FED phát tín hiệu dấu chấm hết cho kỷ nguyên tiền rẻ
Tuần này, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự báo lãi suất sẽ cao hơn cho đến năm 2026. Đây là dấu hiệu cho thấy chi phí đi vay sẽ khó quay trở lại mức trước đại dịch.
Thời kì tiền rẻ có thể sớm kết thúc
Thời đại lãi suất thấp có thể đã kết thúc. Các nhà hoạch định chính sách phát đi tín hiệu cho thấy không mong đợi chi phí lãi vay thấp sớm quay trở lại.
FED quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong hai thập kỷ và để ngỏ khả năng tăng lãi suất một lần nữa trước cuối năm nay. Tuy nhiên, vẫn còn một yếu tố quan trọng ẩn sâu dưới các dự báo kinh tế mới được công bố.
Các quan chức FED không kỳ vọng lãi suất sẽ siết chặt quá mức trong năm nay, nhưng từ 2024 trở đi, mọi thứ sẽ đổi khác. Các chuyên gia dự báo lãi suất ngắn hạn sẽ duy trì ở mức trên 5% trong năm tới. Con số này đến cuối năm 2025 sẽ ở mức gần 4%, đây là mức gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2019.
Vào năm 2026, FED hy vọng lạm phát sẽ được dập tắt hoàn toàn và tăng trưởng kinh tế sẽ ổn định trở lại xu hướng dài hạn - lãi suất vẫn sẽ được kỳ vọng ở mức cao hơn trước khi COVID-19 xuất hiện.
Nói cách khác, lãi suất cao hơn có thể sẽ tồn tại trong nhiều năm.
Kết luận đó một phần xuất phát từ một quan sát đơn giản: FED đã tăng lãi suất một cách mạnh mẽ trong một năm rưỡi qua, độ trễ tác động của chính sách là quá dài.
GS Gabriel Chodorow-Reich (ĐH Harvard) bình luận: “Họ rất ngạc nhiên về mức độ phát triển của kinh tế Mỹ trong năm nay. Sức mạnh kinh tế vẫn được duy trì, cho thấy lãi suất có thể cần phải cao hơn để tạo áp lực lên tăng trưởng. Chính sách của FED không quá chặt chẽ như chúng tôi nghĩ”.
Hệ quả kéo theo
Chính sách tiền tệ và lãi suất của FED ảnh hưởng đến phần còn lại của nền kinh tế, khiến việc vay tiền để mua ôtô, nhà hoặc mở rộng kinh doanh trở nên đắt đỏ hơn. Ví dụ, lãi suất thế chấp hiện ở mức trên 7%, tăng mạnh từ mức thấp khoảng 2,7% trước khi FED bắt đầu chiến dịch chống lạm phát.
Lãi suất cao cũng có thể là vấn đề cho những người đi vay có những khoản nợ lớn. Đây là một vấn đề mà cả các công ty bất động sản thương mại và chính phủ Hoa Kỳ đang phải đối mặt.
Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn khá ảm đạm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,6%. Lãi suất duy trì ở mức cao càng lâu, càng làm xói mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Nhưng đối với nền kinh tế nói chung, lãi suất cao hơn có thể mang lại một số thay đổi tích cực.
Các công cụ quản lý nền kinh tế của FED không hoạt động hiệu quả trong thời kỳ lãi suất thấp. Các quan chức đã nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đủ mạnh trong những năm sau suy thoái 2007-2009, vì ngay cả lãi suất gần bằng 0 cũng không thể thu hút huy động vốn và kích cầu. Quá trình phục hồi với tốc độ chậm chạp trong nhiều năm. Lãi suất tăng có thể giúp kích thích tăng trưởng dễ dàng hơn trong thời điểm kinh tế khó khăn. Ngoài ra, lãi suất cao hơn cũng có thể là tin tốt cho những người đã cố gắng tiết kiệm.
Tất nhiên, giới phân tích dự đoán lãi suất của FED có thể không thành hiện thực.
Các dự báo kinh tế của FED từng bị chỉ trích không đáng tin cậy, đặc biệt trong dài hạn. Nếu quá trình phục hồi kinh tế bị đình trệ trong những tháng tới và tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng vọt, các nhà hoạch định chính sách có thể buộc phải cắt giảm lãi suất nhiều hơn dự kiến.
Khi được hỏi tại sao các quan chức FED kỳ vọng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn cho đến năm 2026, Chủ tịch Powell lý giải do kinh tế Mỹ tăng mạnh mẽ gần đây. Tuy nhiên, vị lãnh đạo chưa đưa ra kết luận về thời gian duy trì lãi suất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận