Fed sẵn sàng điều chỉnh chính sách và những lưu ý với châu Á
Theo báo cáo của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC, trong bối cảnh Fed chuẩn bị điều chỉnh chính sách, áp lực mà các ngân hàng trung ương châu Á phải đối mặt để theo kịp và thúc đẩy điều chỉnh lãi suất điều hành nhanh hơn. Tuy nhiên với “tâm thế khá thoải
Khi Fed hành động chắc chắn sẽ gây ra những “nhiễu động”
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell mới đây đã phát đi tín hiệu sẵn sàng hành động. Trong bối cảnh thị trường lao động tiếp tục phục hồi và giá cả đã leo thang với tốc độ nhanh chóng, Fed dường như đã sẵn sàng điều chỉnh tốc độ mua tài sản và nâng lãi suất điều hành trong ít tháng nữa.
Ông Ryan Wang, nhà kinh tế học Mỹ của HSBC, mới đây đã điều chỉnh nhận định cho rằng Fed sẽ chấm dứt chương trình mua tài sản sớm hơn dự kiến, theo đó thời điểm kết thúc có thể sẽ rơi vào khoảng tháng 3/2022 và sẽ có bốn lần điều chỉnh lãi suất điều hành tính đến cuối năm 2023, với kỳ vọng lần đầu tiên sẽ rơi vào tháng 6/2022.
Khi Fed hành động, chắc chắn sẽ để lại những “nhiễu động” nhất định. Trước đây, mỗi lần Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, tình hình tài chính của các thị trường mới nổi đều bị ảnh hưởng khiến các nước phải đưa ra những đợt điều chỉnh tăng lãi suất cần thiết để duy trì bình ổn.
Và thậm chí ở những thị trường (chủ yếu ở các nước đã phát triển) vốn không chịu nhiều tác động tài chính trực tiếp lớn, một động thái của Fed cũng thường biểu thị tín hiệu khởi động một chu kỳ mới trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển theo hướng phụ thuộc lẫn nhau trong những năm qua.
Và lần này cũng vậy, động thái của Fed chắc chắn sẽ kéo theo nhiều ảnh hưởng lên các quốc gia khác. Tuy nhiên, tác động đối với khu vực châu Á dường như sẽ khá nhẹ nhàng vì những lý do hợp lý: Áp lực lạm phát không lớn tại hầu hết các nước trong khu vực so với Mỹ và không có khả năng trở nên nặng nề trong tương lai gần.
Thêm nữa, trong chu kỳ lần này, quá trình phục hồi kinh tế ở Mỹ ngày càng bớt liên quan đến hoạt động nhập khẩu vì mở cửa lại nền kinh tế thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ hơn là hàng hóa, điều đó khiến động lực tăng trưởng truyền thống truyền từ Tây sang Đông bị yếu đi. Ngoài ra, cán cân thanh toán quốc tế vững mạnh giúp các ngân hàng trung ương châu Á thoải mái “bỏ xa” Fed.
Mặc dù vậy, một vài nơi vẫn cần sự điều chỉnh. Ở Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Malaysia và Philippnes, báo cáo của Khối Nghiên cứu Toàn cầu HSBC dự báo sẽ có điều chỉnh tăng thêm lãi suất ở mức 25-50 điểm cơ bản xuyên suốt năm 2023 so với trước đây.
Ở Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam cũng điều chỉnh dự báo thời điểm điều chỉnh lãi suất chính sách sớm lên một hoặc hai quý, mặc dù không thay đổi mức độ thắt chặt cho tới cuối 2023.
Riêng tại Indonesia, quốc gia này được dự báo giảm bớt một lần điều chỉnh tăng lãi suất do lạm phát đã giảm đáng kể. Trong khi đó ở Trung Quốc và Nhật Bản, lãi suất điều hành trong năm 2023 nhiều khả năng không có thay đổi hay bị tác động bởi Fed, thậm chí nhiều khả năng sẽ áp dụng các biện pháp nới lỏng mục tiêu, nhất là tại Trung Quốc.
Nhưng không vội “chạy theo” chính sách thắt chặt của Fed
Trở lại câu chuyện giá cả, trước khi đi vào chi tiết các động thái của ngân hàng trung ương châu Á trước chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed, cần đánh giá tình hình lạm phát tại khu vực. Tại nhiều quốc gia châu Á, giá tiêu dùng chưa tăng nhanh như ở các nước khác trên thế giới.
Nói như vậy không có nghĩa tình hình không có gì đáng lo ngại. Ví dụ, giá nhiên liệu thế giới tăng cũng đã tạo ra những ồn ào nhất định trong mấy tháng vừa qua. Giá lương thực thế giới leo thang cũng làm dấy lên mối quan ngại, mặc dù trên thực tế, chỉ số CPI lương thực trong nước tại khu vực châu Á không chịu nhiều ảnh hưởng từ giá lương thực thế giới, nguyên nhân chính chủ yếu do gián đoạn trong nước.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần lưu tâm đến mức độ gia tăng của chỉ số lạm phát toàn phần. Mặc dù có tăng, chỉ số này hiếm khi cao trở lại như thời điểm cuối năm 2019, trong rất nhiều năm, nếu không muốn nói là trong nhiều thập kỷ, hầu như không thấy chỉ số này lập đỉnh kỷ lục ở bất cứ đâu. Điều quan trọng là lạm phát cơ bản hầu như không nhúc nhích, chỉ tăng nhẹ dần đều, gần bằng mức thấp nhất kể từ đầu những năm 2000.
Mặc dù trong một số trường hợp nhất định, lạm phát đã gần đạt hoặc vượt mục tiêu chính thức (hoặc dự báo chính thức trong trường hợp các nước không đặt ra mục tiêu này) ở một vài quốc gia trong khu vực (như Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines,…) nhưng nhìn chung, khó để đưa ra nhận định rằng châu Á đang phải đối mặt với áp lực giá nặng nề và tồi tệ giống các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.
Kiểm soát lạm phát đã phần nào giảm bớt áp lực phải chạy theo Fed cho các ngân hàng trung ương trong khu vực. Hơn nữa, nhìn lại quá khứ với các động thái ứng phó trước các quyết định của Fed trước đây, tính bình quân sau khi Fed tăng lãi suất được 4,8 tháng thì các thị trường mới nổi châu Á mới điều chỉnh lãi suất và nhìn chung, biên độ điều chỉnh lãi suất điều hành ở khu vực châu Á có xu hướng thấp hơn Fed.
Như vậy, việc lạm phát đang được kiểm soát tương đối tốt trong thời điểm hiện tại và thái độ khoan thai, bình tĩnh trước động thái tăng lãi suất của Fed trong quá khứ cho thấy nhiều khả năng các ngân hàng trung ương châu Á sẽ không vội chạy theo chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed.
Thêm nữa, ở các nước có vị thế tương đối mạnh trong thanh toán quốc tế cũng có thể linh hoạt hơn trong việc chậm đưa ra động thái ứng phó với chính sách thắt chặt của Mỹ. Đây chính là “tấm đệm an toàn” cho các nước. Có thể xem xét điều này theo hai cách. Thứ nhất, tài khoản vãng lai vốn được coi là “lá chắn phòng thủ” đầu tiên trong trường hợp xảy ra biến động trên thị trường tài chính thế giới.
Hiện chỉ số này được duy trì trong khu vực và được đánh giá là tốt hơn so với các chu kỳ thắt chặt trước đây của Fed. Hầu hết các nền kinh tế đều được dự báo sẽ có thặng dư (đáng kể) trong vòng hai năm tới. Riêng Ấn Độ và Indonesia là hai ngoại lệ nhưng thâm hụt của họ đều trong khả năng quản lý và thấp hơn so với chu kỳ trước. Riêng Sri Lanka lại ở tình thế khá khó khăn.
Cách thứ hai để xem xét “tấm đệm an toàn” là đặt dưới góc độ “lãi suất điều hành thực tế”. Cụ thể, điều quan trọng nhất ở đây là chênh lệch lãi suất điều hành thực tế trong nước với Mỹ: mức chênh lệch dương đáng kể sẽ giúp giữ chân hoặc thu hút thêm nhiều dòng vốn, vì thế ngân hàng trung ương không cần thắt chặt để tự bảo vệ. Dữ liêu cho thấy phần lớn các nước trong khu vực đều có mức chênh lệch dương dù không đồng đều.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận