menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Yến

Fed sẽ thay đổi quan điểm về lạm phát mục tiêu

Ngoài việc hỗ trợ nền kinh tế Mỹ ứng phó với đại dịch coronavirus, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông cũng đã dành nhiều thời gian để hoàn thành bản đánh giá đầu tiên của mình về cách theo đuổi các mục tiêu việc làm tối đa và ổn định giá cả mà Quốc hội Mỹ đề ra. Kết quả sắp được Fed công bố, có lẽ sớm nhất là vào tháng 9.

Cởi mở hơn với lạm phát

“Nó sẽ phát tín hiệu rõ ràng cho thị trường rằng Fed không chỉ sẽ chấp nhận lạm phát tạm thời trên 2%, mà họ còn ủng hộ điều đó và sẽ cố gắng hướng tới mục tiêu đó”, Mickey Levy - Nhà kinh tế trưởng về Mỹ và châu Á tại Berenberg Capital Markets cho biết.

Một số nhà kinh tế khác cũng có dự đoán tương tự và cho biết thêm rằng, nhiều quan chức Fed đã theo đuổi chiến lược trên từ nhiều tháng trước. Các nhà đầu tư cũng nhìn thấy điều đó sẽ đến trong thời gian tới. Nó được thể hiện qua lãi suất hòa vốn 10 năm, một thước đo thị trường về lạm phát hàng năm dự kiến trong thập kỷ tới, đã phục hồi lên 1,66% từ mức thấp nhất là 0,47% vào tháng 3.

“Kỳ vọng lạm phát gia tăng là dấu hiệu cho thấy thị trường bắt đầu định giá trong sự thay đổi của Fed”, Bill Merz - Chiến lược gia danh mục đầu tư cấp cao và là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thu nhập cố định tại U.S. Bank Wealth Management ở Minneapolis cho biết.

Thông tin chi tiết về thời gian Fed hoàn tất việc đánh giá có thể được tiết lộ trong tuần này khi công bố biên bản cuộc họp chính sách diễn ra ngày 28 - 29/7 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang. Sự thay đổi trong cách kiểm soát lạm phát của Fed thoạt nghe có vẻ như khá ít, nhưng nó rất có ý nghĩa.

Fed lần đầu tiên tuyên bố mục tiêu lạm phát 2% vào năm 2012. Nhưng thước đo lạm phát ưa thích của Fed - Chỉ số giá tiêu dùng (PCE) liên tục chạy dưới mục tiêu này, trung bình chỉ là 1,4% kể từ khi mục tiêu được đưa ra.

Đó là một vấn đề khó chịu đối với các nhà làm ngân hàng trung ương. Lạm phát thấp kết hợp với tăng trưởng kinh tế thấp, dẫn tới lãi suất tại Mỹ vẫn ở mức thấp nhất trong lịch sử. Điều đó đã thu hẹp dư địa của Fed trong việc chống lại các cuộc suy thoái kinh tế trong tương lai. Hệ quả là các cuộc suy thoái nếu xảy ra có thể sâu hơn và kéo dài hơn, gây tốn kém nhiều việc làm hơn và phá hủy nhiều doanh nghiệp hơn.

Cuộc suy thoái do đại dịch coronavirus gây ra hiện nay là một ví dụ hoàn hảo. Lãi suất đồng USD đang ở mức rất thấp ngay trước khi cuộc khủng hoảng coronavirrus xảy ra với việc cận dưới trong khoảng lãi suất mục tiêu của Fed chỉ là 1,5% và Fed đã nhanh chóng cắt giảm nó xuống 0% chỉ sau hai lần cắt giảm khẩn cấp vào tháng 3. Thế nhưng chừng đó là chưa đủ để ứng phó với cuộc suy thoái được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930. Điều đó đã buộc Fed phải một lần nữa triển khai chương trình mua trái phiếu với quy mô lớn để ổn định thị trường và kéo chi phí vay mượn thực tế xuống.

Không nhiều thay đổi

Vì lẽ đó ngay từ đầu năm 2020, tức trước khi đại dịch Covid-19 tấn công Mỹ, nhiều quan chức Fed đã bày tỏ quan điểm: Sẽ là tốt hơn khi mà lạm phát đôi khi được đẩy lên quá mức mục tiêu một chút để theo thời gian, nó xấp xỉ trung bình là 2%.

Trước đó các quan chức Fed cũng đã suy nghĩ một loạt các giải pháp táo bạo hơn, từ việc nâng mục tiêu lạm phát đến từ bỏ nó để hướng vào mục tiêu GDP danh nghĩa, nhưng cuối cùng những giải pháp này đều bị từ chối. Fed cũng cho rằng lãi suất âm là một lựa chọn tồi đối với nền kinh tế Mỹ. Họ cũng không mặn mà với ý tưởng giới hạn lợi suất một số chứng khoán Kho bạc - được gọi là kiểm soát đường cong lợi suất - mặc dù họ không hoàn toàn loại trừ ý tưởng này.

Cuối cùng, họ thấy các công cụ hiện tại của họ - mua trái phiếu và truyền thông về lộ trình lãi suất trong tương lai - vẫn là những lựa chọn tốt nhất. Dựa trên những điều đó, họ sẽ bổ sung thêm một vấn đề quan trọng là lạm phát trung bình phải gần 2% theo thời gian.

Tuy nhiên, sự thay đổi cũng chỉ đến vậy mà thôi. Các nhà kinh tế cho biết, khi Fed nêu rõ cách nắm bắt lạm phát trung bình mới của mình, các quan chức có thể sẽ không áp dụng nó theo kiểu giống như quy tắc và thậm chí có thể không đề cập đến từ “trung bình”. “Họ sẽ sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt khái niệm rằng Fed có toàn quyền quyết định”, Levy của Berenberg cho biết.

Trên thực tế, ngay từ khi bắt đầu cuộc đánh giá, Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida đã hứa “tiến hóa chứ không phải cách mạng” và đó dường như là điều mà Fed sẽ sớm thực hiện. Nhưng câu hỏi đặt ra cho Fed khi kết thúc đánh giá này là: Liệu chừng đó có đủ tạo dư địa để Fed có thể ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai hay không?

Như Peter Hooper - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Deutsche Bank đã nói: “Chúng ta đã thực sự tăng dự trữ đạn dược và vũ khí mà người ta có thể sử dụng để đối phó với vấn đề này chưa?”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả