24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Fed không tiếp tục hạ lãi suất, cảnh báo thị trường chứng khoán sẽ có biến động

Các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể đang cảm thấy nhẹ nhõm khi chi phí vay giảm, nhưng họ không nên quá thoải mái, vì lãi suất và lạm phát vẫn sẽ duy trì ở mức cao.

Thậm chí, thực tế này có thể khiến thị trường chứng khoán có nguy cơ phải đối mặt với một đợt giảm giá đáng kể trong năm tới, theo Bill Blain, chiến lược gia kỳ cựu của Phố Wall.

Theo Business Insider, Blain đã dự báo 12 tháng đầy biến động cho thị trường chứng khoán. Ông cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa sẵn sàng hạ lãi suất như mức mà thị trường kỳ vọng và chi phí vay có khả năng còn tăng.

Điều này có thể khiến các hoạt động vay mượn trở nên khó khăn hơn. Khi chi phí vay tăng, các doanh nghiệp và cá nhân sẽ ít vay tiền hơn để đầu tư hoặc mở rộng kinh doanh, làm chậm lại hoạt động tài chính và các giao dịch. Hậu quả là khiến giá cổ phiếu Mỹ và toàn cầu giảm từ 7%-12%, Blain chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Business Insider.

“Tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng mà chúng ta phải đối mặt là điều gì sẽ xảy ra khi lãi suất bắt đầu tăng và các Chính phủ không còn khả năng thúc đẩy kinh tế trong môi trường lãi suất tăng vì họ đã mất đi sự ủng hộ từ thị trường”, Blain nhận định.

Ông cho rằng, nếu xảy ra khủng hoảng tín dụng, Chính phủ Mỹ có thể sẽ khó lòng đưa ra các gói kích thích kinh tế lớn như trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Lý do chính là hiện nay, mức nợ của Mỹ đã ở mức rất cao, và việc tung thêm các gói cứu trợ có thể làm tăng nợ công thêm nữa.

Vị chuyên gia nhấn mạnh lạm phát sẽ quay trở lại trên phạm vi toàn cầu, buộc lãi suất phải tăng lên để kiềm chế mức tăng của giá cả.

Dự báo của Blain có thể mâu thuẫn với các nhà đầu tư đã kỳ vọng các đợt giảm lãi suất mạnh tay từ Fed. Blain cho rằng nền kinh tế Mỹ đang phải chịu nhiều áp lực lạm phát trong trung hạn, khiến cho việc hạ lãi suất hoặc điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ trở nên khó khăn.

Một trong những yếu tố chính là nợ công đã tăng lên mức lịch sử, lên tới 35 nghìn tỷ USD. Các nhà kinh tế cho rằng khi Chính phủ vay nợ quá nhanh và quá nhiều, nguồn tiền lưu thông trong nền kinh tế tăng lên, từ đó có thể thúc đẩy giá cả và lạm phát.

Trong khi đó, các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn còn, căng thẳng địa chính trị cũng gia tăng, thương mại toàn cầu có khả năng phân mảnh hơn, những điều này cũng làm tăng áp lực lạm phát.

Ngoài ra, nguy cơ áp thuế cao từ cựu Tổng thống Donald Trump (nếu ông đắc cử) sẽ tạo ra gánh nặng thuế lên hầu hết các hàng nhập khẩu vào Mỹ, điều mà các nhà kinh tế cho rằng cuối cùng sẽ đẩy chi phí đến người tiêu dùng.

“Tôi nghĩ rằng lạm phát sẽ ăn sâu hơn, như những gì xảy ra vào những năm 1970 và đầu những năm 1980”, vị chuyên gia nhận định. Và đó sẽ là một nền kinh tế rất khác với nhiều thách thức mới, khiến chúng ta buộc phải thích ứng.

Một số chuyên gia khác cũng cảnh báo lạm phát có thể dai dẳng hơn thị trường dự đoán. Cụ thể, lạm phát lõi khó có thể quay trở lại mục tiêu 2% của Fed, các nhà chiến lược của BlackRock cho biết trong một báo cáo gần đây, khi họ chỉ ra thâm hụt ngân sách lớn của Mỹ và các yếu tố "siêu lực" khác sẽ đẩy giá lên cao hơn.

Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư chờ đợi lãi suất gần bằng 0 sẽ phải đối mặt với sự thật phũ phàng. Blain dự báo lãi suất sẽ duy trì trong khoảng 4,5%-6%, khiến các khoản thanh toán lãi của cá nhân và doanh nghiệp tăng vọt so với trước đại dịch Covid-19.

Blain cũng bày tỏ các công ty sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu xảy ra khủng hoảng tín dụng. Mặc dù ông không dự đoán một cuộc khủng hoảng lớn hay sự sụp đổ của thị trường, nhưng ông cho rằng hoạt động giao dịch trong lĩnh vực vốn tư nhân sẽ chậm lại. Đồng thời, ông cảnh báo những công ty đang gặp khó khăn về tài chính sẽ có nguy cơ cao hơn về khả năng mất khả năng thanh toán.

Trong khi đó, giá cổ phiếu sẽ giảm xuống mức hợp lý hơn khi bong bóng đầu cơ trên thị trường vỡ. “Tôi nghĩ rằng vẫn còn dư chấn lớn từ thời kỳ 2010-2022, khi lãi suất cực thấp và nhiều biện pháp kích thích kinh tế được áp dụng - khiến giá cổ phiếu vẫn đang được định giá cho các mức lãi suất thấp hơn”, ông nhận định.

Ông không thấy lý do nào để kỳ vọng vào những đợt giảm lãi suất lớn trong tương lai, điều này có thể làm giảm giá cổ phiếu một cách mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại của Blain, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng ngắn hạn của thị trường chứng khoán và kỳ vọng vào việc lãi suất sẽ giảm.

Theo dữ liệu từ công cụ CME FedWatch, thị trường hiện dự đoán có 95% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tháng 11 (tuần này) và có 72% khả năng lãi suất sẽ giảm 50 điểm cơ bản vào cuối năm.

Theo Business Insider

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả