Gã khổng lồ stablecoin Tether muốn cạnh tranh với Big Tech
Công ty liên doanh mới Holepunch của gã khổng lồ stablecoin Tether đã ra mắt một ứng dụng nhắn tin ngang hàng nhằm tiến sâu hơn vào thị trường tiền điện tử và cạnh tranh với các Big Tech.
Ông Paolo Ardoino, Giám đốc điều hành của Tether (USDT) - đồng stablecoin lớn nhất thế giới cho biết, công ty đang rót hàng chục triệu USD vào một công ty liên doanh mới là Holepunch để phát triển ứng dụng nhắn tin ngang hàng có tên Keet, với hy vọng sẽ tiến sâu hơn nữa vào thị trường tài chính cùng các tổ chức lớn.
“Tại Tether, chúng tôi thực tâm là những người đam mê Bitcoin và tin vào sứ mệnh mà Bitcoin có tiềm năng mang lại cơ hội tự do tài chính cho thế giới”, ông nói.
Tether được bắt đầu ở Hồng Kông cách đây 10 năm và kể từ đó đã chuyển đổi thành một thành phần quan trọng của Web3, thường là nguồn thanh khoản chính cho các loại tiền điện tử khác vì nó được gắn giá trị với đồng đô la Mỹ. Mặc dù Tether vẫn có một công ty đang hoạt động ở Hồng Kông, nhưng CEO Ardoino cho biết công ty đã không hoạt động và không còn nhân sự nào trong khu vực này.
Với việc Tether được ví như đồng đô la dựa trên blockchain mặc định của thế giới, Ardoino coi liên doanh mới của mình sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với những gã khổng lồ công nghệ như Meta Platforms - công ty sở hữu Facebook, WhatsApp và Google.
Trao đổi với SCMP, ông bày tỏ, là một công nghệ ngang hàng, Pear Runtime sẽ loại bỏ nhu cầu hạ tầng máy chủ đắt tiền, giúp các nhà phát triển tập trung vào việc xây dựng ứng dụng hơn. Và khả năng thực hiện điều này cũng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Tether - công ty đã kiếm được hơn 6 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2023. “Do đó, chúng tôi không quan tâm đến việc kiếm nhiều tiền hơn nữa, mà đang đầu tư vào các công ty có tầm nhìn mang lại tự do tài chính, tạo ra các công cụ sẵn sàng cho thị trường”.
Theo Giám đốc điều hành Holepunch - Mathias Buus Madsen, công ty không thể chia sẻ số liệu thống kê về các nhà phát triển, nhưng chắc chắn có một tỷ lệ lớn đến từ châu Á, bao gồm cả Ấn Độ và Hồng Kông.
Ứng dụng này đã tích hợp sẵn một số chức năng tiền điện tử bao gồm ví Lightning. Lightning Network là một giao thức thanh toán lớp 2 trên chuỗi khối Bitcoin, cho phép chuyển một lượng nhỏ Bitcoin nhanh chóng với chi phí rẻ. Hiện nhóm Holepunch đang nỗ lực nhanh chóng để tích hợp USDT vào hệ thống.
“Bitcoin là nguồn tiền không thể ngăn cản trên thị trường tiền điện tử thì Keet sẽ là một ứng dụng không thể ngăn cản. Đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng việc sở hữu Bitcoin trước tiên sẽ phù hợp hơn. USDT có thể sẽ sớm xuất hiện trên ứng dụng trong vài tháng tới”, CEO Tether tin tưởng.
Dữ liệu trên CoinGecko chỉ ra, khi lĩnh vực tiền điện tử phục hồi sau vụ sụp đổ năm 2022, tổng giá trị thị trường của stablecoin USDT đã vượt qua 100 tỷ USD vào tháng trước và hiện ở mức khoảng 106 tỷ USD. Công ty theo dõi thị trường DefiLlama cũng ước tính, tổng giá trị của USDT đang lưu hành ở mức 152 tỷ USD, mang lại cho Tether gần 70% thị phần.
Sự hiện diện quá lớn của nó trong ngành công nghiệp mới nổi này đã gây ra sự chú ý và giám sát ngày càng tăng từ các cơ quan, tổ chức, đồng thời bị chỉ trích về sự thiếu minh bạch đối với nguồn dự trữ hỗ trợ USDT.
Vừa qua, Tether đã công bố các chứng thực về lượng dự trữ hàng quý của mình và vào tháng 10/2023, công ty đã nói với Bloomberg rằng, họ sẽ bắt đầu công bố dữ liệu về lượng dự trữ theo thời gian thực. Phía công ty đã không chia sẻ mốc thời gian cho việc đó khi được hỏi, nhưng nói rằng việc kiểm toán đầy đủ vẫn còn nhiều thách thức vì sự sụp đổ của FTX vào năm 2022, khiến các công ty kế toán lớn ngần ngại hơn khi làm việc với các công ty tiền điện tử vì sợ rủi ro danh tiếng.
Trước đó, các cơ quan quản lý tài chính cũng đưa ra quan ngại về tác động của stablecoin đối với sự ổn định tài chính do các vấn đề như tháo chạy vốn có thể xảy ra. Cụ thể, cơ quan tiền tệ Hồng Kông đưa ra các quy định về stablecoin để tham vấn cộng đồng vào tháng 12/2023 và yêu cầu các tổ chức phát hành phải được cấp phép.
Tether khẳng định, công ty cũng đang theo dõi sự phát triển của các quy định tại Hồng Kông và họ đang thảo luận với các công ty địa phương để tìm cách thu hút thị trường này.
Ngoài ra tại Mỹ và châu Âu, Dự luật Clarity for Payment Stablecoin (minh bạch trong thanh toán stablecoin) đang trong quá trình chờ Hạ viện Mỹ bỏ phiếu. Trong khi đó Đạo luật thị trường tài sản số (MiCA) sẽ bắt đầu được áp dụng từ tháng 6/2024 ởchâu Âu, đánh dấu sự thay đổi trong cách thức Liên minh châu Âu giám sát và quản lý thị trường tiền kỹ thuật số.
Kể từ khi nộp phạt 41 triệu USD cho Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) vào năm 2021 vì nói dối về số tiền dự trữ, Tether đang nỗ lực làm hoạt động và tài chính trở nên minh bạch hơn. Nhưng đối thủ cạnh tranh Circle, công ty đứng sau stablecoin USDC được cho là vẫn tuân thủ quy định tốt hơn so với Tether.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận