Financial Times: Việt Nam và Đông Nam Á có chống được xu hướng lạm phát toàn cầu?
Theo Fiancial Times ngày 21/6, cuộc chiến ở Ukraine, giá nhiên liệu và lương thực cao kỷ lục và lãi suất tăng đang đặt ra nguy cơ “lạm phát đình trệ”. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang ở thế có thể tránh được sự suy thoái tồi tệ nhất.
“Lạm phát đình trệ” là thuật ngữ được sử dụng để mô tả tình hình của một nền kinh tế có cả hai yếu tố tăng trưởng chậm và giá cả tăng. Trên toàn cầu, các nhà đầu tư đang bán cổ phiếu với dự đoán lãi suất cao hơn và suy thoái tiềm ẩn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tuần trước đã tăng lãi suất cao hơn dự kiến trong nỗ lực kiềm chế giá, trong khi chiến lược “không COVID” của Trung Quốc khiến nhu cầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm. Tuy nhiên, Đông Nam Á có vẻ sẽ thoát được tình trạng lạm phát đình trệ.
Theo một phân tích do Financial Times thực hiện từ các dữ liệu của các chính phủ, tại 4 trong 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines, tổng sản phẩm quốc nội đang tăng nhanh hơn lạm phát.
Tại nước trên, các nền kinh tế đang phục hồi trở lại khi các biện pháp kiểm soát nhập cảnh nghiêm ngặt do đại dịch được dỡ bỏ và sự phục hồi của ngành du lịch đang lấp đầy các khách sạn tại những “điểm nóng” du lịch từ Vịnh Hạ Long của Việt Nam đến Bali của Indonesia.
Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại ngân hàng HSBC, cho biết: “Những gì bạn đang thấy ở Đông Nam Á lúc này là sự phục hồi từ việc mở cửa trở lại: môi trường tăng trưởng rất mạnh và điều này có khả năng kéo dài sang nửa cuối năm nay. ASEAN đang có vẻ chống chịu rất tốt."
Khoon Goh, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á tại ngân hàng ANZ Singapore, nhận định: “Lạm phát đình trệ không được bàn đến nhiều ở khu vực này. Một trong những điểm sáng là Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á đã coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và đã thực sự nới lỏng hạn chế cũng như mở cửa nền kinh tế”.
Tại Đông Nam Á, những con số tích cực phần nào phản ánh “hiệu ứng cơ bản" của sự phục hồi từ suy thoái kinh tế nặng nề trong thời kỳ đại dịch. Tại Philippines, GDP đã tăng 8,3% trong quý đầu tiên, nhờ phục hồi tiêu dùng. Các nền kinh tế Đông Nam Á cũng đang tạo ra động lực lớn hơn về sản lượng, gồm tăng trưởng xuất khẩu ổn định. Chỉ Thái Lan và Singapore ghi nhận lạm phát tăng nhanh hơn mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội.
Các quốc gia Đông Nam Á cũng ở thế hưởng lợi từ sự thay đổi trong sản xuất do các nhà sản xuất đa dạng chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc. Ví dụ, Apple đang chuyển một số hoạt động sản xuất iPad sang Việt Nam. Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cấp cao về khu vực châu Á mới nổi tại ngân hàng Natixis cho rằng: "Việc Việt Nam tăng tốc các hoạt động sản xuất phản ánh khả năng của nước này trong việc thay thế một phần sản lượng bị mất ở Trung Quốc do gián đoạn chuỗi cung ứng từ chính sách ‘không COVID’, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, dệt may và da giày. Sự gián đoạn kéo dài ở Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào Đông Nam Á."
Trong khi các nền kinh tế ASEAN nhìn chung đang hoạt động tốt, một số khác cũng chịu tổn thương từ các xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đang áp dụng các biện pháp kiểm soát giá - một động thái có thể làm dịu cú sốc lạm phát. Ông Khoon Goh của ngân hàng ANZ Singapore cho biết: "Ở Đông Nam Á, giá một số hàng hóa được kiểm soát, như xăng ở Malaysia và Indonesia. Điều này giúp kiềm chế lạm phát mạnh và sẽ không có sự bùng phát về lạm phát như ở Mỹ hay châu Âu".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận