Fitch: Chính sách tỷ giá của Mỹ với châu Á sẽ "mềm" hơn dưới thời Biden
Fitch dự báo Mỹ sẽ ít đối đầu hơn với các đối tác thương mại châu Á trong chính sách tỷ giá bởi chính quyền ông Biden ưu tiên cách tiếp cận đa phương với những căng thẳng kinh tế kéo dài
"Mỹ có thể sẽ đưa ra những cân nhắc về địa chính trị trong chính sách tỷ giá với châu Á, dù một số nền kinh tế tại khu vực này hiện đang hoặc có thể bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ", tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch nhận định trong báo cáo vừa công bố.
Theo quan điểm của Fitch Ratings, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ lựa chọn cách tiếp cận bớt căng thẳng liên quan tới tiền tệ có thể dẫn tới các động thái trả đũa qua lại gây ảnh hưởng tới xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Trong báo cáo công bố vào tháng 12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã cân nhắc rằng liệu một số quốc gia bị "dán nhãn" thao túng tiền tệ đã thực hiện hành động này nhằm ngăn chặn điều chỉnh cán cân thanh toán hay nhằm giành được lợi thế không công bằng trong thương mại.
Một số nền kinh tế châu Á không có đủ các tiêu chí để bị xem là thao túng tiền tệ nhưng vẫn xuất hiện trong danh sách thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ. Trong đó, Ấn Độ và Singapore bị xác định là đã can thiệp vào thị trường ngoại hối. Việt Nam và Thụy Sĩ cũng lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách này.
Hiện tại, việc một nền kinh tế bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ không đồng nghĩa phải chịu chế tài xử phạt cụ thể nào ngay. Tuy nhiên, việc này có thể ảnh hưởng tới thị trường hối đoái bởi đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ không hài lòng với hoạt động tiền tệ tại thị trường đó.
Bên cạnh đó, theo Fitch, một rủi ro nữa là chính quyền của Tổng thống Biden có thể đưa ra các chính sách mới. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã đề xuất áp dụng hình phạt đối với nước đã hỗ trợ hoạt động xuất khẩu bằng cách định giá thấp đồng nội tệ. Tuy nhiên, việc này đã không được thực hiện trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Theo Fitch, chính quyền Tổng thống Biden đến nay vẫn duy trì lập trường cứng rắn của chính quyền Trump trong các vấn đề thương mại liên quan đến Trung Quốc. Tuy nhiên, tổ chức này dự báo Mỹ sẽ ít đối đầu hơn với các đối tác thương mại châu Á trong chính sách tỷ giá bởi chính quyền Tổng thống Biden ưu tiên cách tiếp cận đa phương với những căng thẳng kinh tế kéo dài.
"Nếu mâu thuẫn trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và các đối tác thương mại châu Á đi chệch khỏi dự báo của chúng tôi, Việt Nam và Singapore có thể chịu rủi ro về kinh tế vĩ mô nặng nề nhất trong số các nền kinh tế châu Á được đề cập trong báo cáo tháng 12/2020 của Bộ Tài chính Mỹ", Fitch nhận định. "Nền kinh tế Việt Nam và Singapore tập trung nhiều vào xuất khẩu, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch".
Với trường hợp của Singapore, Fitch đánh giá phương pháp tiếp cận chính sách tiền tệ của nước này đã được thiết lập tốt nên rủi ro sẽ thấp hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận