Gần 500.000 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm đáo hạn sẽ tìm “bến đỗ” nào để trú ngụ?
Số liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy, hơn 190.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 8/2023. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, số lượng tài khoản mở mới trong tháng đã đạt hơn 150.000 tài khoản, mức cao nhất 1 năm trở lại đây. Trong đó, tài khoản cá nhân trong nước chiếm chủ đạo. Thanh khoản thị trường liên tục gia tăng, gần đây đã ghi nhận những phiên lên tới 1,5 tỷ USD.
Giới phân tích cho rằng, việc lãi suất giảm sẽ kích hoạt thêm dòng tiền và nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán. Từ cuối quý 2, dòng vốn vào thị trường chứng khoán đã xuất hiện tín hiệu tích cực.
Dữ liệu của Công ty chứng khoán VNDirect Research, cho thấy, tổng lượng tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư (bao gồm 30 công ty chứng khoán lớn nhất về tổng tài sản) đã đạt khoảng 61.000 tỷ đồng, giảm 36% so với mức đỉnh cuối quý 1/2022, nhưng tăng nhẹ 3,2% so với quý 2 trước. Và con số này, theo VNDirect, tiếp tục tăng trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua.
Còn theo số liệu của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong quý 4/2022, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã tăng mạnh (tăng 6,4% so với quý trước) đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất vào 10/2022 và phần lớn tiền gửi trong giai đoạn này là tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Do đó, Yuanta Việt Nam ước tính khoản tiền gửi trị giá khoảng 496.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12/2023 và có khả năng sẽ dẫn đến dòng vốn chảy vào cổ phiếu nhiều hơn trong nửa cuối năm 2023.
Yuanta Việt Nam giả định chỉ cần 10% số tiền gửi tiết kiệm được đáo hạn chuyển vào thị trường chứng khoán, tương đương 49.000 tỷ đồng, sẽ bằng tổng giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong khoảng hai ngày (theo các giá trị giao dịch gần đây).
Giới phân tích cũng nhận định, những thông tin tác động mạnh đến thị trường chứng khoán đó là loạt dự án đầu tư công lớn, các số liệu kinh tế vĩ mô, kỳ vọng vào một số báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2023.
Với triển vọng mặt bằng lãi suất huy động dự kiến tiếp tục giảm thời gian tới, nhà đầu tư nội có xu hướng dịch chuyển tiền gửi sang các kênh đầu tư khác, trong đó có cổ phiếu. Yếu tố thuận lợi khác thúc đẩy thị trường, mà Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco Research) chỉ ra là tốc độ tăng trưởng kinh tế các tháng cuối năm dự báo sẽ tích cực. Nhờ đó, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp có thể cải thiện trở lại, sau khi đã giảm 20% trong quý 1, và 16% trong quý 2.
Đặc biệt, mức nền so sánh thấp trong 6 tháng cùng kỳ cuối năm 2022 sẽ giúp tốc độ tăng trong năm nay tốt hơn, nhiều nhóm ngành sẽ phục hồi trong các tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất đã và đang giảm trở lại mức nền trước khi thị trường tăng lãi suất cùng kỳ năm ngoái. Trong môi trường lãi suất thấp, lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ cũng như kích thích dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán. Các cổ phiếu lớn (bluechips) sẽ được hưởng lợi lớn nhất nhờ yếu tố dòng tiền tham gia thị trường.
Tháng 9, Công ty chứng khoán An Bình (ABS) dự báo, VN-Index sẽ có pha tăng ngắn hạn thứ 3, dòng tiền có khả năng dịch chuyển nhanh hơn giữa các nhóm ngành. Dự báo thanh khoản thị trường duy trì ổn định trên 20 nghìn tỷ đồng/phiên trong tháng 9 tới và chỉ số VN-Index tăng tiếp tới các vùng 1.275 - 1.284 - 1.290 điểm. Trong quá trình đi lên của thị trường, các nhịp điều chỉnh nhanh 20-40 điểm là cơ hội mua cổ phiếu, đảo vị thế với nhà đầu tư ngắn hạn.
Cơ hội đầu tư trong tháng 9 có thể đến từ các ngành được hưởng lợi nhờ mặt bằng lãi suất trong nước tiếp tục giảm; tín dụng tiêu dùng, tín dụng mua nhà được cải thiện.Việt Nam định hướng được nâng hạng lên thị trường mới nổi trước 2025; nhu cầu hàng tiêu dùng thế giới hồi phục từ quý 3; tiêu dùng trong nước hồi phục dần giá dầu, giá phân bón, hóa chất, giá lương thực tăng trên thế giới… cũng là yếu tố ủng hộ thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận