Fed tăng lãi suất tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định việc Fed tăng lãi suất vừa qua hoàn toàn đúng với dự báo và không tạo sức ép đáng kể lên lãi suất, tỷ giá.
Sáng 02/02/2023, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) quyết định nâng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 4.5%-4.75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Động thái này đánh dấu đợt nâng lãi suất chuẩn thứ 8 kể từ tháng 3/2022 trong một nỗ lực kìm hãm lạm phát vốn có lúc ở đỉnh 40 năm.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết “lạm phát đã hạ nhiệt phần nào, nhưng vẫn còn cao”. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đã có thông điệp rõ ràng rằng dù đà tăng lạm phát bắt đầu chậm lại, ngân hàng này vẫn chưa thể đảo ngược chính sách lãi suất hoặc tuyên bố cuộc chiến chống lạm phát đã kết thúc. Sẽ mất một thời gian để xu hướng giảm lạm phát lan rộng khắp nền kinh tế. Ông dự đoán rằng Fed sẽ thực hiện thêm một vài đợt tăng lãi suất nữa và không có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Đáng chú ý, các quan chức cho biết họ sẽ xác định “mức độ” tăng lãi suất trong tương lai dựa trên các yếu tố như tác động của các đợt nâng lãi suất cho đến nay, độ trễ của chính sách thắt chặt, và diễn biến của các điều kiện tài chính cũng như nền kinh tế.
Trong năm 2022 vừa qua, Fed đã 4 lần nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trước khi giảm xuống 50 điểm cơ bản trong tháng 12. Trong các tuyên bố công khai gần nhất, nhiều quan chức nghĩ rằng ít nhất, Fed có thể giảm bớt mức nâng lãi suất mà không báo hiệu chấm dứt nâng lãi suất.
Tác động không đáng kể đến tỷ giá, lạm phát…
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế - nhận định việc Fed tăng lãi suất lần thứ 8 vừa qua hoàn toàn đúng với dự báo của phía Việt Nam, đó là mức lãi suất đã thấp đi rất đáng kể và rõ ràng với mức lãi suất như thế tác động đến tỷ giá, cũng như sức ép của lạm phát không đáng kể.
Thêm nữa, “lạm phát trong năm nay cũng sẽ được kiềm giữ ở mức thấp dưới 4%. Vì thế, tôi cũng có đề nghị phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể giảm lãi suất điều hành về 0.25-0.5% để làm tín hiệu cho các ngân hàng có thể đẩy mạnh giảm lãi suất.
Tất nhiên, NHNN có thể có nhiều cách khác nhau, như ngay từ đầu năm Hiệp hội Ngân hàng yêu cầu các ngân hàng không tăng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay. Và nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay rồi. Với đà này, ngân hàng hoàn toàn có thể hạ lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Đối với lãi cho vay của các ngân hàng thương mại hoàn toàn có thể kích thích được yêu cầu sản xuất kinh doanh và đáp ứng được yêu cầu Chính phủ đề ra ”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói thêm.
Đương nhiên, Fed sẽ không loại trừ khả năng tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Từ nay đến cuối năm, Fed vẫn sẽ tiếp tục theo dõi lãi suất hạ đến đâu, như thế nào và xem xét có tiếp tục giảm nữa không. Nhưng về cơ bản, lạm phát của Mỹ cũng hạ rất nhanh và vì thế lãi suất nếu có nâng vẫn sẽ ở mức thấp, không đáng kể.
…nhưng khó khăn sẽ vẫn còn tiếp diễn
Trên thực tế, khi Fed tăng lãi suất, sẽ đẩy giá trị đồng USD tăng lên. Chỉ số USD-Index ngày 09/02 là 103.38 điểm so với mức 101.22 ngày đầu tháng 02. Và khi giá trị đồng USD tăng lên sẽ làm cho giá trị VND đi xuống, làm tăng tỷ giá VND/USD. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối.
Chỉ số USD-Index từ đầu năm đến nay
Thêm nữa, khi tỷ giá tiếp tục tăng, sẽ tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu, chính xác hơn là các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng khi phải mua hàng hóa với tỷ giá cao hơn. Còn với xuất khẩu, phần lớn lại dựa vào nhập khẩu, nếu VNĐ mất giá nhiều thì xuất khẩu cũng không hẳn được lợi.
Hồi tháng 12/2022, Hiệp hội ngân hàng đã nhận được sự thống nhất của các nhà băng, đồng thuận đưa mức lãi suất huy động tối đa là 9.5%/năm tại tất cả các kỳ hạn (bao gồm các khoản khuyến mại). Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, nếu tỷ giá tiếp tục tăng thì Việt Nam sẽ nhập khẩu lạm phát, khó kiểm soát được tình trạng lạm phát và có thể dẫn đến mất ổn định kinh tế vĩ mô.
Và từ đầu năm đến nay, trong nỗ lực kiềm chế lãi suất không tăng quá nhanh như những tháng cuối năm 2022. Nhiều ngân hàng bắt đầu hạ biểu lãi suất huy động từ sau Tết Nguyên đán, không còn xuất hiện mức lãi suất huy động chính thức trên 10% như trước nữa.
Lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1 và có dấu hiệu giảm nhiệt từ cuối tháng. Với áp lực hỗ trợ tỷ giá giảm bớt, BVSC cho rằng áp lực tăng lãi suất không còn trong năm 2023. Thay vào đó, chính sách tiền tệ năm nay nhiều khả năng sẽ chuyển sang hướng hỗ trợ cho tăng trưởng. BVSC kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trở lại trong năm 2023 này, với các dấu hiệu rõ nét hơn từ quý 2, khi Fed ngừng việc tăng lãi suất và lạm phát của Việt Nam hạ nhiệt.
CTCK VNDirect dự báo việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất và dự trữ ngoại hối của Việt Nam cải thiện sẽ chặn đà giảm giá của VNĐ, đồng thời có khả năng tỷ giá cuối năm 2023 sẽ giảm 1-2%.
Về phía nhà điều hành, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho rằng, để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4.5% mà Quốc hội đặt ra, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ; sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận