G20 cam kết hợp tác chặt chẽ hơn để đẩy nhanh đà phục hồi kinh tế
Các quan chức G20 đã nhất trí duy trì chính sách mở rộng để trợ giúp các nền kinh tế vượt qua những tác động của đại dịch COVID-19.
Tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 26/2 do Italy chủ trì, các quan chức đã nhất trí duy trì chính sách mở rộng để trợ giúp các nền kinh tế vượt qua những tác động của đại dịch COVID-19, đồng thời cam kết về cách tiếp cận đa phương hơn đối với vấn đề dịch bệnh và cuộc khủng hoảng kinh tế.
Đại diện của Italy khẳng định các lãnh đạo tài chính G20 đã cam kết hợp tác chặt chẽ hơn để đẩy nhanh đà phục hồi vẫn còn mong manh và chưa đồng đều. Phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp nói trên, Bộ trưởng Tài chính Italy, Daniele Franco, nhấn mạnh các nước đều nhất trí nên tránh rút sớm các chương trình hỗ trợ tài chính cũng như nới lỏng tiền tệ.
Hiện nay, Mỹ đang chuẩn bị tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, trong khi Liên minh châu Âu đã “gom” hơn 3.000 tỷ euro (3.630 tỷ USD) để hỗ trợ các nền kinh tế trong khối vượt qua tác động do chính sách đóng cửa để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, bất chấp những gói kích thích quy mô lớn, các vấn đề trong quá trình triển khai vaccine ngừa COVID-19 trên phạm vi toàn cầu cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới vẫn “phủ mây đen” lên con đường phục hồi kinh tế trong tương lai.
Với tư cách là nước chủ trì cuộc họp, Italy cho biết G20 cam kết mở rộng quy mô hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay thông qua cách tiếp cận đa phương mạnh mẽ hơn và tập trung vào một loạt các ưu tiên cốt lõi.
Cuộc họp trên là lần nhóm họp đầu tiên của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng trước. Cuộc họp lần này cũng ghi dấu tiến bộ đáng kể đối với vấn đề hóc búa về thuế đối với các công ty đa quốc gia, đặc biệt là những "gã khổng lồ" như Google, Amazon và Facebook.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Washington sẽ loại bỏ một phần gây tranh cãi trong đề xuất đã được chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra bàn thảo vào cuối năm 2019.
Điều này nhằm cung cấp cho các công ty quyền lựa chọn giữa chế độ thuế mới đang được đàm phán trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và hệ thống thuế hiện hành.
Tuyên bố của bà Yellen đã được Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz và người đồng cấp Pháp Bruno Le Maire ca ngợi là một bước đột phá lớn, đồng thời làm làm dấy lên hy vọng về một thỏa thuận vào mùa Hè./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận