Gần hết nửa năm 2024 nhưng vẫn không có đồng nào: Đây là 4 bước cần làm để tăng quỹ tiết kiệm
Hãy bắt đầu học cách quản lý tài chính và tiết kiệm nhiều hơn trong những ngày còn lại của năm 2024.
Chỉ còn ít thời gian là kết thúc nửa năm 2024, tình hình tài chính của bạn hiện giờ thế nào? Bạn đã tìm được công việc có mức lương tốt, hay khoản tiết kiệm tăng lên chưa?... Nhất là khi vừa trải qua một kỳ nghỉ lễ dài, tài chính của bạn có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chuyến đi chơi, mua sắm cùng bạn bè, người thân...
Nếu tình hình tài chính của bạn không ổn lắm, bạn không để dành được đồng nào, thậm chí còn bị hao hụt khoản tiền tiết kiệm - thì đây là thời điểm bạn cần điều chỉnh. Dưới đây là 4 cách để giúp bạn gia tăng quỹ tiết kiệm và cải thiện tình hình tài chính trong thời gian tới:
1/ Điều chỉnh ngân sách chi tiêu của bạn
Ngân sách chi tiêu là cách bạn phân bổ dòng thu nhập cho các mục tiêu tài chính như chi phí sinh hoạt cá nhân, chi tiêu cho sở thích, tiền cho tiết kiệm và đầu tư,... Xem lại ngân sách chi tiêu của bạn có đang hợp lý với mức thu nhập hay không, hoặc có khoản chi tiêu nào vượt quá mức sống - chắc chắn là bước đầu tiên mà bạn cần xem xét nếu gần hết nửa năm 2024 không để được đồng nào.
Bạn đang chi tiêu quá tay cho khoản ăn uống? Bạn đổ tiền vào gói tập gym nhưng chưa bao giờ đến phòng tập? Bạn mua 5 bộ quần áo trong khi nhu cầu thực tế chỉ có 3 bộ,... - tất cả khoản chi lãng phí đều nên được liệt kê hết trong ngân sách chi tiêu và cần được cắt bỏ hoàn toàn trong những ngày còn lại của năm.
Sau khi đánh giá lại ngân sách chi tiêu, bạn hãy thiết lập mục tiêu cho chi phí sinh hoạt - chi tiêu cho sở thích - tiết kiệm và đầu tư, phù hợp với mục tiêu tài chính và khoản thu nhập hiện có của mình. Nếu quỹ tiết kiệm hiện giờ vẫn như bằng 0, hãy cố gắng trích riêng 20-30% thu nhập vào quỹ này để dự phòng cho các tình huống bất trắc.
2/ Tự động hoá tiền trả cho chi phí sinh hoạt và tiết kiệm hàng tháng
Sử dụng tính năng tự động hoá chuyển khoản từ tài khoản ngân hàng này sang ngân hàng khác, cho phép bạn phân bổ thu nhập hiệu quả. Chẳng hạn, bạn đặt mục tiêu dành 30% lương cho chi phí sinh hoạt, 20% lương cho tiền tiết kiệm thì hãy đặt chế độ tự động chuyển khoản từ tài khoản ngân hàng nhận tiền lương vào đầu tháng, sang tài khoản ngân hàng dùng dành riêng cho chi phí sinh hoạt và tiền tiết kiệm.
Dù mục tiêu của bạn là gì, tự động hóa chuyển tiền hàng tháng là một bước đi đúng hướng. Vì chúng giúp bạn không phải suy nghĩ làm sao để không chi tiêu quá tay vào bất kỳ khoản tiêu dùng nào, đồng thời phục vụ mục đích tài chính của mình.
3/ Thanh toán hết nợ thẻ tín dụng càng sớm càng tốt
Khác với các khoản vay thông thường là nợ thẻ tín dụng có mức lãi rất cao. Do đó, ưu tiên trả nợ thẻ tín dụng trước các khoản vay khác sẽ giúp bạn hạn chế "lãi mẹ đẻ lãi con". Ngoài việc tránh nợ nần, thanh toán hết dư nợ thẻ tín dụng còn giúp bạn kiểm soát tài chính vì bạn cần học cách cân đối lại các khoản chi tiêu để còn dư tiền đi trả nợ, đồng thời cải thiện điểm tín dụng.
4/ Hãy trả tiền cho các khoản đầu tư cho tương lai
Một chuyên gia tài chính chia sẻ với BI: Khi mới bắt đầu sự nghiệp và thấy mình có khoản nợ tín dụng hoặc tiền tiết kiệm bằng 0, cô thường xem xét lại các khoản chi tiêu cá nhân trong 30 - 60 ngày qua. Sau đó, cô phát hiện bản thân chi tiền vào rất nhiều thứ không mang lại lợi ích tài chính.
Theo thời gian, cô học được rằng phải trả tiền cho các khoản đầu tư vào bản thân và tương lai đầu tiên, trước khi phung phí vào chi tiêu giải trí nhất thời như ăn tối bên ngoài, sẵn sàng bỏ việc để đi chơi cuối tuần cùng bạn bè,...
Khi đó, cô nhận ra mình bắt đầu thấy vui khi quỹ hưu trí và khoản tiền tiết kiệm hàng tháng tăng lên. Đồng thời, cô đã giảm được việc vung tiền quá tay vào khoản chi không cần thiết, vì cô dần tự tin và có động lực để cải thiện tình hình tài chính hiện tại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận