Gần 37.000 tỷ đồng nợ xấu bất động sản
Tổng dư nợ bất động sản của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4/2022 là hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021. Mức này chiếm khoảng 20,44% tổng dư nợ với nền kinh tế, và tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực này khoảng 1,62% (tương đương gần 37.000 tỷ đồng.
Trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi các đại biểu Quốc hội về nội dung mà Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sẽ trả lời chất vấn, dự kiến vào chiều 8/6 tới, đơn vị này cho biết sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm soát việc cấp tín dụng trong lĩnh vực bất động sản.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay 94% dư nợ bất động sản là cho vay trung, dài hạn (10 - 25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.
"Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay trong lĩnh vực này đang là mối rủi ro lớn đối với hệ thống ngân hàng", Báo cáo ghi.
Theo số liệu được nêu trong báo cáo, tổng dư nợ bất động sản của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4/2022 là hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021. Mức này chiếm khoảng 20,44% tổng dư nợ với nền kinh tế, và tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực này khoảng 1,62% (tương đương gần 37.000 tỷ đồng).
Ngân hàng Nhà nước đánh giá lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là một trong các lĩnh vực rủi ro với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát. Thời gian qua, đơn vị này đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng; giám sát tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản; tăng cường công tác thanh kiểm tra hồ sơ tín dụng bất động sản để xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nhận định, thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá gây sốt ảo bất động sản, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường... đã ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận