xu hướng rõ ràng, tăng hay giảm đều được. Đầu tiên biểu đồ xuất hiện một khoảng trống. Sau khi tạo khoảng trống, giá tiếp tục di chuyển theo xu hướng và tạo ra một hoặc nhiều cụm nến di chuyển trong phạm vi nhất định. Khối lượng tăng dần và xu hướng giá bắt đầu yếu đi. Biểu đồ xuất hiện tiếp một khoảng trống và giá di chuyển ngược với xu hướng ban đầu.

Giao dịch với mô hình này chúng ta cần chắc chắn rằng các khoảng gap phải thật rõ ràng, đuôi các nến không được chồng lên nhau. Chúng ta sẽ tìm cơ hội thoát hàng khi mô hình xuất hiện tại đỉnh và mua lên khi nó xuất hiện tại đáy ngay khi mô hình tạo ra gap thứ hai. Trong trường hợp mua lên, chúng ta nên đặt stoploss phía dưới các đáy nến của mô hình.

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về GAP và các loại GAP trong chứng khoán, vậy cách giao dịch với GAP như thế nào? Có phải GAP nào cũng được lấp, và chúng ta nên chờ thời điểm lấp GAP mới giao dịch? Cùng chờ đón phần tiếp theo nhé.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả