FED phát tín hiệu trì hoãn cắt giảm lãi suất, thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng ra sao?
Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ mạnh tay cắt giảm lãi suất trong năm nay đã thúc đẩy thị trường chứng khoán liên tục lập kỷ lục. Nhưng đến hiện tại, khả năng cắt giảm lãi suất đang mờ nhạt dần, khiến các nhà đầu tư tăng cường cảnh giác.
Chỉ số S&P 500 đã tăng 6,1% trong năm nay và lập kỷ lục cao nhất mọi thời đại vào ngày 28/3. Cổ phiếu đã tăng cao dần kể từ khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh 5% vào cuối tháng 10. Điều đó cũng thúc đẩy các tài sản khác tăng giá, từ vàng đến trái phiếu.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư bắt đầu lo lắng rằng tương lai phía trước sẽ không thuận lợi như những gì họ đã trải qua gần đây. Báo cáo lạm phát tháng 3 nóng hơn dự kiến đã đặt ra câu hỏi liệu FED có thể thực hiện cắt giảm lãi suất trong năm nay hay không. Đầu năm, Phố Wall đã dự đoán 6 đợt, thậm chí 7 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Nhưng giờ đây, các nhà đầu tư còn không rõ FED có hạ lãi suất hay không.
Một khi lãi suất cao được duy trì trong thời gian dài hơn, đây sẽ là những lĩnh vực của thị trường chứng khoán dễ bị ảnh hưởng:
Cổ phiếu vốn hoá nhỏ
Chỉ số S&P 600 tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã giảm 2,9% sau báo cáo lạm phát tháng 3, mức giảm phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 2. Phần lớn doanh thu của các công ty vốn hoá nhỏ là từ trong nước và họ đặc biệt nhạy cảm với quỹ đạo của nền kinh tế.
Ngoài ra, các công ty này thường dành phần lớn lợi nhuận hoạt động để trang trải lãi vay. Theo Dow Jones Market Data, tỷ lệ lợi nhuận hoạt động trên chi phí lãi vay trong S&P 600 là 2,3 lần tính đến tháng 3.
Họ thường vay với lãi suất thả nổi nhiều hơn các công ty lớn. Vì vậy, các khoản nợ của họ dao động theo lãi suất chuẩn. Khi lãi suất tăng, chi phí lãi vay sẽ cao hơn, làm giảm lợi nhuận và khiến họ gặp nhiều nguy cơ vỡ nợ.
Big Tech
Cổ phiếu công nghệ đã dẫn đầu đà tăng của thị trường kể từ đầu năm 2023, nhờ sự hưng phấn của nhà đầu tư đối với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Các công ty lớn với bảng cân đối kế toán mạnh và dồi dào tiền mặt sẽ được bảo vệ trước tác động của lãi suất cao. Nhưng một số nhà đầu tư lo lắng chính sự phổ biến của họ có thể chống lại họ khi tâm lý nhà đầu tư trở nên u ám.
Cổ phiếu theo chu kỳ
Các cổ phiếu theo chu kỳ, chẳng hạn như tiện ích, hàng tiêu dùng thiết yếu và công nghiệp, sẽ mất sức hấp dẫn khi lãi suất cao hơn. Đặc biệt, chúng thường được coi là cổ phiếu trả cổ tức.
Lĩnh vực tiện ích của S&P 500 tự hào có tỷ suất cổ tức là 3,4%, hàng tiêu dùng thiết yếu trả khoảng 2,5% và ngành công nghiệp có tỷ suất cổ tức 1,4%. Ngoài ra, cổ phiếu không mang lại đủ lợi nhuận đề bù đắp cho hoạt động kinh doanh chậm lại vì lãi suất cao.
Ngân hàng
Lãi suất cao thúc đẩy người gửi chuyển tiền vào trái phiếu và các quỹ thị trường tiền tệ, làm giảm tiền gửi tại ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng phải trả lãi nhiều hơn cho những người gửi tiền lãi suất cao, đặc biệt ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng vừa và nhỏ.
Tỷ lệ nợ quá hạn cũng có thể tăng cao hơn nếu lãi suất vẫn ở mức cao. Điều này có thể làm tăng lỗ khoản cho vay đối với các ngân hàng.
Lãi suất cao hơn cũng đẩy lãi suất thế chấp tăng. Điều đó khiến nhiều người có ý định mua nhà phải trì hoãn kế hoạch, dẫn đến hoạt động thế chấp tại các ngân hàng lớn giảm mạnh. Lĩnh vực bất động sản của S&P 500 giảm 8,8% trong năm nay, là lĩnh vực có thành quả tệ nhất trong 11 phân khúc và là nhóm duy nhất chìm trong sắc đỏ.
Năng lượng
Cổ phiếu của các công ty dầu khí đang tăng giá trở lại sau khi nằm trong số những công ty hoạt động tốt nhất vào năm 2022. Giá dầu tăng thúc đẩy doanh thu cho các nhà cung cấp dầu khí, trong khi các công ty lớn trong lĩnh vực này giao dịch với giá chiết khấu so với thị trường chung. Lĩnh vực năng lượng thuộc S&P 500 đã tăng khoảng 5% trong tháng qua, đánh bại mọi lĩnh vực khác của chỉ số chung.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận