Foxconn chuyển sản xuất MacBook và iPad sang Việt Nam: Cơ hội ở phía trước
Dù giấc mơ Foxconn chuyển sản xuất MacBook và iPad sang Việt Nam chưa thành, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội ở phía trước. Tất nhiên, cùng với đó, cũng còn rất nhiều việc phải làm.
MacBook và iPad sản xuất ở Việt Nam: Giấc mơ chưa thành
Dù vẫn còn rất nhiều đồn đoán về việc Foxconn sẽ chuyển sản xuất MacBook và iPad về Việt Nam theo yêu cầu của Apple, song như Báo Đầu tư đã thông tin, không (hoặc ít nhất trong thời điểm này là “chưa”) có chuyện này xảy ra.
Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, Foxconn đúng là sẽ đầu tư một dự án 270 triệu USD tại Bắc Giang, song nhà máy này là để sản xuất smart TV của một thương hiệu nổi tiếng thế giới. Nguồn tin thân cận với Foxconn cũng đã cho phóng viên Báo Đầu tư biết, để có một nhà máy sản xuất MacBook và iPad, thì nguồn vốn đầu tư cần phải gấp 10 lần con số đó.
Như vậy, giấc mơ sản xuất MacBook và iPad tại Việt Nam vẫn chưa thành. Nhưng dù giấc mơ chưa thành, song rõ ràng, xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam là có thật. Ít nhất trong trường hợp này, Foxconn đã quyết định sẽ xây thêm một nhà máy 270 triệu USD ở Bắc Giang.
Không những vậy, tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản mới đây, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Takio Yamada còn cho biết, trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản dịch chuyển sản xuất nhằm đa dạng chuỗi cung ứng, đã có 37 doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam là điểm đến. Trong khi đó, chỉ có 19 doanh nghiệp lựa chọn Thái Lan, một địa điểm đầu tư đang là “đối thủ cạnh tranh” lớn của Việt Nam.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây, tiếp tục là những khẳng định của các nhà đầu tư nước ngoài về việc sẽ lựa chọn Việt Nam. Ngay cả các doanh nghiệp Australia - xưa nay đầu tư khá khiêm tốn vào Việt Nam - cũng đang cân nhắc việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
“Một số doanh nghiệp Australia, đặc biệt là những doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc, quản lý thông minh và hỗ trợ công nghệ tiên tiến, sẽ tận dụng lợi thế trong bối cảnh hiện nay để đẩy mạnh đầu tư, phát triển tại Việt Nam cũng như các nước lân cận”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam đã nói như vậy.
Một thông tin đáng mừng khác, hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance vừa đánh giá Việt Nam là một trong những thương hiệu quốc gia có giá trị tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, ngược với xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch Covid-19.
Cụ thể, theo Brand Finance, thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% so với năm ngoái, lên mức 319 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam đã tăng tới 9 bậc, lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Hẳn nhiên, không đơn giản để Apple lựa chọn Việt Nam trở thành địa điểm sản xuất MacBook, iPad và đặc biệt là iPhone. Có rất nhiều vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng linh, phụ kiện sản xuất, nhân lực chất lượng cao và cả những vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh.
Trong cuộc đối thoại giữa Chính phủ với các doanh nghiệp Nhật Bản, Công ty HOYA Việt Nam đã than phiền về sự thiếu nhất quán trong chính sách ưu đãi đầu tư. Cụ thể, Cục Thuế tỉnh Hưng Yên đã không công nhận ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, theo như các điều khoản đã được ghi trong giấy chứng nhận đầu tư, mà có ý định tăng thuế suất nhằm đánh thuế bổ sung. Theo tính toán của HOYA, nếu thực hiện điều này, họ sẽ phải bỏ ra thêm 50 triệu USD trong vòng 10 năm tới, một con số không hề nhỏ.
Trong khi đó, AEON cho biết, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư ở Việt Nam còn quá lâu. Trong số các dự án mà AEON đã thực hiện, có dự án đã phải mất tới hơn 1 năm trời để hoàn tất các thủ tục về đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Tương tự, tại VBF mới đây, rất nhiều ý kiến đề xuất các vấn đề mà Việt Nam cần tiếp tục cải cách để thu hút đầu tư. Nhóm Công tác Thuế và Hải quan cho biết, dù Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp điện tử, cơ khí, nhưng thực tế, thuế suất thuế nhập khẩu của nhiều linh kiện, thiết bị rời lại cao hơn thuế suất của thiết bị máy móc hoàn chỉnh, do đó không có tính chất hỗ trợ phát triển sản xuất, lắp ráp trong nước.
Câu chuyện của Clark Material Handling Việt Nam là một ví dụ. Công ty này được thành lập vào tháng 8/2018, chuyên sản xuất, kinh doanh xe nâng, logistics và đang vận hành 3 nhà máy tại tỉnh Hải Dương với công suất 6.000 chiếc/năm. Vấn đề nằm ở chỗ, xe nâng thành phẩm nhập khẩu chỉ có thuế suất 0%, trong khi các bộ phận của xe nâng (ắc quy điện, ghế ngồi cho xe có động cơ, cụm trục...) lại có thuế suất tới 5-25%. Quy định này đã “làm khó” cho Clark Material Handling khi phải nhập linh phụ kiện về sản xuất.
“Trong 18 tháng qua, Việt Nam đã tiếp nhận thêm sản xuất trong chuỗi cung ứng và chúng tôi tin rằng, Việt Nam có thể sẽ nhận được nhiều khoản đầu tư như vậy khi các công ty đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) nói.
Vị đại diện này cho rằng, để tiếp tục thu hút được đầu tư, Việt Nam phải có đảm bảo sự thuận lợi cho nhà đầu tư hiện hữu, tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam, xem xét các chính sách ưu đãi đầu tư…
“Mức thuế 20% của Việt Nam là cạnh tranh, nhưng các số liệu cho thấy, việc khai và nộp thuế ở Việt Nam còn quá khó khăn so với các nước láng giềng. Quá nhiều công ty đang chịu những đối xử không công bằng và thiếu minh bạch về việc đánh giá mức thuế, tiền phạt và tiền lãi. Các nhà đầu tư cần thấy các thủ tục kiểm toán và thuế quan có thể dự đoán được và nhất quán với tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời ngăn chặn các phán quyết có hiệu lực hồi tố”, đại diện Amcham nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận