24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phú Đô
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Tính đến giữa tháng 4/2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo hơn 1,2 triệu lao động; bán buôn, bán lẻ hơn 1,1 triệu lao động; và dịch vụ lưu trú và ăn uống gần 740.000 lao động

“Tình hình lao động, việc làm quý I và 4 tháng đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng đồng thời của nhiều yếu tố, trong đó, sự bùng phát dịch Covid-19 không chỉ tạo ra cuộc khủng hoảng y tế, mà còn là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với kinh tế và thị trường lao động toàn cầu”, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê (TCTK) nhấn mạnh tại cuộc họp báo vừa được TCTK tổ chức.

Sẽ công bố cụ thể, chi tiết tình hình lao động, việc làm hàng quý

Đây là lần đâu tiên TCTK họp báo chuyên đề về tình hình lao động, việc làm thay vì công bố nội dung này vào các cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội hàng quý.

“Lao động và việc làm là những chỉ số rất quan trọng phản ánh khá sát thực hoạt động sản xuất - kinh doanh, thu nhập và đời sống của người lao động, phản ánh bức tranh của nền kinh tế. Vì vậy, nếu công bố nội dung này trong buổi họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội hàng quý thì không có đủ thời gian để cung cấp đầy đủ thông tin cụ thể, chi tiết về bức tranh lao động, việc làm, đặc biệt là tình hình thất nghiệp, thiếu việc làm, thu nhập của người dân nói chung, của người làm công hưởng lương nói chung”, Phó tổng cục trưởng TCTK, ông Phạm Quang Vinh giải thích và cho biết, từ năm 2020 trở đi, việc cung cấp thông tin về lao động, việc làm được TCTK công bố định kỳ vào mỗi quý.

Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, TCTK, mặc dù đây là lần đầu tiên TCTK công bố số liệu về lao động và việc làm tại một cuộc họp báo chuyên đề nhưng số liệu khá chính xác.

“Số liệu về lao động và việc làm được công bố trước đây (tại các cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội hàng quý) thường sử dụng số liệu từ các bộ ngành, địa phương gửi đến và số liệu do TCTK trực tiếp điều tra, khảo sát. Lần này chúng tôi sử dụng cả số liệu của các bộ ngành, địa phương gửi đến và số liệu điều tra thông qua hệ thống công nghệ thông tin, không phải đến trực tiếp doanh nghiệp nên chính xác hơn vì khảo sát được trên diện rộng (hơn 132.000 doanh nghiệp), không có sự can thiệp của con người, trong trường hợp doanh nghiệp khai không đúng với thực tế hệ thống máy tính báo lại và chúng tôi sẽ điện trực tiếp cho doanh nghiệp để hỏi lại”, bà Thủy giải thích.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục

Tại Việt Nam, theo TCTK, dịch Covid-19 đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và việc làm của người lao động, dẫn đến tình trạng tham gia lực lượng lao động giảm, thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên. Trong đó, lao động có việc làm phi chính thức, lao động không có hợp đồng, người làm công việc được trả lương thấp, lao động trẻ và lao động cao tuổi là những nhóm dễ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo kết quả điều tra lao động, việc làm, do TCTK thực hiện, tình hình lao động việc làm quý I năm 2020 tại Việt Nam có nhiều biến động, các chỉ số lao động, việc làm phản ánh sự sụt giảm về cung ứng thị trường lao động cũng như tác động của giảm việc làm đối với thu nhập của người lao động.

Cụ thể, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động, giảm 1,2 đến 1,3 điểm phần trăm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp mặc dù ở mức thấp nhưng bắt đầu có dấu hiệu tăng lên. Đáng chú ý, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây.

Trong quý I, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,3 triệu người, giảm hơn 673.000 người so với quý trước và giảm trên 144.000 người so với cùng kỳ năm trước. “Sau chuỗi 5 năm tăng liên tục (2015-2019), đây là năm đầu tiên lực lượng lao động giảm so với cùng kỳ năm trước”, bà Thủy nói thêm.

Đáng lưu ý là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (75,4%), giảm 1,2 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 54,2 triệu người, giảm 682.400 người so với quý trước và giảm 154.600 người so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp trong tăng hơn 26.000 người so với quý trước và tăng 26.800 người so với cùng kỳ năm trước. Thất nghiệp của lao động thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 là gần 493.000 người, chiếm trên 44% tổng số người thất nghiệp với tỷ lệ thất nghiệp chiếm trên 7%, cao gấp 5,4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của dân số trưởng thành (những người từ 25 tuổi trở lên).

“Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng như các biến động tiêu cực của nền kinh tế, lao động không được ký hợp đồng lao động (9,4 triệu người) và lao động có việc làm phi chính thức (gần 20,1 triệu người) là các nhóm dễ bị tổn thương nhất”, bà Thủy nói thêm.

Doanh nghiệp lớn và vừa bị ảnh hưởng nhiều hơn

Theo kết quả điều tra của hơn 132.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và báo cáo đánh giá của các địa phương, tính đến giữa tháng 4/2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất (hơn 1,2 triệu lao động), bán buôn, bán lẻ (hơn 1,1 triệu lao động) và dịch vụ lưu trú và ăn uống (gần 740.000 lao động). Số liệu này chỉ tính lao động làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.

Cũng theo điều tra kể trên, tính đến giữa tháng 4/2020, lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp và hợp tác xã chủ yếu là lao động bị tạm nghỉ việc (chiếm gần 59%), bị giãn việc hoặc nghỉ luân phiên (chiếm gần 28%) và lao động bị mất việc (chiếm gần 13%). Trong đó, lao động tạm nghỉ việc trong ngành vận tải kho bãi và ngành giáo dục và đào tạo chiếm cao nhất (trên 70% tổng số lao động tại mỗi ngành). Ngược lại, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ ăn uống có tỷ trọng lao động bị mất việc, bỏ việc cao nhất (chiếm gần 20% tại mỗi ngành).

“Có khoảng 85% doanh nghiệp được điều tra cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Doanh nghiệp quy mô lớn và vừa chịu tổn thương nhiều hơn so với hơn 90% doanh nghiệp gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm 2020. Để xử lý khó khăn, gần 67% doanh nghiệp đã thực hiện ít nhất một trong 4 giải pháp là cắt giảm lao động; cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên; cho lao động nghỉ việc không lương, giảm lương người lao động.

“Tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid nhiều hơn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vì doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, đều tham gia vào hoạt động xuất-nhập khẩu, trong khi các nước là đối tác xuất-nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 khiến doanh nghiệp vừa và lớn của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo”, ông Phạm Quang Vinh giải thích.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả