Gạo Hạnh Phúc của ông Trương Sỹ Bá: Nợ phải trả gấp 21 lần vốn chủ sở hữu
Mặc dù doanh thu Gạo Hạnh Phúc đạt gần 7.000 tỷ đồng, xong lợi nhuận thu về vỏn vẹn chỉ gần 600 triệu đồng. Trong khi đó, hệ số nợ phải trả/vốn sở hữu cao ngất ngưởng, ở mức 21 lần.
Gạo Hạnh Phúc: Nợ phải trả gấp 21 lần vốn chủ sở hữu
Năm 2021, Công ty CP Gạo Hạnh Phúc ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.859 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2020. Giá vốn bán hàng giảm nhẹ xuống 6.760 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 99 tỷ đồng, tăng 76% so với năm trước đó.
Doanh thu tài chính năm 2021 cũng tăng vọt 153% lên hơn 2 tỷ đồng. Chi phí bán hàng không phát sinh tiền, trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 278% lên 3,5 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2021, Gạo Hạnh Phúc báo lãi 573,5 triệu đồng, tăng 445% so với năm 2020. (Dù vậy, nếu tính trên tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần, Gạo Hạnh Phúc có tỷ lệ nói trên cực thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành).
Tổng tài sản đến cuối năm 2021 đạt 4.440 tỷ đồng, tăng 31,8% so với năm đầu năm. Trong đó, chủ yếu là khoản thu ngắn hạn của khách hàng chiếm 75% đạt 3.341 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền đạt 4,2 tỷ đồng, giảm 2%; hàng tồn kho đạt 3,6 tỷ đồng.
Nguồn: Báo cáo tài chính của Gạo Hạnh Phúc
Nợ phải trả tính đến cuối năm 2021 tăng 34% lên 4.236 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả người bán ngắn hạn là 2.627 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 44% lên 976 triệu đồng. Vốn chủ sở hữu của Gạo Hạnh Phúc 202,1 tỷ đồng.
Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Gạo Hạnh Phúc ở mức cao ngất ngưởng: 21 lần.
Gạo Hạnh Phúc là công ty nằm trong hệ sinh thái của ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Long Group. Công ty này có tên cũ Công ty CP Gạo Tân Long An Giang được thành lập năm 2012. Trụ sở tại Lương An Trà, huyện Tri Tôn, An Giang, người đại diện pháp luật là ông Lê Quang Trung. Ngành nghề kinh doanh chính xay xát và sản xuất bột thô.
Tân Long Group làm ăn "lãi mỏng, lỗ sâu"
Liên quan đến Tân Long Group, mới đây, hồi tháng 1/2022, Tập đoàn này tổ chức lễ khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc.
Theo giới thiệu, Nhà máy gạo Hạnh Phúc được xây dựng với quy mô lớn nhất châu Á có diện tích 161.000m2 tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, An Giang. Công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, hệ thống 80 silo chứa lúa (bảo ôn) 240.000 tấn, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn/ngày (lúa khô), nâng tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày.
Đồ họa: Q.D
Nhà máy vận hành 100% giải pháp công nghệ được nhập khẩu từ châu Âu như hệ thống tiếp nhận, làm sạch, sấy và silo chứa lúa của Tập đoàn SKIOLD (Đan Mạch); hệ thống xay xát lúa gạo từ BUHLER (Thụy Sĩ); các trang thiết bị đi kèm đều nhập khẩu và đồng bộ theo tiêu chuẩn EU từ Ý, Đức, Ba Lan...
Về hoạt động kinh doanh của Tân Long, giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn này duy trì và tăng trưởng doanh thu tỷ USD, thậm chí doanh thu đã tăng hơn 130% trong 5 năm nhưng hiệu quả kinh doanh thuộc nhóm "lãi mỏng, lỗ sâu". Năm 2016, Tân Long chỉ lãi vỏn vẹn 39 tỷ đồng, năm 2017 doanh nghiệp lỗ 277 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên mức 30 tỷ đồng vào năm 2018, tiếp tục lỗ lên đến 493 tỷ đồng năm 2019 và lãi về 51 tỷ đồng trong năm 2020.
Từ khai thác khoáng sản, buôn hóa chất, buôn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi đến xuất khẩu gạo, ở hầu hết các lĩnh vực Tân Long Group của ông Trương Sỹ Bá đều ghi dấu ấn và gặt hái thành công cho thấy "tài nghệ" xoay chuyển, sự khéo léo của vị doanh nhân xứ Nghệ, Trương Sỹ Bá. Nhưng, lợi nhuận Tân Long Group cực thấp hoặc lỗ phản ánh trái ngược mức độ "nhạy bén" trong kinh doanh của vị doanh nhân Trương Sỹ Bá.
Tính chung giai đoạn 2016 – 2020, Tân Long Group thực tế là âm lợi nhuận 105 tỷ đồng. Và doanh thu khủng nhưng lợi nhuận thua lỗ là nét đặc trưng xuyên suốt các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Trương Sỹ Bá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận