Gần 60% doanh nghiệp FDI tại TP.HCM báo lỗ triền miên, lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất
Theo Kiểm toán nhà nước, 50% tổng số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kê khai lỗ. TP.HCM có tới gần 60% doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Thực tế này gây thất thu ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng.
Phát biểu tại hội thảo khoa học nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN), hôm 9-6, Phó tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho hay - bên cạnh những đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế VN trong nhiều năm qua, hiện tượng chuyển giá của nhiều doanh nghiệp FDI cho thấy mặt trái của chính sách thu hút đầu tư vốn ngoại của VN.
50% doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước kê khai, báo lỗ. Như tại TP.HCM, có tới gần 60% doanh nghiệp trong số 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm.
Tại Bình Dương, một trong những địa phương thu hút FDI, nhưng cũng có tới hơn 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 -2011.
Nguyên nhân chính của thực trạng này là nhiều doanh nghiệp FDI đã lợi dụng để chuyển giá nhằm trốn tránh thuế, gây thất thu ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng trong những năm qua.
"Một điều bất hợp lý là dù lỗ triền miên nhiều năm liền, nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, điển hình như CocaCola, Pepsi. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước kinh doanh cùng ngành nghề kinh doanh hiệu quả và có lãi, nhất là lĩnh vực may mặc" - ông Tiên cho hay.
Ông Trần Minh Khương, kiểm toán trưởng KTNN khu vực 13, đánh giá hoạt động chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI chưa có dấu hiệu suy giảm mà ngày càng tinh vi khi lợi dụng kẽ hở về ưu đãi thuế để giảm thuế thu nhập phải nộp.
Còn ông Doãn Anh Thơ, kiểm toán trưởng KTNN khu vực 4, nhận định chính sách thu hút đầu tư FDI chủ yếu tập trung vào ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và đất đai.
Để nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI, ông Khương đề nghị cần giảm bớt ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sang ưu đãi khác.
"Cần có cơ chế ưu đãi qua giảm trừ số thuế phải nộp cho nhà đầu tư khi dùng lợi nhuận để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nghiên cứu phát triển… Đối với ngành công nghiệp ôtô, chính sách chỉ ưu đãi thuế đối với sản xuất lắp ráp động cơ, hộp số thôi" - ông Khương gợi mở.
Mặt khác, nhà nước cũng nên thu hẹp chính sách ưu đãi đối với các ngành nghề, lĩnh vực để đảm bảo chính sách ưu đãi có chọn lọc gắn với chủ trương, định hướng của nhà nước.
Ngoài ra, ông Thơ cũng kiến nghị cần rà soát các chính sách ưu đãi và sửa đổi bổ sung để thực hiện thống nhất. Như hiện nay, quy định dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng còn chưa đồng nhất giữa Luật đầu tư và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngay cả chính sách ưu đãi đầu tư theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không thống nhất giữa các thời kỳ. Như năm 2014 đến nay tiếp tục ưu đãi như năm 2009 trở về trước, còn từ năm 2009 đến năm 2014 thì không ưu đãi. Do đó trên thực tế triển khai có nhiều vướng mắc.
Điển hình là trường hợp của công ty Unilever. Kết quả kiểm toán xác định thuế thu nhập mà công ty này phải nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn 2009 - 2013 là 575 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù sau 2 năm làm việc nhưng doanh nghiệp vẫn đề nghị chờ quyết định của Chính phủ vì cho rằng có sự không thống nhất trong chính sách đầu tư và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận