Gần 55.000 tỷ đồng “nhàn rỗi” có thể chảy ra thị trường
Đây là tổng hạn mức được lên kế hoạch bơm vào thị trường trong quý 3, qua kênh của Bộ Tài chính.
Vào ngày 13/7, thị trường chính thức đánh dấu kênh “bơm tiền” mới của Bộ Tài chính chính thức hoạt động.
Kênh này đã được chuẩn bị và xây dựng cơ chế từ cuối năm 2020, nhưng đến thời điểm này mới bắt đầu triển khai, qua việc sử dụng nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP).
Qua phương thức này, các tổ chức trên thị trường (chủ yếu là các ngân hàng thương mại) khi cần nguồn tiền cân đối hoạt động có thể bán lại có kỳ hạn TPCP cho KBNN loại trong diện tổ chức này mua lại. Qua đó thị trường có thêm một nguồn tiền bổ sung ngắn hạn.
Tại phiên đầu tiên đánh dấu khởi động kênh “bơm tiền” mới nói trên, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và KBNN đã phối hợp tổ chức thành công phiên đấu thầu mua lại TPCP có kỳ hạn. KBNN gọi thầu 800 tỷ đồng TPCP với kỳ hạn mua lại là 14 ngày. Có 5 thành viên tham gia chào giá, tổng khối lượng chào giá đạt 1.150 tỷ đồng. Tuy nhiên kết quả, khối lượng trúng thầu mua lại chỉ đạt 300 tỷ đồng với 2 thành viên trúng thầu.
Trao đổi với BizLIVE, đại diện một thành viên tham gia thị trường liên ngân hàng nói rằng: “Như vậy, cùng với việc đấu thầu gửi tiền có kỳ hạn tại một số ngân hàng thương mại thời gian qua, nay triển khai thêm kênh bơm tiền này, tại Việt Nam như có thêm một ngân hàng trung ương thứ hai vậy, nhìn theo hướng tạo các dòng chảy tiền có ảnh hưởng nhất định trên thị trường”.
Về khối lượng chỉ 300 tỷ đồng trong phiên mua lại đầu tiên, vị đại diện trên cho rằng quy mô còn rất nhỏ, song lại là một hướng mở cho thị trường, đặc biệt là với các ngân hàng thương mại: “Đây sẽ là “một miếng khi đói” trong các thời điểm thị trường có khó khăn thanh khoản, trở nên cần thiết và đáng chú ý, cũng như cần đối với một số thành viên có nhu cầu hiện nay”.
Đó mới chỉ là sự khởi đầu, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dồi dào, nguồn tiền cung ứng mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước đang ở thời điểm đáo hạn quy mô khá lớn, vốn đầu tư công giải ngân chậm do bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh thành...
Còn về tổng thể, Kho bạc Nhà nước cho biết, riêng trong quý 3 này tổng hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn TPCP là 54.760 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, KBNN có thể điều chỉnh khối lượng mua lại các kỳ hạn cho phù hợp với khả năng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi và tình hình thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận