menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hà Ngọc Linh

Gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang có mức giá cao

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở vị trí cao trên bảng xếp hạng các nước xuất khẩu gạo ở châu Á với mức giá 418-423 USD/tấn, tính đến cuối tuần qua.

Chất lượng và giá trị của gạo Việt đang không ngừng tăng lên...

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở vị trí cao trên bảng xếp hạng các nước xuất khẩu gạo ở châu Á với mức giá 418-423 USD/tấn, tính đến cuối tuần qua.

Giá chào bán gạo xuất khẩu hôm nay (2/7) chững lại và đi ngang. Song hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam vẫn giữ ổn định ở mức 418-423 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn, gạo 25% tấm giữ nguyên mức 403 USD/tấn. Với mức giá này, hiện gạo 5% tấm của Việt Nam đang có mức giá cao khi "bám" rất sát gạo cùng loại Thái Lan ở mức 420-425 USD/tấn. Gạo 100% tấm của Việt Nam cũng chỉ thấp hơn gạo cùng loại Thái Lan 7 USD/tấn. Điều này cho thấy chất lượng và giá trị của gạo Việt đang không ngừng tăng lên.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã quay trở lại vị trí cao trên bảng xếp hạng các nước xuất khẩu gạo ở châu Á dù mức giá này thấp hơn khoảng 5 USD/tấn so với thời điểm cao nhất hồi giữa tháng 3.

Trong khoảng 3 tháng gần đây, giá gạo Thái Lan và Pakistan liên tục tăng mạnh 30 - 40 USD/tấn và thay nhau dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên hiện giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện còn 420-425 USD/tấn và để gạo Việt Nam đứng sát nút. Trong khoảng một tháng qua, giá gạo của nước này đã giảm gần 30-40 USD/tấn.

Sau khi tăng sốc vào tuần trước nữa và đứng đầu bảng với mức giá 420 USD/tấn, tuần qua giá gạo Pakistan cũng đã giảm từ 10 - 25 USD/tấn tùy loại. Gạo 5% tấm của nước này hiện còn khoảng dưới 400-410 USD/tấn đứng sau Việt Nam và Thái Lan. Còn Ấn Độ ở vị trí tiếp theo với mức giá 355-360 USD/tấn.

Tuần qua, giá gạo của Ấn Độ và Thái Lan đều đi xuống do áp lực giảm giá của đồng rupee Ấn Độ và đồng baht Thái, trong khi đó, lũ lụt trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng tại Bangladesh.

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ tuần qua giao dịch ở mức 355-360 USD/tấn, giảm so với mức 357-362 USD của tuần trước. Đồng rupee của nước này giảm giá xuống mức thấp kỷ lục, giúp làm tăng tỷ suất lợi nhuận của các nhà xuất khẩu. Hiện nay, nhu cầu đối với gạo Ấn Độ đang rất cao do giá cả cạnh tranh hơn các nước xuất khẩu gạo khác.

Mặt khác, việc Ấn Độ bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ vào tháng 5/2022 đã khiến các nhà kinh doanh gạo tăng cường thu mua và đặt thêm nhiều đơn hàng giao sau do lo ngại các nguy cơ hạn chế xuất khẩu tiềm tàng.

Trong khi đó, tại Bangladesh, lũ lụt đã làm thiệt hại 75.000ha trồng lúa, theo Bộ Nông nghiệp nước này. Quốc gia từng là một trong những nước sản xuất gạo lớn trên thế giới này đang phải dựa vào nhập khẩu gạo Ấn Độ để đối phó với tình trạng thiếu hụt lương thực do thiên tai gây ra.

Về phía Thái Lan, giá gạo 5% tấm của nước này tuần qua giảm xuống từ 420-425 USD/tấn từ mức từ 430-440 USD/tấn trong tuần trước nữa do đồng baht suy yếu. Đồng baht hiện đang giao dịch gần mức thấp nhất trong 5,5 năm so với đồng USD. Thương lái ở Bangkok nhận xét, giá gạo giảm do đồng baht yếu đi trong khi nhu cầu không còn sôi động, đồng thời giá dầu cao hơn đã làm tăng chi phí vận chuyển.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam dù ở mức cao song cũng đã giảm xuống còn 418-423 USD/tấn từ mức 420-425 USD ghi nhận trong tuần trước nữa. Thương lái tại TP.HCM cho biết, nguồn cung gạo đang tăng lên nhưng nhu cầu không còn mạnh như tuần trước.

Các khách hàng chỉ đang khảo giá chứ chưa quyết định mua ngay, một số nơi thậm chí đã dự trữ đủ gạo từ vụ đông xuân. Hiện Trung Quốc và Philippines vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam.

Giá lúa gạo hôm nay (2/7) tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì ổn định. Hiện giá lúa Hè thu dao động trong khoảng từ 5.500 – 6.500 đồng/kg.

Tại An Giang, hôm nay giá lúa đi ngang. Cụ thể, hiện lúa Nàng hoa 6.400 – 6.500 đồng/kg; Đài thơm 8 6.000 – 6.200 đồng/kg; OM 5451 6.000 – 6.100 đồng/kg; lúa IR 504 đứng ở mức 5.500 – 5.700 đồng/kg; nếp Long An 7.700 đồng/kg; lúa tươi OM 18 5.800 – 5.900 đồng/kg; IR 504 (khô) 6.500 đồng/kg; nếp An Giang 7.700 – 7.800 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm giữ mức giá ổn định. Hiện giá gạo NL IR 504 ở mức 8.400 - 8.500 đồng/kg; gạo thành phẩm 8.800 – 8.900 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá chững. Hiện giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.650 – 8.750 đồng/kg; cám khô giữ ở mức 9.050 – 9.150 đồng/kg.

Gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang có mức giá cao

Giá lúa gạo hôm nay (2/7) tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì ổn định.

Theo các thương lái, hôm nay lượng gạo nguyên liệu về nhiều hơn, các kho mua cầm chừng. Thị trường lúa Hè thu ít biến động, giá lúa bình ổn, giao dịch chậm. Với mặt hàng phụ phẩm, phụ phẩm tiếp tục hút hàng với mức giá cao. Nhu cầu cám ép dầu vẫn sôi động.

Việc gạo Việt đang lên kệ tại các siêu thị tại Nhật Bản, Pháp, Đức, Mỹ… cho thấy chất lượng gạo Việt đang chinh phục những thị trường cao cấp nhất thế giới. Cụ thể mới đây, tại thủ đô Tokyo, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đã phối hợp với Ngân hàng Kiraboshi (Nhật) tổ chức lễ ra mắt sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An mà công ty đã đưa thành công vào thị trường Nhật Bản.

Hay đợt hàng gần 500 tấn gạo thương hiệu "Cơm ViệtNam Rice" được giao trong tháng 6, vận chuyển bằng đường biển và sẽ tới Đức, Hà Lan và Pháp trong tháng 7.

Lô hàng này là của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) có hiệu lực đến nay, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu khoảng 30.000 tấn gạo sang thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, các lô gạo xuất khẩu trước đó chỉ được phân phối dưới thương hiệu của đối tác các nước sở tại và đây là lần đầu tiên gạo do Lộc Trời tham gia sản xuất, mang thương hiệu riêng được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Việc gạo Việt Nam xuất khẩu thành công sang Nhật Bản và châu Âu tiếp tục là một dấu ấn quan trọng, đóng góp vào thành công chung của xuất khẩu gạo Việt Nam.

Trong tuần qua, trên thị trường gạo châu Á, khách hàng chuyển qua mua gạo Ấn Độ nhiều hơn do mức giá thấp.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, trước khó khăn về nguồn cung lúa mì trên thế giới, gạo - một loại lương thực chính ở phần lớn châu Á sẽ tăng giá mạnh thời gian tới. Đây cũng là lợi thế cho xuất khẩu gạo Việt Nam.

Được biết, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế xuất khẩu gạo đến hết ngày 15/6/2022 đạt khoảng 3,11 triệu tấn với trị giá 1,5 tỷ USD. Trước đó, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo đạt gần 2,77 triệu tấn, tương đương trên 1,35 tỷ USD, giá xuất khẩu trung bình đạt 489 USD/tấn, lần lượt tăng 6,6% về khối lượng nhưng giảm 4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Philippines vẫn là thị trường lớn hàng đầu khi chiếm gần 46% tổng lượng và chiếm 43,6% tổng trị giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,27 triệu tấn, tương đương 589,81 triệu USD, tăng 34,6% về lượng và tăng 17,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai là Trung Quốc, chiếm trên 14% tổng lượng và chiếm 15% tổng trị giá xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường tăng khá mạnh như: Châu Phi đã tăng hơn 76% so với năm trước, Bờ Biển Ngà tăng 37%, Malaysia tăng 19%, Mozambique tăng 47%…

Tuy giá xuất khẩu gạo giảm so với năm 2021 nhưng giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so với một số nước xuất khẩu gạo truyền thống như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mới đây cũng đã đưa ra dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm 2023 ở mức kỷ lục 54,3 triệu tấn, tăng gần 3% so với năm 2022. Trong đó, Ấn Độ tiếp tục làm chủ thị trường với khối lượng xuất khẩu lên đến 22 triệu tấn, chiếm gần 41% thương mại gạo toàn cầu.

Với Việt Nam, sau khi tăng hơn 200.000 tấn lên 6,5 triệu tấn trong năm 2022, xuất khẩu dự kiến giảm xuống còn 6,4 triệu tấn trong năm 2023.

Trái lại, USDA dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ tăng gần 1 triệu tấn lên mức 7 triệu tấn vào năm 2022 và tiếp tục tăng lên 7,5 triệu tấn trong năm tới.

Về nhập khẩu gạo toàn cầu, Trung Quốc chiếm phần lớn trong mức tăng dự kiến toàn cầu trong năm 2023 với dự báo đạt kỷ lục 6 triệu tấn, tăng 0,4 triệu tấn so với năm 2022. Theo đó, Trung Quốc được dự báo sẽ nhập khẩu số lượng lớn gạo tấm từ Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Thái Lan.

Tiếp theo, Philippines dự báo sẽ vẫn là nhà nhập khẩu gạo số hai thế giới trong năm 2023 với 3 triệu tấn, chủ yếu là gạo chưa xay xát, không thay đổi so với kỷ lục của năm 2022.

Nigeria và EU được dự báo sẽ đều nhập khẩu 2,2 triệu tấn gạo vào năm 2023, trong đó nhập khẩu của EU dự kiến cao kỷ lục và Nigeria chủ yếu nhập khẩu gạo đồ.

Các quốc gia khác nhập khẩu ít nhất 1 triệu tấn gạo vào năm 2023 bao gồm Bờ Biển Ngà, Ghana, Iran, Iraq, Malaysia, Nepal, Ả Rập Saudi, Senegal, Nam Phi, UAE và Mỹ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại