Fed tăng lãi suất, thị trường chứng khoán ảnh hưởng ra sao?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất lên 0,25%, điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam ra sao?
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/3, chỉ số VN-Index tăng 2,01 điểm (0,14%) lên 1.461,34 điểm. Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm tương đồng với diễn biến thị trường chứng khoán thế giới sau khi Fed thông báo tăng lãi suất 0,25% như kì vọng của các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Khối Nghiên cứu KBSV cho rằng việc Fed tăng lãi suất không gây sốc cho thị trường: “Thứ nhất tôi cho rằng yếu tố này không phải là mới và thị trường đã có những khoảng thời gian tương đối dài để làm quen dần. Thứ hai, việc tăng lãi suất không phải lúc nào cũng mang lại tác động xấu với nền kinh tế và thị trường chứng khoán”.
Ông Nguyễn Xuân Bình
Theo quan điểm của ông Binh, đặt trong trường hợp nhận định rằng tăng lãi suất mới chỉ là giai đoạn đầu tức là từ nền rất thấp và tăng trở lại mức bình thường như trước đây, như vậy việc tăng lãi suất chưa tác động tiêu cực lên nền kinh tế với dòng vốn từ các kênh đầu tư nói chung và dòng vốn chứng khoán nói riêng.
“Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lãi suất tăng đến một mức nào sẽ gây ra ảnh hưởng xấu với thị trường chứng khoán?”, ông Nguyễn Xuân Bình bày tỏ.
Ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment nhìn nhận, trong 30 năm đổ lại đây lãi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) 10 năm của Mỹ liên tục đi xuống, lạm phát trong giai đoạn hiện tại cao nhất trong vòng 40 năm ở Mỹ. Quay lại năm 1980 khi lạm phát lên 2 con số trên 10%, lúc đó lãi suất TPCP 10 năm của Mỹ tăng lên 14-15%/năm.
Thay vì dùng các mô hình kinh tế, ông Nguyễn Xuân Bình đã dùng các biểu đồ để quan sát các diễn biến của lãi suất đối với diễn biến của thị trường chứng khoán trong quá khứ. Mối tương quan giữa lãi suất và diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ.
Biểu đồ trên sử dụng 2 chỉ báo: lãi suất tiêu chuẩn của Fed, lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) 10 năm của chính phủ Mỹ. Quan trọng nhất là nhà đầu tư tập trung vào đường lãi suất TPCP 10 năm.
“Chúng ta có thể nhìn thấy mức lãi suất này đã duy trì một xu hướng giảm kéo dài trong khoảng 30 năm trở lại đây (1990-2022). Có một điểm đáng chú ý mỗi khi lãi suất chạm đường S&P500 đều có sự điều chỉnh, tuy nhiên độ mạnh nhẹ sẽ có sự khác nhau mỗi khi đường lãi suất TPCP chạm kênh giảm”, ông Bình cho biết.
Nếu nhìn trung hạn trong năm nay Giám đốc Khối Nghiên cứu KBSV đặc biệt lưu ý các nhà đầu tư ở đường xu hướng giảm màu cam trên biểu đồ, ước chừng lợi suất TPCP Mỹ chạm mốc xung quanh 2,5% thì tương tự như quá khứ, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ chịu áp lực điều chỉnh từ đó tạo sự lan tỏa đến thị trường toàn cầu trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.
Việc Fed tăng lãi suất khiến nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên có khả năng tác động của đợt tăng lãi suất này của Fed sẽ không lớn.
Phân tích sâu hơn vì sao đợt tăng lãi suất của Fed chưa tác động lên nền kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Bình chỉ ra một số nguyên nhân: Việt Nam đã thoát được giai đoạn cao trào nhất của xu hướng diễn biến tăng của giá hàng hóa, nhờ hai yếu tố: thứ nhất, chuỗi cung ứng trong nước được duy trì bất chấp dịch bệnh; thứ hai, liều lượng của các gói bơm tiền kích thích của NHNN.
"Trong những năm gần đây Việt Nam đã rút được kinh nghiệm trong giai đoạn trước khi lạm phát tăng 2 con số, tôi quan sát thấy NHNN đã duy trì được chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn và không thắt chặt, không nới lỏng quá đà, giúp lạm phát duy trì ở mức bình ổn cho đến thời điểm hiện tại.
Trong thời gian tới, Việt Nam ít nhiều sẽ chịu tác động của xu hướng tăng mạnh mẽ của giá hàng hóa trên thế giới, đơn giản nhất là giá dầu”, ông Nguyễn Xuân Bình cho biết.
“Tôi kỳ vọng xu hướng tăng của giá hàng hóa sẽ có điểm hạ nhiệt đâu đó cuối quý 2 – đầu quý 3 qua đó giảm bớt sức ép lên thị trường chứng khoán Việt Nam”, Giám đốc Khối Nghiên cứu KBSV nói thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận