Fed và câu chuyện tăng lãi suất
Tiếp tục tăng lãi suất, nền kinh tế vẫn ổn định, lạm phát cao, tăng lãi suất nữa, tỷ lệ thất nghiệp thấp kỉ lục, không thể có suy thoái, tăng lãi suất lên 6%, 7%, hay là 8% luôn... Đấy là nếu mình là Central Bankers thì sẽ nói vậy, còn nếu ai tỉnh táo nhìn vào thị trường thì có thể thấy là mọi chuyện không hề ổn. Chỉ số dẫn trước LEI rơi 1.2% chỉ trong tháng 3, gấp đôi so với kì vọng, rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11, 2020. Có ai nhớ tháng 11 2020 cả thế giới đang làm gì không?
Đúng vậy, cả thế giới đang đóng cửa vì Covid. Với những năm khác thì ở giai đoạn này Fed đã bắt đầu các chính sách nới lỏng nền kinh tế rồi. This time is different, nhưng kết cục thì vẫn sẽ giống nhau, và một lần nữa, Fed chẳng thể làm gì ngoài việc nhìn nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái (sâu).
Fed là NHTW có quyền lực lớn nhất trên thế giới. Có hơn 400 tiến sĩ kinh tế làm việc tại Fed, nhưng khổ nỗi Fed không hiểu kinh tế. Fed thậm chí còn không hiểu chính chính sách của mình. Nếu bạn hỏi 10 nhà kinh tế thì cả 10 người sẽ nói cho bạn biết rằng chính sách tiền tệ cần thời gian để ngấm vào nền kinh tế (long and variable lags), có thể là từ 18 - 24 tháng, thậm chí là lâu hơn. 1.5-2 năm? Để giải thích cho 1 đứa trẻ 5 tuổi thì điều này có nghĩa là Fed không hề biết chính sách của họ sẽ thực sự tác động đến nền kinh tế như thế nào, họ chỉ đưa ra chính sách và hy vọng rằng nó sẽ hoạt động giống như mô hình của họ. Nhưng không giống với vật lý hay toán học, nền kinh tế là một cỗ máy phức tạp và rất khó để mô hình chính xác. Lịch sử đã chứng minh rằng Fed luôn chậm một bước phía sau, họ bị đánh úp bởi chính sự thông minh của bản thân. Chính sách tiền tệ 98% là nói và chỉ có 2% là hành động (Ben Bernanke, 2015).
Năm 2020, Fed nói rằng lạm phát chỉ là tạm thời (transitory) sau khi thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ lớn nhất trong lịch sử. Fed có thể đã đúng vì đây đã là lần thứ 5 họ thực hiện QE kể từ năm 2008, và chưa một lần nào lạm phát bùng nổ. Điểm khác biệt lần này là từ chính sách tài khóa của BTC (US Dept. of Treasury), cộng với vấn đề về chuỗi cung ứng (supply chain) khi cả thế giới đóng cửa vì Covid. Đến giữa và cuối năm 2021, lạm phát bắt đầu gõ cửa mạnh hơn, và Fed đang từ không nghĩ đến chuyện nghĩ đến chuyện tăng lãi suất, buộc phải nghĩ đến việc tăng lãi suất. Fed đảm bảo với mọi người rằng nền kinh tế đang quá nóng, mọi chuyện sẽ ổn thôi vì Fed sẽ hạ cánh an toàn (soft landing). Nên nhớ là Fed mới chỉ nâng lãi suất lần đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái, ngay sau khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine. Đây là một thời điểm mấu chốt vì cuộc chiến này đã đẩy mạnh giá của dầu thô và khí gas, tạo thêm áp lực cho lạm phát tăng cao. Lạm phát CPI ở Mỹ đạt đỉnh 9.1% vào tháng 6, và lúc đó thì Fed đã cuống cuồng tăng lãi suất 0.75% ở 4 buổi họp liên tiếp. Fed đã tự đóng hòm cho mình và cho cả nền kinh tế, đơn giản chỉ vì họ không thể để cho mọi người thấy là họ không làm gì. Tại thời điểm đó, lạm phát là tất cả những gì mọi người nói đến, thậm chí là tổng thống Biden đã đích thân gọi cho ông Powell, chủ tịch của Fed, và bà Yellen, trưởng BTC, để yêu cầu họ đối phó với lạm phát. Fed nâng lãi suất, và trong một thời gian thì mọi chuyện dường như có vẻ ổn, lạm phát bắt đầu tăng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp thấp, Fed đã mơ về một cú “soft-ish landing”.
Nhưng có một vấn đề, chính sách tiền tệ cần thời gian để ngấm vào nền kinh tế. Điều này có nghĩa là lạm phát tăng chậm lại kể từ sau khi tạo đỉnh hồi tháng 6 không (hoàn toàn) là do Fed, mà theo mình là do sự phá hủy của nhu cầu (demand destruction), điều thường xuyên xảy ra sau một cú sốc về giá của năng lượng. Điều này cũng dễ hiểu thôi, khi bạn có một số tiền nhất định để chi tiêu, nếu giá xăng và điện đột nhiên tăng vọt thì ắt là bạn sẽ phải cắt giảm chi tiêu ở các mục khác. Nên nhớ rằng chi tiêu của người này lại là thu nhập của người khác, và một vòng xoáy luẩn quẩn (vicious cycle) được hình thành, chảy qua nền kinh tế, cướp đi thu nhập của khu vực tư nhân (private sector). Mặc dù dữ liệu kinh tế, đặc biệt là dữ liệu về việc làm, vẫn chưa ở mức đáng báo động, chung ta vẫn có thể thấy được rõ hướng đi của nó. Dữ liệu vĩ mô thường di chuyển chậm, cho đến khi tất cả mọi thứ đổ vỡ cùng một lúc. Thậm chí là Fed còn đã thay đổi suy nghĩ và thông báo rằng thay vì một “soft-ish landing”, nước Mỹ sẽ có một cuộc suy thoái “nhẹ” (mild recession). Và khi Fed nghĩ rằng sẽ có một cuộc suy thoái “nhẹ”? Bạn biết phải nghĩ gì rồi đấy.
Tại sao mình lại nói về Fed và nền kinh tế Mỹ nhiều đến thế? Đơn giản vì nó thú vị… Đối với mình đây là nền kinh tế lớn nhất thế giới và đồng USD là đồng tiền dự trữ quốc tế, chính vì thế mà những gì xảy ra ở nền kinh tế Mỹ sẽ có tác động mạnh đến các nền kinh tế lớn nhỏ khác. Khi suy thoái lan rộng, nhu cầu sử dụng đồng USD để trả nợ hay là trú ẩn sẽ tăng vọt, gây áp lực lên USD flow và tỷ giá hối đoái. A “Milkshake” moment. Chúng ta có thể nhìn lại năm ngoái để thấy được phần nào tác động của USD flow và tỷ giá lên nền kinh tế và các thị trường tài chính ở VN. Mình không thể biết được là tác động đến VN tới đây sẽ tệ hơn hay đỡ hơn, tuy nhiên thì đây vẫn là một vấn đề mọi người nên để ý. Dù thế nào đi nữa thì mình nghĩ nền kinh tế toàn cầu vẫn còn rất nhiều rủi ro đang chờ trước mắt, tuy nhiên thì việc canh thời gian (timing) luôn là điều khó nhất. Điều kiện cho một cuộc suy thoái sâu thì đã có, nhưng suy thoái có thể xảy ra trong vòng 3 tháng, 6 tháng, hay thậm chí là một năm nữa thì mình cũng không ngạc nhiên. Chúc mọi người may mắn và hãy giữ an toàn!
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận