G7 cam kết gia tăng trừng phạt Nga, giá dầu tăng
Giá dầu Brent và WTI tăng lần lượt 1,7% và 1,8%. Nhóm các quốc gia phát triển G7 lên kế hoạch áp giá trần đối với dầu nhập khẩu từ Nga. Hoạt động khai thác dầu tại Libya và Ecuador bị gián đoạn do bất ổn chính trị.
Giá dầu tăng khoảng 2 USD/thùng trong ngày 27/6 sau khi nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển G7 tuyên bố gia tăng trừng phạt đối với Nga, khiến nhà đầu tư và khách hàng quan ngại về triển vọng nguồn cung.
Giá dầu Brent tương lai tăng 1,97 USD, tương đương 1,7%, lên 115,09 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 1,95 USD, tương đương 1,8%, lên 109,57 USD/thùng.
Nhóm G7 tiếp tục thể hiện cam kết ủng hộ Ukraine thông qua biện pháp áp giá trần đối với dầu nhập khẩu từ Nga, một đòn đánh mới nhằm gia tăng áp lực tài chính đối với quốc gia này.
“Trong trường hợp họ muốn áp dụng mức giá trần đối với dầu của Nga, tôi chưa thể mường tượng ra cách thức kế hoạch này được triển khai, đặc biệt là khi Trung Quốc và Ấn Độ trở thành những khách hàng lớn nhất nhập khẩu dầu từ quốc gia này”, Andrew Lipow, Cố vấn thị trường dầu mỏ, chia sẻ.
Vivek Dhar, Chuyên gia phân tích tại Commonwealth Bank of Australia, nhận định việc áp dụng mức giá trần sẽ không mang lại hiệu quả cao trong việc cấm nga xuất khẩu dầu và các sản phẩm hóa dầu sang các nước G7, thậm chí còn làm trầm trọng hóa thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu và các sản phẩm từ dầu trên thị trường toàn cầu.
Cộng đồng quốc tế nên tìm kiếm mọi giải pháp có thể giúp họ giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung, trong đó bao gồm các cuộc đàm phán với các quốc gia như Iran và Venezuela, theo một quan chức văn phòng tổng thống Pháp. Hai thành viên OPEC nói trên đang bị Mỹ cấm vận.
Tuần trước đó, giá dầu có tuần giảm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh cuộc chạy đua lãi suất tại nhiều quốc gia phát triển kéo tăng giá trị đồng USD đồng thời châm ngòi quan ngại suy thoái toàn cầu.
Nhưng trong ngày hôm qua, quan ngại khan hiếm nguồn cung đã lấn át triển vọng ảm đạm của nền kinh tế.
Các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh trong đó có Nga (OPEC+) được dự báo tiếp tục bám sát kế hoạch gia tăng sản lượng trước đó trong tháng 8 sau khi cuộc họp vào ngày 29/6 kết thúc.
Trong ngày 27/5, Libya, một thành viên của OPEC, cho biết quốc gia này có thể phải tạm dừng hoạt động xuất khẩu tại các cảng biển thuộc vịnh Sidra trong vòng 72 giờ trong bối cảnh bất ổn chính trị khiến cho hoạt động khai thác dầu bị gián đoạn.
Ở một diễn biến khác, Ecuador cho biết quốc gia này sẽ tạm dừng hoạt động khai thác dầu mỏ trong vòng 48 giờ sau khi làn sóng biểu tình phản đối chính phủ diễn biến phức tạp khiến ít nhất 6 người thiệt mạng.
Nhà đầu tư chờ đợi thông tin dự trữ dầu mỏ tại Mỹ sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng không thể công bố báo cáo trong tuần trước do trục trặc kỹ thuật.
Theo khảo sát của Reuters, dự trữ dầu thô, xăng và dầu chưng cất của Mỹ giảm trong tuần trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận