FTA Việt Nam – EU: Lợi ích quốc gia và việc chưa từng có tiền lệ trong 90 năm
Trong hệ thống chính trị của chúng ta, công đoàn là tổ chức đầu tiên và có lẽ là duy nhất đối diện với đa tổ chức trong hệ thống chính trị. Đây là một vấn đề chưa có tiền lệ trong 90 năm….
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu thông qua chiều 12/2. Với Hiệp định này, cả Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài. Nếu tính từ khi hai bên nhất trí khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 10/2010 cho tới khi Hiệp định này chính thức được EU phê chuẩn vào đầu năm 2020, thời gian đã kéo dài gần tròn 10 năm.
“Vấn đề mà họ quan tâm nhất là quan hệ lao động”
Tại cuộc toạ đàm “EVFTA: Hành trình một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 14/2, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, quá trình đàm phán đã khó khăn nhưng quá trình phê chuẩn dường như đối với Hiệp định này còn khó khăn hơn bởi vì các nghị sĩ châu Âu khá khó tính, có nhiều quan điểm khác nhau. Có rất nhiều quan điểm phê phán chúng ta, can thiệp các vấn đề về nhân quyền, lao động, môi trường rất nặng nề.
“Có thể nói, cơ bản hệ thống pháp luật của chúng ta đã đảm bảo nhu cầu đó, đặc biệt hệ thống pháp luật của chúng ta đã tuân thủ công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế. Chính những tháo gỡ nút thắt quan trọng đó là những tháo gỡ để quốc hội châu Âu có thể ủng hộ cho Việt Nam”, ông Lộc nói.
“Tôi nhớ quá trình căng thẳng, hai bên chững lại quá trình ký kết này, tôi theo Thủ tướng sang tận châu Âu và tôi có buổi làm việc riêng với ông Chủ tịch Ủy ban thương mại châu Âu. Chúng tôi trao đổi về những vướng mắc hiện nay và những vấn đề Quốc hội châu Âu quan tâm, vấn đề mà họ quan tâm nhất là quan hệ lao động, họ chia sẻ: Đây không phải là chúng tôi can thiệp vào Việt Nam, can thiệp vào tiêu chuẩn lao động của Việt Nam, nhưng nếu Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn lao động thấp hơn các nước khác, có nghĩa là cạnh tranh không bình đẳng”, ông Lộc kể lại.
Theo ông Lộc, các nghị sĩ châu Âu không chấp nhận cạnh tranh không bình đẳng. Chính phủ Việt Nam và Nghị viện châu Âu sẽ kiểm soát được vấn đề này và sự hợp tác rất chặt chẽ giữa họ và chúng ta.
“Bên Việt Nam, tôi nghĩ các cơ quan của Chính phủ đã tham gia rất tích cực và đặc biệt là vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động rất tích cực tham gia vào việc phê chuẩn Công ước số 98 về thương lượng tập thể vào tháng 6/2019 và thông qua Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Một trong những tác động lớn là tác động lớn đến công đoàn, hệ thống tổ chức công đoàn.
Công đoàn đã có những quyết định rất đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để có thể cùng với các cơ quan có liên quan để xây dựng trình Quốc hội những văn bản Luật Lao động sửa đổi hay thông qua Công ước số 98 để mở đường giải tỏa những điểm nghẽn trong quá trình để thực hiện phê chuẩn hiệp định này”, ông Lộc đưa ra đánh giá.
Lợi ích quốc gia và việc chưa từng có tiền lệ trong 90 năm
Bổ sung ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, một đặc trưng cơ bản của các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đó là đưa những tiêu chuẩn rất mới gắn với quyền con người với các vấn đề xã hội và vấn đề quản trị quốc gia đưa vào hiệp định. Trong đó vấn đề tiêu chuẩn lao động cũng được xác định là một trong những vấn đề lớn kể cả CPTPP hay EVFTA đây là những điều khoản gần như là cuối cùng để thống nhất được trước khi chúng ta kết thúc đàm phán.
Ông Ngọ Duy Hiểu (trái), ông Vũ Tiến Lộc (phải)
“Đối với điều khoản về tiêu chuẩn lao động, Tổng Liên đoàn cũng xác định một tổ chức trong hệ thống, là một thành viên tham gia tích cực chung trong quá trình đàm phán xác định sẽ có những khó khăn nếu với những yêu cầu của Hiệp định với tổ chức mình. Tuy nhiên đặt lợi ích của một tổ chức trong lợi ích tổng thể của một quốc gia, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Chính phủ, chúng tôi hoàn toàn thống nhất với việc công đoàn Việt Nam chấp nhận phải cạnh tranh với tổ chức khác ngoài công đoàn truyền thống của chúng ta”, ông Hiểu nói.
“Như vậy trong hệ thống chính trị của chúng ta, công đoàn là tổ chức đầu tiên và có lẽ là duy nhất đối diện với đa tổ chức trong hệ thống chính trị của chúng ta. Đây là một vấn đề chưa có tiền lệ trong 90 năm, nhưng vì lợi ích quốc gia chúng tôi đã thống nhất nội dung này”, ông Hiểu cho biết thêm.
Cũng theo ông Hiểu, Tổng Liên đoàn xác định khi có sự cạnh tranh vừa là một thách thức vừa là cơ hội để đổi mới, nâng cao năng lực của mình. Vì vậy Tổng Liên đoàn thể hiện sự đồng ý rất cao nhất trí với cơ quan tham gia đàm phán về việc cho phép ra đời tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Sau này thể hiện rất rõ trong Bộ Luật Lao động. Cùng với đó công đoàn thống nhất rất cao việc phê chuẩn Công ước số 98 về công nhận quyền thương lượng tập thể.
“Trên cơ sở những đề xuất như vậy, chúng tôi nhận được sự đồng tình rất cao của các đại biểu Quốc hội của chúng ta đối với Bộ Luật Lao động cũng như Công ước số 98.Thời gian tới chúng tôi sẽ cụ thể hóa, thực thi, cố gắng vượt qua những thách thức và tận dụng cơ hội để cùng cả nước đi lên trong tiến trình cụ thể hóa và triển khai Hiệp định này”, ông Hiểu nói.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động cũng cho biết, giải quyết vấn đề chất lượng nguồn nhân lực đòi hỏi chính sách rất tổng thể, những chính sách quốc gia, chiến lược quốc gia. Công đoàn kết nạp thành viên khi họ chính thức là người của DN, chúng tôi không tham gia vào quá trình trước đó của họ. Ở góc độ công đoàn cũng cần tham gia tích cực hơn đối với nhiệm vụ này thông qua việc công đoàn đã xây dựng đề án “Công đoàn đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.
“Theo tôi cùng lúc chúng ta tham gia hai Hiệp định thì sẽ cần phải điều chính chiến lược quốc gia về đào tạo nghề cũng như đổi mới về giáo dục”, ông Hiểu nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận