Fideco bị HoSE nhắc nhở do chậm công bố thông tin góp vốn
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa có văn bản nhắc nhở Công ty Cổ phần Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP. HCM (Fideco, HoSE: FDC).
Cụ thể, HoSE nhắc nhở FDC chậm công bố thông tin Nghị quyết HĐQT về việc hợp tác phát triển đầu tư dự án tại Bến Lức, Long An.
Được biết, ngày 9/5, HOSE nhận được công văn của Fideco về Nghị quyết HĐQT ngày 28/3 về việc hợp tác phát triển đầu tư dự án tại Bến Lức, Long An.
Trong đó, giá trị góp vốn của FDC vào dự án là 280 tỷ đồng, chiếm 34,8% tổng tài sản, lớn hơn 15% tổng tài sản của công ty tại ngày 31/12/2021 (804,7 tỷ đồng), căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021.
Căn cứ quy định tại điểm m khoản 1 Điều 11 của Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 quy định: “Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây: Quyết định mua, bán tài sản hoặc thực hiện các giao dịch có giá trị lớn hơn 15% tổng tài sản của công ty căn cứ vào báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính 6 tháng gần nhất được soát xét. Trường hợp công ty đại chúng là công ty mẹ thì căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất…”, HoSE nhấn mạnh: “Fideco đã chậm công bố thông tin Nghị quyết HĐQT về việc hợp tác phát triển đầu tư dự án tại Bến Lức, Long An và nhắc nhở, đề nghị công ty nghiêm túc tuân thủ quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán”.
Về tình hình kinh doanh, quý I/2022, Fideco ghi nhận doanh thu đạt 3,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 5,8% và tăng 208,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ từ 70,2% lên 75,1%.
Xét về dòng tiền, trong quý I/ 2022, FDC ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 225,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 34,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 192,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 33,2 tỷ đồng.
Trong đó, dòng tiền đầu tư dương chủ yếu do công ty thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của các đơn vị, thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác … Như vậy, trong quý đầu năm, FDC đã bán bớt tài sản, thu hẹp đầu tư để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh chính.
Được biết, kể từ khi niêm yết năm 2010 tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục như quý I/2022. Năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2019 khi ghi nhận âm 53,36 tỷ đồng.
Nhìn lại năm 2021, FDC ghi nhận doanh thu đạt 185,93 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 13,66 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 25,95 tỷ đồng.
Bước sang năm 2022, FDC đặt kế hoạch doanh thu 27 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 4 tỷ đồng, lần lượt giảm 90% và 55% so với thực hiện trong năm 2021.
Về kế hoạch tăng vốn, FDC dự kiến chào bán 77,2 triệu cổ phiếu để huy động hơn 8 trăm tỷ đồng cho dự án Sơn Mỹ
Theo đó, FDC dự kiến chào bán 77,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.500 đồng/cổ phiếu để huy động 811,09 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ phát hành dự kiến 1:2, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 2 cổ phiếu mới.
FDC cho biết, toàn bộ số tiền huy động được, công ty dự kiến sử dụng 689,3 tỷ đồng đầu tư vào Dự án Sơn Mỹ theo nhiều hình thức khác nhau phù hợp với quy định của pháp luật, bao gồm đầu tư, duy trì tỷ lệ sở hữu tối thiểu 51%; và 121,8 tỷ đồng dự kiến đầu tư mua tối thiểu 8,1 triệu cổ phiếu của Cảnh Viên với giá tối đa 15.000 đồng/cổ phiếu nhằm sở hữu tối thiểu 51% cổ phần của Cảnh Viên và gián tiếp sở hữu dự án Sơn Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận