24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

FOMO trong bong bóng Dotcom và bài học đầu tư cho ngày hôm nay

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn cao trào và hãy dành một ít thời gian nhìn lại bong bóng Dotcom tại thị trường chứng khoán Mỹ hơn 20 năm về trước để cùng tôi thấy rằng có nhiều bài học có thể rút ra được cho ngày hôm nay.

Vào thập niên 90, tiềm năng phát triển của Internet được mở ra và kích thích lòng tham của con người, suy nghĩ lúc đó của đa số là kẻ nào không bắt kịp Internet, kẻ đó phải chết. Vào giai đoạn này, lãi suất tiết kiệm và lãi suất vốn vay cũng giảm, vì vậy khoản tiền dư dả cũng như số tiền vay được của người dân phải tìm được điểm đến mới. Từ đó, trong vòng nửa thập kỷ, cả nước Mỹ mang tâm lý đầu tư, ném tiền vào các công ty công nghệ có liên quan đến Internet. Tỷ lệ số hộ gia đình tại Mỹ đã có khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán dần dần lên tới mức 70%. Số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) tăng gấp 10 lần khi 359 quỹ mới được thành lập chỉ trong vòng 6 năm từ 1995 đến 2001.

FOMO trong bong bóng Dotcom và bài học đầu tư cho ngày hôm nay
Từ 1990 - 2000, lãi suất tại Mỹ giảm và ổn định hơn hẳn giai đoạn trước đó.
FOMO trong bong bóng Dotcom và bài học đầu tư cho ngày hôm nay
Tổng số tiền đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) tăng rõ rệt

Làn sóng FOMO tràn lan rõ rệt khi người người nhà nhà hô hào mua vào các cổ phiếu công nghệ mà không cần quan tâm đó là doanh nghiệp gì, làm ăn như thế nào. Theo tờ Time, nhiều người thậm chí còn bỏ công việc chính để dành cả ngày sống chết với cổ phiếu tại các sàn giao dịch. Lúc đó người ta quan niệm rằng cứ chỉ cần mua vào cổ phiếu công nghệ là sẽ nhanh chóng giàu có, ai bỏ lỡ cơ hội này là những kẻ thất bại. Chỉ số NASDAQ liên tục leo thang, kéo theo cả cả sự tăng trưởng vượt bậc của chỉ số S&P 500.

FOMO trong bong bóng Dotcom và bài học đầu tư cho ngày hôm nay
Chỉ số NASDAQ đạt đỉnh vào năm 2000
FOMO trong bong bóng Dotcom và bài học đầu tư cho ngày hôm nay
Chỉ số S&P 500 cũng tăng trưởng rất mạnh mẽ vảo khoảng thời gian này

Điều đặc biệt tôi muốn nói đến ở đây là chỉ số P/E (Price-to-Earning), nếu ai chưa biết thì hiểu nôm na là mức giá mà bạn sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu. Trước khi bong bóng Dotcom vỡ, chỉ số P/E trung bình của toàn bộ cổ phiếu thuộc S&P 500 tăng lên mức kỉ lục, gần 45. Sau này chỉ bị phá vỡ bởi bong bóng tài chính năm 2008, và vào đầu năm 2021, mức P/E trung bình của S&P 500 đã vượt qua cực đỉnh của bong bóng Dotcom năm 2000. Điều này thể hiện mức độ lạc quan khủng khiếp của các nhà đầu tư vào tương lai của thị trường và nền kinh tế. Đó được ví là một giai đoạn mang đậm màu sắc lễ hội cho cả Phố Wall. Theo một khảo sát của Liên hiệp Nhà đầu tư Cá nhân ngay trước khi bong bóng vỡ vào đầu năm 2000, 6/7 số người được hỏi vẫn đang tỏ ra cực kỳ lạc quan.

FOMO trong bong bóng Dotcom và bài học đầu tư cho ngày hôm nay
Chỉ số P/E trung bình của S&P 500 qua các năm, có điều gì bất thường không?

Bong bóng vỡ

Trong giai đoạn thị trường FOMO và cực kỳ hưng phấn này, có các quỹ đầu tư đã khuyến cáo nhà đầu tư nên tránh xa các cổ phiếu Dotcom, trong đó có quỹ GMO của huyền thoại đầu tư Jeremy Grantham. Ngay lập tức, tài sản quản lý trong quỹ của ông bị sụt giảm tới 45% do các khách hàng cảm thấy “không hài lòng”. Các quỹ của Jean-Marie Eveillard và Julian Robertson cũng gặp tình trạng tương tự khi cố cảnh báo nhà đầu tư hãy tránh xa bong bóng trên thị trường. Thậm chí cuối năm 1999, nhà báo Jason Zweig của MoneyWeek cho rằng các công ty Dotcom nhiều khả năng sẽ mất tới 90% giá trị, và hàng tháng trời sau đó, ngày nào ông cũng nhận được email nói ông là một thằng ngu, một thằng đần, và đủ các từ ngữ thô tục. Nhìn chung, trên thị trường lúc đó mọi người đều đang trong men say chiến thắng, cho rằng không gì có thể ngăn cản nổi các nhà đầu tư non trẻ và các công ty công nghệ đang tăng trưởng cực nóng.

Bong bóng Dotcom bất ngờ vỡ vào ngày 20/3/2000 khi Barron's, một tổ chức tài chính lớn, vạch trần tình trạng tệ hại của các công ty Dotcom lúc đó mà không ai ngờ tới. Một bài viết của họ đã chỉ ra rằng 51 trong số 207 cổ phiếu công nghệ được quan sát sẽ sớm hết vốn trong vòng 12 tháng tiếp theo. Gần 3/4 trong số 207 công ty này đang phải chịu lỗ và cũng không có khả năng sinh lời trong những tháng tiếp theo.

FOMO trong bong bóng Dotcom và bài học đầu tư cho ngày hôm nay
Chỉ số S&P 500 nhanh chóng đi xuống sau khi bong bóng Dotcom vỡ

Khi đó, dường tất cả mọi người đều bừng tỉnh, họ hiểu rằng thời đại tăng trưởng nóng đã chấm dứt và bắt đầu rút vốn khỏi ra khỏi thị trường. Lâu đài giấy bỗng chốc sụp đổ, thị trường càng trở nên ảm đạm, các nhà đầu tư cá nhân ngày càng trở nên sợ hãi vì số tiền thua lỗ ngày càng lớn khi mà chỉ số NASDAQ và S&P 500 giảm mạnh. Hiệu ứng domino xảy ra, các cổ phiếu Dotcom lần lượt đi vào chỗ chết, khiến cuộc đại sụp đổ sẽ diễn ra một cách khốc liệt, hơn một nửa số công ty IT và Internet tuyên bố phá sản và dừng hoạt động. Thậm chí, cổ phiếu của Amazon đã có lúc giảm từ 107 USD xuống chỉ còn 7 USD. Nó cũng tác động tiêu cực đến toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ vì khi người Mỹ cảm thấy ít giàu có hơn, họ sẽ bớt chi tiêu cho mọi thứ, và các doanh nghiệp nhìn chung sẽ không có tăng trưởng doanh thu.

Bài học cho ngày nay

Bài học thứ nhất là bài học về giá trị của công nghệ. Con người ta từ trước đến nay vẫn luôn lúng túng trước bài toán xác định giá trị cho các đột phá công nghệ mới. Đã hơn 20 năm sau bong bóng Dotcom, vẫn còn nhiều điều chúng ta vẫn mù mờ về giá trị của các công nghệ tân tiến, là IoT, Blockchain, Cryptocurrency, AI... Thị trường tài chính công nghệ của chúng ta ngày nay dường như vẫn được xây nên bằng những cuộn giấy mang tên hy vọng thay vì những viên gạch doanh thu cũng như lợi nhuận chắc chắn. Nếu có ai cho rằng ồ, hãy nhìn vào sự phát triển của các Microsoft, Amazon, Google, Facebook, Apple,... đi thì hãy hiểu rằng để có được những gã khổng lồ như vậy đã có bao nhiêu công ty, dự án, start-up khác đã phải đắp chiếu.
Bài học thứ hai là về hậu quả của hiệu ứng FOMO, khi mà người ta đổ tiền vào thị trường một cách mù quáng nhằm kiếm lời. Hãy nhìn vào biểu đồ P/E để hiểu rằng, sau mỗi lần con người ta bắt đầu kỳ vọng quá đáng, cuối cùng họ sẽ lại trở về với mặt đất. Tại Việt Nam, bao nhiều làn sóng FOMO đã qua, kết cục đều không được như người ta mong đợi. Hãy tỉnh táo, đừng để bị đánh lừa bởi những thứ lạc quan mập mờ trên thị trường, vì cũng đã từng có những năm 2000 tự tin như thế, và có cả những năm 2008, 2018 nữa.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của tôi, chúc bạn đầu tư thành công.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả