G7 lên kế hoạch đối phó đại dịch trong tương lai
Nhóm 7 nhà lãnh đạo của các nước gồm Vương quốc Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ đã họp mặt trực tiếp tại Cornwall, Tây Nam nước Anh từ ngày 11 - 13/6, để thảo luận về nhiều lĩnh vực, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tàn phá các nền kinh tế và thúc đẩy chăm sóc sức khỏe thành một ưu tiên trên toàn thế giới. Các quốc gia Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và Nam Phi cũng tham dự với tư cách khách mời.
Tại hội nghị G7, “Tuyên bố Vịnh Carbis” đã được thông qua, chứng kiến các nền dân chủ hàng đầu thế giới cam kết thực hiện một loạt các biện pháp được thiết kế nhằm dập tắt đại dịch có thể xảy ra trong tương lai, với khoảng thời gian quan trọng là 100 ngày đầu tiên. Như một hành động trước mắt nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, Anh tuyên bố sẽ thành lập một trung tâm phát triển vaccine ngừa virus tấn công con người mới, ngăn chặn các nguy cơ đại dịch trong tương lai. Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì hội nghị cũng cho biết, G7 cam kết hỗ trợ các nước nghèo ít nhất 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19, với một nửa số này đến từ Mỹ và 100 triệu liều từ Anh trong năm tới. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khen ngợi cam kết vaccine của G7 nhưng cũng lưu ý rằng chỉ vậy là chưa đủ. Theo ông, để thực sự chấm dứt đại dịch, cần 11 tỷ liều để tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số thế giới vào giữa năm tới. “Chúng ta cần nhiều hơn và cần nhanh hơn nữa” - nhà lãnh đạo WHO nói.
Với thông điệp “Một trái đất, một sức khỏe” (One Earth, One Health), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi sự thống nhất, lãnh đạo và đoàn kết toàn cầu để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. Ông đặc biệt tìm kiếm sự hỗ trợ của nhóm G7 đối với đề xuất mà Ấn Độ và Nam Phi đã chuyển lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine cùng các chế phẩm Covid-19. Trước đó, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi sự ủng hộ đối với sáng kiến của Ấn Độ và Nam Phi tại WTO nhưng lưu ý rằng việc chuyển giao công nghệ phải đi kèm với hỗ trợ kỹ thuật. Mỹ và Australia là hai trong số các quốc gia ủng hộ miễn trừ bản quyền vaccine Covid-19, được coi là một bước đột phá trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch chết người, nuôi hy vọng mở rộng nguồn cung cấp vaccine với giá cả phải chăng cho các quốc gia đang phát triển, kém phát triển.
Thượng đỉnh G7 tại Anh cũng tập trung nhiều vào vấn đề biến đổi khí hậu, tạo tiền đề cho hội nghị khí hậu của Liên Hợp quốc được tổ chức vào tháng 11 tới tại Scotland. Vào ngày cuối cùng của hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết tăng đóng góp tài chính khí hậu, nhằm đáp ứng cam kết chi tiêu đã vượt quá hạn mức 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước nghèo hơn cắt giảm lượng khí thải carbon, cũng như đối phó với tình trạng ấm lên toàn cầu. Các nhà lãnh đạo G7 cũng liệt ra các hành động cụ thể để cắt giảm lượng khí thải carbon, bao gồm các biện pháp như chấm dứt hầu hết các hỗ trợ trực tiếp của chính phủ đối với lĩnh vực năng lượng nhiên liệu hóa thạch và loại bỏ dần ô tô chạy bằng xăng, dầu diezel.
Với các quyết tâm hầu như đạt được sự thống nhất cao, nhiều thành viên G7 rõ ràng đã cảm thấy nhẹ nhõm khi chứng kiến sự trở lại của Mỹ với tư cách là một bên tham gia tích cực, sau 4 năm trắc trở bởi chính sách “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tại Thượng đỉnh G7, Thủ tướng Johnson mô tả Tổng thống Mỹ Joe Biden như “một luồng không khí trong lành”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận