Foxconn đang dần trở thành nhà sản xuất “iPhone biết đi”
Foxconn đang bước chân sang lĩnh vực sản xuất ô tô điện, vốn được dự doán sẽ trở thành những chiếc “iPhone biết đi”. Trong hành trình đó, có cả sự hợp tác với Vinfast.
Tập đoàn Foxconn (hay còn gọi là Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải) vốn được biết đến là nhà sản xuất điện tử, bán dẫn lớn nhất thế giới với những sản phẩm điện tử của Apple, Microsoft, Nokia...
Từ một doanh nghiệp nhỏ gia công các sản phẩm điện tử cho thị trường Nhật Bản, Foxconn đã vươn mình trở thành đối tác lớn nhất của Apple với dòng sản phẩm iPhone nổi tiếng.
Mặc dù vậy, Foxconn đang “thay đổi cuộc chơi” của những nhà sản xuất công nghệ bằng việc bước chân sang lĩnh vực sản xuất ô tô điện, vốn được dự doán sẽ trở thành những chiếc “iPhone biết đi”. Foxconn cũng không giấu giếm tham vọng rằng, những chiếc “iPhone biết đi này” sẽ đóng góp đáng kể vào doanh thu của tập đoàn từ năm 2023.
Tái cấu trúc chuỗi sản xuất toàn cầu
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến hàng loạt doanh nghiệp công nghệ, điện tử lớn phải tính toán lại chuỗi cung ứng, sản xuất trên toàn cầu để phù hợp với các chính sách thuế áp đặt mà Mỹ áp cho các sản phẩm từ Trung Quốc, và Foxconn cũng không phải ngoại lệ.
Ngoài Việt Nam và Ấn Độ, Foxconn cũng đầu tư thêm các nhà máy tại Mỹ và EU để phân tán rủi ro cũng như thực hiện chiến lược tái cấu trúc chuỗi sản xuất trên toàn cầu.
Đầu năm 2018, giới công nghệ xôn xao khi một công ty điện tử của Trung Quốc là Luxshare được đồn đoán sẽ là nhà sản xuất iPhone tiếp theo sau Foxconn - vốn đã gần như độc quyền sản xuất dòng điện thoại được quan tâm và sản lượng lớn nhất thế giới này.
Tất cả giới phân tích công nghệ cho rằng, Apple phân chia các dòng sản phẩm iPhone tiêu thụ ở Trung Quốc sẽ do Luxshare sản xuất, phần còn lại sẽ do Foxconn cùng 2 doanh nghiệp khác của Đài Loan là Pegatron, Wistron sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Các nhận định trên không phải không có cơ sở khi 3 gã khổng lồ trên liên tục rót vốn đầu tư mở rộng quy mô nhà máy sản xuất và cho ra đời những chiến điện thoại iPhone “made in India” từ cuối năm 2020.
Kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, Foxconn đã mở rộng sản xuất tất cả các sản phẩm điện tử thay vì chỉ là máy tính như trước đó. Thậm chí, có nhiều nguồn tin cho rằng, giai đoạn 2010-2015, Foxconn đã tiến hành thử nghiệm sản xuất chip bán dẫn tương tự như TSMC nhưng không thành công.
Một lãnh đạo cấp cao của Foxconn đã từng chia sẻ rằng, chủ thương hiệu có thể kiếm tới hàng trăm đô-la trên mỗi chiếc điện thoại thông minh, nhưng lợi nhuận cho doanh nghiệp lắp ráp, gia công điện thoại hay sản phẩm điện tử khác không cao, chỉ khoảng 2-3%. Bởi thế, nếu không cẩn thận chỉ sau vài hợp đồng không thành công doanh nghiệp có thể bên bờ vực phá sản.
Có lẽ vì vậy mà Foxconn đã bắt đầu chiến lược “buông bỏ” dần mảng công việc đem lại thương hiệu cho tập đoàn này, đó là lắp ráp, sản xuất các sản phẩm của Apple, trong đó nổi bật là iPhone.
Khi mà thế giới công nghệ đang dần phẳng và trở nên phổ biến hơn, thì một tập đoàn lớn với chuỗi quản trị toàn cầu như Foxconn khó có thể duy trì nhịp sản xuất với mức lợi nhuận 2-3% khá mong manh kia.
Và bài toàn tái cơ cấu, thậm chí chuyển hướng ngành sản xuất của Foxconn là tất yếu. Để tiếp tục phát triển, Foxconn có lẽ quyết định đặt cược vào lĩnh vực mới toanh là ô tô điện, trong bối cảnh ngành công nghiệp smartphone đang tăng trưởng chậm lại.
Đẩy nhanh các liên kết trong chuỗi sản xuất mới
Lĩnh vực sản xuất duy nhất hiện nay liên quan đến ô tô của Foxconn là linh kiện. Lĩnh vực này đã đóng góp khoảng 9,5 tỷ Đài tệ (340 triệu USD) vào doanh số năm 2019, tuy chỉ là một phần nhỏ trong tổng doannh thu hơn 5.000 tỷ Đài tệ (khoảng 180 tỷ USD) hàng năm của Foxconn trong 2 năm gần đây.
Đối với ngành ô tô truyền thống, để nắm bắt được công nghệ sản xuất ra động cơ và khung xe (là hai cấu phần quan trọng nhất của ô tô), phải có cả một chặng đường dài để nghiên cứu và phát triển. Hai đầu tàu trong ngành xe hơi truyền thống là Âu Mỹ và châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) chiếm ưu thế khi chiếm tới 96% sản lượng xe trên thế giới.
Tuy vậy, với xe điện, thì động cơ không còn là cấu phần quan trọng nhất nữa mà là pin, chip xử lý và hệ điều hành. Do đó, vô hình trung, một doanh nghiệp thuần về điện tử như Foxconn lại có lợi thế hơn cả, nếu như chuyển hướng phát triển xe điện.
Với quan điểm chiếc xe ô tô điện tương lai sẽ ngày càng giống một chiếc điện thoại di chuyển được, Foxconn càng có cơ sở đề dồn nguồn lực vào chiến lược sản xuất mới này.
Tháng 6 năm 2019, Foxconn có tân chủ tịch Young Liu. Đây cũng là thời điểm mà tập đoàn này thực hiện những bước đầu tiên hiện thực hóa chiến lược xe điện bằng việc hợp tác với các hãng sản xuất ô tô truyền thống như Fiat hay Yulong (sở hữu thương hiệu xe Luxugen Đài Loan) và Greely (Trung Quốc) để làm xe điện.
Ngoài ra, cuối năm 2020, Foxconn công bố thành lập Liên minh sản xuất xe điện thông minh toàn cầu (MIH). Và chỉ trong vòng chưa đến 1 năm, MIH đã có hơn 1.500 thành viên là các doanh nghiệp trong hai lĩnh vực xe ô tô và điện tử từ 47 quốc gia tham gia.
Các doanh nghiệp này sẵn sàng cùng nhau sản xuất ra những model ô tô điện thế hệ mới nhất, cạnh tranh sòng phẳng với gã khổng lồ xe điện hiện nay Tesla. Dự kiến trong tháng 6, lần đầu tiên Liên minh MIH sẽ tổ chức lễ ra mắt, công bố chiến lược hợp tác.
Cũng trong tuyên bố của mình, Chủ tịch Young Liu cho biết, ô tô điện sẽ là danh mục sản phẩm lớn tiếp theo của Foxconn sau iPhone và rất có thể sẽ phát triển trở thành một ngành kinh doanh có quy mô lớn hơn mảng điện tử hiện tại.
Tập đoàn này cũng không giấu giếm kế hoạch sản xuất ô tô điện tại Trung Quốc và Mỹ, nhằm thâm nhập vào thị trường xe điện đang phát triển thần tốc, nơi các nhà sản xuất xe công nghệ có thể cạnh tranh sòng phẳng với những hãng ô tô truyền thống.
Trong lĩnh vực này, Foxconn nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì đặc trưng truyền thống là “không làm thương hiệu”. Tuy nhiên, khác với điện thoại hay các thiết bị điện tử là sản xuất, lắp ráp tại Đài Loan hoặc Trung Quốc rồi vận chuyển sản phẩm hoàn chỉnh tới khắp thế giới, thì đối với xe điện, Foxconn có thể sẽ sản xuất phi tập trung hoặc khu vực hóa để đáp ứng cho nhu cầu khắp thế giới.
Các chuyên gia ô tô cũng phân tích, nhiều khả năng Foxconn sẽ tập trung sản xuất động cơ và linh kiện cốt lõi tại Trung Quốc hoặc Đài Loan, sau đó đưa đi hoàn thiện tại các trung tâm lắp ráp xe khắp thế giới (cũng có thể là nhà máy của các hãng xe điện).
Với Liên minh MIH hiện có, giới chuyên môn cho rằng, Foxconn có thể cung cấp tới 80% cấu phần hoàn chỉnh của một chiếc xe điện và sẽ lên tới 90% vào năm sau, khi các thành viên trong Liên minh MIH có thể lên tới con số 2.000.
Và kế hoạch hợp tác với Vinfast và các hãng xe trên thế giới
Tháng 3 năm 2021, truyền thông dẫn tin Reuteur cho biết, Foxconn đang đàm phán hợp tác Vinfast của Việt Nam để sản xuất xe điện.
Việc Foxconn đang có trong tay sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc có thể “gia công” đến 90% một chiếc xe điện hoàn chỉnh, cộng với kinh nghiệm hợp tác với các khách hàng ở Mỹ, là hoàn toàn phù hợp với chiến lược tấn công vào thị trường Mỹ của Vinfast.
Mặc dù hai bên đều không đưa ra các bình luận gì cụ thể về nguồn thông tin trên, tuy nhiên Foxconn không phải không có lý khi “nhắm” đến Vinfast để đề xuất hợp tác. Bởi dự án này gần như là lớn nhất và được Vingroup tập trung dồn toàn lực để phát triển trong thời gian tới, với những tham vọng to lớn tại thị trường Mỹ.
Mặt khác, với công năng như một chiếc “iPhone biết đi”, Vinfast cũng có thể hoàn toàn tin tưởng khả năng, kinh nghiệm của Foxconn để sản xuất toàn bộ phần hệ điều hành của chiếc xe.
Hơn nữa, với chuỗi sản xuất đang ngày càng được mở rộng và hoàn chỉnh tại khu vực phía Bắc Việt Nam của Foxconn thì việc đảm nhận sản xuất một phần trong chiếc xe điện của Vinfast là một hướng hợp tác rất có triển vọng.
Ngoài Vinfast, Foxconn cũng đang hợp tác với một số nhà sản xuất xe điện như Luxegen (Đài Loan), Greely (Trung Quốc) và Fisker, một thương hiệu ô tô của Mỹ. Mới đây nhất, Foxconn đã hợp tác với Stellantis để thành lập liên doanh Mobile Driver, trong đó mỗi bên đóng góp 50%.
Cũng theo Foxconn, Mobile Driver sẽ tập trung sản xuất phần công nghệ thông tin, giải trí trong xe điện thông qua các thiết bị và giải pháp điện toán đám mây, ứng dụng cộng nghệ AI và 5G. Stellantis được biết đến là chủ sở hữu của các thương hiệu xe Fiat, Chrysler, Peugot và Citroroen, sản lượng xe hàng năm đứng thứ 4 thế giới.
Còn đó những thách thức
Không thể phủ nhận các đặc tính ưu việt của xe điện cũng như xu thế tích hợp công nghệ vào xe ô tô trên thế giới, bởi vậy Tesla mặc dù là hãng xe non trẻ nhất trong ngành sản xuất ô tô nhưng chỉ trong vài năm đã vụt lớn mạnh trở thành đối thủ cạnh tranh cực kỳ nguy hiểm với các hãng sản xuất xe truyền thống.
Do đó, sự thành công quá nhanh của Tesla đã trở thành luồng gió mới thúc đẩy hàng trăm doanh nghiệp khởi nghiệp hướng vào lĩnh vực xe điện, mặc cho các hãng xe điện truyền thống vẫn thờ ơ đứng ngoài theo dõi sự chuyển biến.
Giới công nghệ và các hãng xe vẫn đồn đoán về sản phẩm xe Apple Car sẽ được ra mắt vào năm 2024 và chắc chắn sản phẩm của Apple sẽ là đối thủ lớn nhất của Tesla trong tương lai gần.
Tuy vậy, giới phân tích căn cứ trên mức giá bán xe của Apple (được đồn đoán khoảng 50.000-55.000 USD) cho rằng, lợi nhuận của Apple với mỗi chiếc xe không quá 5%.
Nếu vậy, các doanh nghiệp “gia công xe điện” như Foxconn nếu có được hợp đồng sản xuất cho sản phẩm này cũng chỉ duy trì được mức lợi nhuận 2-3% giống như với sản phẩm điện tử thông thường hoặc thậm chí thấp hơn.
Nếu như các xe ô tô truyền thống luôn tôn chỉ tiêu chí tiết kiệm nhiên liệu (xăng/dầu) lên hàng đầu thì xe điện việc duy trì năng lượng càng dài, càng khỏe qua các viên pin cũng được đặt lên hàng đầu.
Tuy vậy, một số chuyên gia xe điện cho rằng, mặc dù chiếm quá nửa giá trị của một chiếc xe điện (xấp xỉ 57%), nhưng pin đang là một vấn đề đau đầu của các nhà sản xuất. Công nghệ pin hiện nay chưa thể nhanh chóng bắt kịp với yêu cầu tối ưu nhất về năng lượng để cung cấp cho xe điện. Hơn nữa, sự cố về pin như cháy, nổ đã từng xảy ra với ngay cả dòng xe Tesla tại thị trường Trung Quốc cũng là một vấn đề.
Để củng cố niềm tin từ khách hàng cũng như tạo ra dòng sản phẩm hoàn hảo, Foxconn cần có kế hoạch để giải bài toán này, trong khi lĩnh vực pin lại không phải thế mạnh của tập đoàn này.
Mặc dù vậy, các chuyên gia và nhà phân tích đều dự báo tới năm 2030, sẽ có khoảng 50% lượng ô tô trên thế giới là xe điện, do đó sự vào cuộc vô cùng khẩn trương của Foxconn, Vinfast hay tất cả các hãng xe ô tô truyền thống cũng chưa chắc đã đáp ứng đủ nhu cầu về xe điện của thế giới.
Giai đoạn 2025-2030 được cho là giai đoạn bùng nổ của thị trường xe điện và Foxconn hoàn toàn có thể hiện thực hóa được mục tiêu khá khiêm tốn là “gia công” 10% lượng xe điện trên toàn cầu.
Tuy vậy, những thách thức nêu trên cũng cần Foxconn nhanh chóng tìm ra lời giải, nếu không sau giai đoạn “bão hòa” xe điện, sẽ rất khó để Foxconn xoay sang một hướng đi mới khác để tối đa hóa dòng lợi nhuận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận