Gánh nặng sách giáo khoa "bia kèm lạc"
Chi phí mua sách giáo khoa bị đẩy tăng cao do nhiều trường học "trộn" với sách tham khảo khiến phụ huynh thêm gánh nặng về tài chính.
Theo thông báo của Trường Tiểu học Láng Thượng, quận Đống Đa, giá bộ sách lớp 4 là 664.200 đồng, gồm 27 đầu mục (cả sách bổ trợ, sách tham khảo, thiết bị, đồ dùng học tập).
Mỗi nơi một kiểu
Cũng lớp 4 nhưng danh mục các loại sách ở Trường Tiểu học Ngọc Khánh, quận Ba Đình chỉ 17 cuốn với tổng số 235.000 đồng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh than thông báo của trường chỉ ghi chung là "sách", không rõ sách tham khảo, sách giáo khoa (SGK). Trên thực tế, học sinh lớp 4 không cần học nhiều sách đến thế.
Một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai gửi danh sách 20 đầu SGK và sách tham khảo lớp 4 để phụ huynh đăng ký mua cho con. Dù không bắt buộc phải mua trọn bộ 20 đầu sách nhưng không thể biết đâu là sách cần thiết nên phụ huynh đành đăng ký mua theo "combo" cho nhanh, tiện.
Năm học 2022-2023, chương trình phổ thông mới được triển khai ở các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Với chủ trương "một chương trình, nhiều bộ SGK", các địa phương, nhà trường có nhiều lựa chọn những đầu SGK phù hợp nhất trong các bộ sách.
Tuy nhiên, với phụ huynh, việc có nhiều đầu sách ở mỗi lớp học khiến họ như đi trong "ma trận" và không còn cách nào khác là lựa chọn mua theo tư vấn của nhà trường. Theo thông báo của các nhà xuất bản, giá niêm yết các bộ SGK mới chỉ dao động từ khoảng 180.000 đến 310.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách bài tập, sách tham khảo và sách tiếng Anh). Nhưng thực tế, phụ huynh phải bỏ một số tiền cao gấp nhiều lần.
Một phụ huynh có con học lớp 2, Trường Tiểu học Hữu Hòa, huyện Thanh Trì cho biết theo thông báo của trường, giá bộ sách lớp 2 cho năm học 2022-2023 là 511.000 đồng/24 cuốn. Trong khi theo chương trình giáo dục phổ thông mới, lớp 2 chỉ có 8 môn học (10 cuốn sách) bắt buộc gồm: Tiếng Việt (tập 1, 2), Toán (tập 1, 2), Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động giáo dục thể chất.
Điều này đồng nghĩa với việc ngoài 10 cuốn sách chính thức theo danh mục được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phê duyệt, phụ huynh phải mua thêm 14 cuốn khác gồm cả sách bài tập, sách tham khảo. Với không ít gia đình, phải mua một bộ sách đến trên 500.000 đồng là gánh nặng.
"Buồn nhất là có những cuốn con tôi cả năm không dùng bao giờ. Hết năm học dọn lại sách vở cho con vẫn thấy mới nguyên. Các trường cứ thông báo cho phụ huynh mua sách trên tinh thần tự nguyện nhưng thực tế hầu hết đều đăng ký 100% mua trọn bộ vì mỗi môn lại học một đầu sách thuộc các nhà xuất bản khác nhau" - một phụ huynh tại quận Cầu Giấy nói.
Về việc bán sách theo "combo", bà Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Khánh, cho biết trường có gửi thông báo nhưng phụ huynh có thể đăng ký mua hoặc không mua sách với giáo viên chủ nhiệm; đăng ký mua một hoặc một số quyển (tùy nhu cầu), không nhất thiết phải mua tất cả đầu sách.
Ép mua trá hình
Một chuyên gia giáo dục cho hay kênh phát hành SGK phổ biến của các nhà xuất bản hiện nay là theo đường hành chính qua các cơ quan quản lý giáo dục xuống các nhà trường theo danh mục sách kê khai sẵn gồm cả SGK và sách tham khảo.
Ngoài ra, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, cửa hàng sách đóng sẵn theo bộ mà không bán lẻ cũng khiến cha mẹ học sinh phải mua cả SGK kèm sách tham khảo. Nguyên nhân của tình trạng này hoa hồng phát hành khá cao. Một số cơ quan quản lý cũng chỉ đạo việc phát hành sách theo danh mục do các công ty phát hành sách đưa ra mà không có sự kiểm soát dẫn đến việc lập lờ giữa SGK và sách tham khảo.
Đó là chưa nói đến ngành giáo dục cho phép giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy, nội dung cần điều chỉnh; nguồn học liệu và thiết bị dạy học… Chính những nguyên nhân này đã tạo kẽ hở để các trường đưa sách tham khảo vào "ép" học sinh phải mua một cách trá hình.
Nguồn lợi lớn
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho rằng số lượng đầu SGK cho học sinh, kể cả học sinh tiểu học là quá nhiều. Nhiều cuốn mang tính chất tham khảo nhưng vì không có sự hướng dẫn nên nhiều phụ huynh không rõ phải lựa chọn đầu sách nào. Chính vì vậy, bà Nga đề nghị Bộ GD-ĐT rà soát và tinh giản số đầu SGK theo hướng thống kê danh mục SGK bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học. Ngoài số buộc phải có, số còn lại học sinh có thể chọn lựa mua hoặc không mua tùy nhu cầu.
Ông Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, thẳng thắn cho rằng tham khảo là nguồn lợi rất lớn cho nhà xuất bản. Do đó, cần hạn chế tối đa loại hình sách này, đồng thời nói rõ cho người dân hiểu sách tham khảo không cần phải mua. Học sinh tiểu học không cần phải có sách tham khảo và nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường dưới mọi hình thức.
Một giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng thực trạng sách tham khảo "đội lốt" SGK hoặc phát hành SGK kiểu "bia kèm lạc" là gánh nặng, gây bức xúc cho phụ huynh và học sinh. Ngành giáo dục và các cơ quan quản lý nhà nước cần quy định cấm việc kê khai phát hành sách tham khảo kèm SGK trong cùng một danh mục cũng như quy trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu trong việc phát hành SGK trong trường học.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nhấn mạnh sách tham khảo vẫn là một tài liệu cần thiết nhưng không thể đưa vào trường học kiểu "bia kèm lạc". "Sách tham khảo cần được kiểm soát chứ không phải cứ giáo viên bảo thì học sinh phải nghe theo. Sách phải được phụ huynh tự mua, tự chọn. Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm với việc đưa sách tham khảo vào trường học chứ không thể coi đó như là công việc của nhà xuất bản.
Không được vận động mua sách tham khảo Trong chỉ thị mới nhất về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia vận động học sinh, học viên hoặc phụ huynh mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Các cơ sở giáo dục không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng. Bộ cũng yêu cầu sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK đã được bộ phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận