FED tăng lãi suất thì ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam?
FED đang ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn với việc nâng lãi suất. Vậy điều này có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?
Vì sao FED quyết định tăng lãi suất?
Ủy ban Thị trường mở liên bang - cơ quan hoạch định chính sách của FED, đã quyết định sẽ giảm lượng mua trái phiếu kho bạc hàng tháng và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp với tốc độ nhanh hơn so với mức đưa ra hồi tháng 11. Cụ thể, mỗi tháng FED sẽ giảm mua trái phiếu kho bạc trị giá 20 tỷ USD và trái phiếu thế chấp trị giá 10 tỷ USD.
Hiện FED vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản từ 0 đến 0,25% được thiết lập trong bối cảnh đại dịch bùng phát hồi tháng 3/2020. Trong khi FED chưa thông báo khi nào sẽ tăng lãi suất, các thành viên Ủy ban Thị trường mở liên bang kỳ vọng ngân hàng sẽ bắt đầu tăng chi phí cho vay sớm hơn. Hiện 10 trong số 18 thành viên ủy ban dự đoán FED sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022, đưa phạm vi lãi suất cơ bản lên 0,75-1%.
Sở dĩ FED quyết định đẩy nhanh việc chấm dứt mua trái phiếu và tăng lãi suất 3 lần là do mối lo ngại lạm phát đã trở nên kéo dài hơn dự đoán của tất cả các chuyên gia trước đó. Việc chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, giá nhân công tăng, cộng với nhu cầu tăng cao sau phục hồi COVID-19 đã khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng phi mã. Hiện lạm phát ở Mỹ đã ở mức cao nhất trong hàng chục năm qua, tác động mạnh tới hầu bao người tiêu dùng. Nếu không sớm thực hiện quyết định này, Mỹ và nhiều nền kinh tế thế giới khác sẽ phải đối phó với mối nguy lạm phát trong cả năm 2022 và các năm sau, tác động tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế thế giới.
FED tăng lãi suất thì có tác động nào đến Việt Nam?
Đầu tiên, khi FED tăng lãi suất, thì tiền sẽ bị hút về phía Mỹ, do đó có khả năng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ rút vốn từ các thị trường khác để về Mỹ. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn hơn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đây là điều không nhiều người mong muốn vì nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi, cần rất nhiều vốn kể cả trong nước lẫn nước ngoài, do đó việc các doanh nghiệp nước ngoài rút vốn về Mỹ sẽ có tác động không nhỏ tới đà phục hồi của nền kinh tế.
Ngoài ra, việc FED tăng lãi suất cũng sẽ khiến đồng USD tăng giá, dẫn tới tỷ giá USD/VND tăng, nhưng có thể không nhiều. Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi và hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7% trong năm sau nếu kiểm soát được dịch. Bên cạnh đó, cung – cầu ngoại hối về cơ bản là ổn định và cán cân thanh toán vẫn đang thặng dư. Do đó, nếu các ngân hàng kiểm soát chặt vấn đề tỷ giá là có thể giảm thiểu tác động đến mức thấp nhất tới nền kinh tế.
Một điểm đáng lưu tâm là việc FED nâng lãi suất cho vay sẽ đẩy giá của đồng USD tăng cao. Điều này khiến nghĩa vụ trả nợ bằng USD của một số nước tăng lên, đặc biệt là với các nước có nhiều nợ công hoặc không có kế hoạch quản lý nợ tốt. Tuy nhiên, với Việt Nam, rủi ro này có thể không lớn như các nước khác. Đầu tiên là cơ cấu nợ nước ngoài của Việt Nam đã giảm xuống từ mức hơn 40% trong giai đoạn 2010 – 2019, xuống còn 38,8% hiện nay. Thứ hai là Việt Nam vay bằng nhiều ngoại tệ khác nhau và thời gian trả nợ dài (bình quân 1,35%/năm), theo Bộ Tài chính. Do đó, về mặt vĩ mô thì Việt Nam không cần quá quan tâm đến việc trả nợ bằng USD, nhưng với các doanh nghiệp có vay bằng đồng tiền này thì cần có các biện pháp quản lý rủi ro phù hợp.
Như vậy, có thể thấy việc FED tăng lãi suất cũng có ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam, nhưng không nhiều. Dù vậy, các cơ quan hoạch định chính sách không thể chủ quan mà cần có các chính sách tỷ giá và lãi suất linh hoạt để phù hợp với tình hình. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần theo dõi sát sao các biện pháp mà FED cũng như các ngân hàng lớn thế giới chuẩn bị đưa ra trong năm 2022. Có như vậy mới đảm bảo đà phục hồi kinh tế diễn ra suôn sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận