FinTech Việt, ví điện tử thôi sao?
Năm 2019 là năm ngoạn mục của các doanh nghiệp công nghệ tài chính (FinTech) Việt Nam. Theo một báo cáo của PricewaterhouseCoopers, United Overseas Bank, và Hiệp hội FinTech Singapore vào đầu tháng 11-2019 thì tính đến cuối tháng 9-2019, các quỹ đầu tư đã rót 410 triệu đô la Mỹ vào các doanh nghiệp FinTech Việt Nam, gấp 150 lần so với năm 2018.
Tuy vậy, các khoản đầu tư hầu như chỉ tập trung vào ví điện tử ở VNPay (300 triệu đô la Mỹ) và Momo Pay (100 triệu đô la Mỹ)
Trong khi đó, FinTech không chỉ có ví điện tử, mà bao gồm cả các ứng dụng mới trong chuyển tiền quốc tế, lập kế hoạch tài chính và ngân sách, tiết kiệm và đầu tư, cho vay, và bảo hiểm. FinTech phát triển trong xu hướng phi tập trung trong thị trường tài chính, sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, thế hệ người tiêu dùng trẻ năng động, cũng như những người hành nghề tự do (freelancer).
Thị trường ví điện tử có sức nóng ở Việt Nam, vượt hẳn các ứng dụng FinTech khác bởi vì các yếu tố cần và đủ cho mô hình này dường như đã hội tụ. Cụ thể, hạ tầng viễn thông di động kết nối Internet của Việt Nam được Hiệp hội GSM (GSMA) đánh giá là có mức tiến bộ tốt nhất trong giai đoạn 2014-2018, với số điểm từ 47 lên 65, hơn cả Ấn Độ.
Theo chỉ số kết nối di động (Mobile Connectivity Index - MCI) của GSMA, năm 2018 điểm số của Việt Nam là 65, trong đó điểm hạ tầng là 59,8; khả năng chi trả là 64; mức độ sẵn lòng của người tiêu dùng là 73,2, nội dung và dịch vụ là 63,5 điểm.
Về nhu cầu, hai tiêu chí khả năng chi trả và mức độ sẵn lòng ở mức cao cho thấy tiềm năng rất lớn ở thị trường Việt Nam trong việc sử dụng Internet di động. Hơn thế nữa, nhu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán nhanh chóng, tiện lợi của người dân ngày càng tăng. Trở ngại về việc sở hữu một tài khoản ngân hàng truyền thống sẽ không còn là vấn đề lớn vì tính linh hoạt của ví điện tử. Trong trường hợp này, so sánh ví điện tử với tài khoản ngân hàng truyền thống trong việc thanh toán, giống như phát triển viễn thông di động thay thế cho viễn thông cố định trước đây.
Trở lại với các ứng dụng khác trong FinTech ở Việt Nam, mặc dù điều kiện về hạ tầng có thể nói là đã đáp ứng được nhưng các điều kiện khác như nhu cầu của ứng dụng, hệ sinh thái cần thiết, rủi ro về tính hiệu quả trong thực thi pháp luật là những trở ngại chưa vượt qua được. Trong khi các nhu cầu mới trong FinTech sẽ phát triển dần theo thời gian cùng với nhận thức, sự hội nhập, điều kiện kinh tế, thì hệ sinh thái, đặc biệt là nguồn nhân lực là một thách thức rất lớn.
Bởi vì, không chỉ Việt Nam mà cả các nước trong khu vực ASEAN, nhân lực chất lượng cao trong FinTech là một trong những mối bận tâm hàng đầu của doanh nghiệp FinTech, đặc biệt vào giai đoạn phát triển (scale up) của doanh nghiệp.
Hệ sinh thái của FinTech còn là hệ thống khung pháp lý và các chính sách kịp thay đổi thích ứng với thị trường. Các quy định về kiểm soát vốn, tuân thủ quy tắc KYC (Know Your Customer - Biết khách hàng của bạn), điều kiện thành lập và giám sát các FinTech chưa rõ ràng hay không thích ứng sẽ cản trở các doanh nghiệp khởi nghiệp, không thể cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Singapore.
Sự chậm trễ sẽ đánh mất cơ hội vào các doanh nghiệp FinTech ở các quốc gia khác trong việc cung ứng cùng một ứng dụng hay dịch vụ vì khi thị trường trong nước sẵn sàng thì các doanh nghiệp trong nước đã trở thành người theo sau.
Bên cạnh đó, rủi ro từ hiệu quả của việc thực thi pháp luật thấp khiến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều dè chừng tham gia các ứng dụng FinTech khác. Doanh nghiệp và người dân không có nhiều niềm tin vào hệ thống tư pháp nên các tranh chấp nếu có thường không thông qua trọng tài hòa giải hay tòa án. Không những thế, rủi ro pháp lý còn khiến cho các quỹ đầu tư nước ngoài e dè trong việc đổ vốn vào các công ty FinTech Việt, không như tiềm năng vốn có của thị trường.
Đứng dưới góc độ của người tiêu dùng, mối bận tâm của họ với các ứng dụng FinTech còn ở vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, điều kiện sử dụng, mức phí, và các dịch vụ tích hợp khác. Với nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam, bảo mật thông tin cá nhân thực sự là một quan ngại lớn.
Việc tùy tiện sử dụng thông tin cá nhân khách hàng khi chưa có chế tài xử lý phù hợp, hệ thống bảo mật thông tin của doanh nghiệp mong manh trước các nguy cơ tấn công trên không gian mạng như một số trường hợp rò rỉ thông tin dữ liệu khách hàng gần đây là những ví dụ. Bên cạnh đó, điều kiện sử dụng dịch vụ được soạn theo hướng có lợi hoàn toàn cho doanh nghiệp, việc thay đổi các điều khoản sử dụng về sau thường theo hướng bất lợi cho người tiêu dùng.
Tiềm năng của thị trường FinTech ở Việt Nam là khá lớn khi dựa trên các đặc điểm hạ tầng công nghệ, cấu trúc dân số và mức sẵn lòng tiêu dùng dịch vụ. Hiện nay chỉ có dịch vụ ví điện tử là phát triển mạnh đi kèm thương mại điện tử và là một giải pháp thay thế một phần dịch vụ thanh toán của ngân hàng truyền thống.
Các ứng dụng khác của FinTech như chuyển tiền quốc tế, tiết kiệm đầu tư, bảo hiểm, cho vay... sẽ thu hút các doanh nghiệp trong nước và quốc tế nếu Chính phủ hoàn thiện hơn hệ sinh thái của FinTech, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, khung pháp lý và các chính sách linh động.
Cuối cùng và không kém phần quan trọng, là đảm bảo tính hiệu quả của việc thực thi pháp luật, vai trò của cơ quan tư pháp phải được nâng cao tuyệt đối, thông qua sự tin tưởng của doanh nghiệp và người tiêu dùng khi có các tranh chấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận