Fed mở rộng hoán đổi USD với các ngân hàng trung ương nước ngoài
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thiết lập các dòng hoán đổi đồng USD tạm thời với 9 ngân hàng trung ương nữa, mở rộng chương trình đã được triển khai trong thời kỳ khủng hoảng tài chính để chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch coronavirus gây ra
Fed cho biết các giao dịch hoán đổi, trong đó Fed chấp nhận các loại tiền tệ khác để đổi lấy đồng đôla Mỹ, sẽ kéo dài trong ít nhất là 6 tháng tới, cho phép các ngân hàng trung ương của Úc, Brazil, Hàn Quốc, Mexico, Singapore, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và New Zealand khai thác tổng cộng 450 tỷ USD để đảm bảo hệ thống tài chính phụ thuộc vào đồng USD trên thế giới tiếp tục hoạt động. Trong đó hạn mức cho mỗi ngân hàng trung ương Đan Mạch, Na Uy và New Zealand là 30 tỷ USD; 6 ngân hàng trung ương còn lại có hạn mức 60 tỷ USD.
Các quốc gia này đã được tham gia hoán đổi trong cuộc khủng hoảng 2007 đến 2009 và Fed có các thỏa thuận hoán đổi vĩnh viễn với các ngân hàng trung ương của Canada, Anh, Nhật Bản, châu Âu và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ.
Việc mở rộng các thoả thuận hoán đổi đôla cho phép các ngân hàng trung ương nước ngoài đáp ứng nhu cầu của các công ty và tổ chức tài chính đang đổ xô vào đồng đôla khi hệ thống thanh toán toàn cầu đang bị căng thẳng nghiêm trọng do coronavirus. Đây là bước mới nhất trong một loạt các bước khẩn cấp mà Fed đã thực hiện kể từ Chủ nhật để cố gắng hạn chế những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu.
Hiện nhu cầu đồng USD đang tăng cao tại các thị trường bên ngoài biên giới Hoa Kỳ, trong khi nguồn cung lại khan hiếm. Điều đó đã khiến chi phí tài trợ bằng đồng đôla tăng vọt và dẫn đến sự tăng giá kỷ lục của đồng bạc xanh so với các loại tiền tệ khác. Chỉ số USD đã tăng hơn 7% trong 8 phiên và đã vượt qua ngưỡng 100 điểm từ giữa tuần trước, một diễn biến chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1990.
“Các dòng hoán đổi mới giống như những dòng đã được thiết lập giữa Fed và các ngân hàng trung ương khác, được thiết kế để giúp giảm bớt các căng thẳng trên thị trường tài trợ bằng đôla Mỹ toàn cầu, do đó giảm thiểu tác động của sự căng thẳng trong việc cung cấp tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, cả trong nước và ở nước ngoài”, Fed nói trong một tuyên bố.
Các nhà kinh tế dự đoán, dịch bệnh sẽ tác động mạnh đến sản lượng kinh tế thế giới trong những tuần tới và phần lớn nỗ lực của Fed là duy trì tín dụng để các hộ gia đình và các công ty, từ đó ngăn chặn sự phá sản hoặc vỡ nợ hàng loạt. Điều đó cũng đúng với thị trường nước ngoài, vì đồng đôla Mỹ đóng vai trò như đồng tiền dự trữ thế giới, liên quan đến gần 90% các giao dịch ngoại hối năm ngoái, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.
Nhiều công ty và tổ chức nước ngoài cũng vay bằng đôla, và các nhà kinh tế lo ngại rằng việc dừng đột ngột dòng tiền vào các nền kinh tế nước ngoài có thể khiến họ không thể tái cơ cấu nợ hoặc nhận khoản vay mới. Tín dụng bằng đôla Mỹ cho những người vay không phải là ngân hàng bên ngoài nước Mỹ đã tăng 4% so với cùng kỳ vào cuối tháng 6/2019 để đạt 11,9 nghìn tỷ USD, theo BIS.
Tuy nhiên việc làm này đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi cho một số người trong Quốc hội Mỹ. Fed đã phải liên tục bảo vệ hành động này và giải thích cho các nhà lập pháp rằng người nộp thuế ở Mỹ không cho các quốc gia nước ngoài vay tiền và do đây là những giao dịch hoán đổi chứ không phải là các khoản vay nên không có rủi ro vỡ nợ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận