FED khẳng định vai trò của các gói chi tiêu trong việc hỗ trợ nền kinh tế Mỹ
Phát biểu tại Viện Brookings ngày 1/9, bà Brainard thành viên FED nhận định nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến đại dịch COVID-19
Chi tiêu của Chính phủ Mỹ sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc giúp người dân Mỹ chống chọi với tình trạng suy thoái do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Đây là nhận định của bà Lael Brainard, thành viên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Phát biểu tại Viện Brookings ngày 1/9, bà Brainard nhận định nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến đại dịch COVID-19 và việc đóng cửa các doanh nghiệp sẽ có nguy cơ kéo dài.
Trong bối cảnh đó, sự hỗ trợ tài chính sẽ đóng vai trò quan trọng việc đảm bảo đời sống cho người dân và hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như có ý nghĩa then chốt đối với triển vọng kinh tế. Theo bà, các rủi ro liên quan đến dịch bệnh càng kéo dài, thì nguy cơ đóng cửa doanh nghiệp và mất việc làm trong một số lĩnh vực càng cao.
Tuần trước, FED đã thông báo thay đổi chính sách và sẽ để lạm phát gia tăng nhằm cho phép nền kinh tế tạo ra nhiều việc làm hơn để mang lại lợi ích cho tất cả người lao động, đặc biệt là những gia đình có mức thu nhập thấp. Bà Brainard cho rằng chính sách mới sẽ giúp tăng cường sự hỗ trợ của FED trong nỗ lực phục hồi kinh tế.
Chính sách này đặc biệt quan trọng với những người lao động gốc Phi và gốc Tây Ban Nha - là những đối tượng bị sa thải đầu tiên khi kinh tế suy thoái và tuyển dụng sau cùng khi kinh tế phục hồi.
Trong nhiều tuần qua, các cuộc thảo luận về gói cứu trợ COVID-19 tiếp theo giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đã rơi vào bế tắc. Do chưa đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ mới, Tổng thống Donald Trump đã ký các sắc lệnh hành chính, trong đó có sắc lệnh sẽ cấp tới 400 USD trợ cấp bổ sung cho những lao động mất việc.
Tuy nhiên, chỉ có ít bang ở Mỹ thực hiện sắc lệnh này đến nay. Ngày 1/9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết các nhà đàm phán của hai đảng tại Hạ viện đã đạt được thỏa thuận về tăng cường viện trợ cho Chương trình Bảo vệ tiền lương và dịch vụ bưu chính Mỹ. Hiện chưa rõ số tiền cụ thể cho các chương trình này là bao nhiêu.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Gallup thực hiện và công bố ngày 1/9 cho thấy phần lớn người Mỹ ủng hộ các khoản cứu trợ.
Cụ thể, cứ 10 người Mỹ được hỏi thì có 7 người cho biết họ sẽ ủng hộ việc chính phủ gửi khoản hỗ trợ tài chính thứ hai cho tất cả những người trưởng thành đủ tiêu chuẩn nhận hỗ trợ. Cuộc thăm dò cho thấy 82% số thành viên đảng đảng Dân chủ được khảo sát ủng hộ việc này, cao hơn tỷ lệ 64% thành viên đảng Cộng hòa và 66% cử tri độc lập có cùng quan điểm.
Gallup cũng đã khảo sát người Mỹ về các mức thanh toán trực tiếp tối đa khác nhau mà họ cho rằng chính phủ nên phê duyệt như một phần của gói cứu trợ COVID-19 tiếp theo.
Phần lớn những người được hỏi (66%) cho biết mức chi trả tối đa nên từ 900 USD trở lên. Quan điểm về mức hỗ trợ này nhận được sự ủng hộ của 68% đảng viên Dân chủ, 60% đảng viên Cộng hòa và 65% đảng viên độc lập.
Cùng ngày, theo Viện Quản lý cung ứng Mỹ (ISM), hoạt động sản xuất của nước này đã tiếp tục tăng trưởng trong tháng 8.
Cụ thể, chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) là 56%, tăng 1,8% trong tháng 7, đây là mức cao nhất kể cuối năm 2018 và là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số này tăng điểm. Chỉ số trên 50 đồng nghĩa với việc lĩnh vực sản xuất đang tăng trưởng.
Cũng theo thống kê, chỉ số sản xuất trong tháng 8 là 63,3%, trong khi chỉ số đơn hàng mới là 67,6%, mức cao nhất trong 17 năm. Giá cả tăng 6,3 điểm lên 59,5%, trong khi các đơn hàng xuất khẩu mới tăng lên 53,3%. Tỷ lệ việc làm tăng 2,1 điểm so với tháng 7 lên 46,4%.
Chủ tịch Timothy Fiore của ISM nhận định dù các chỉ số đều cải thiện so với tháng 7, song chúng mới chỉ phục hồi từ mức thấp nhất trong lịch sử. Tháng 8 vừa qua là giai đoạn đầu tiên mà chuỗi nguồn cung được nối lại và người lao động quay lại làm việc trong cả tháng, dù nhiều công ty vẫn áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng dịch.
Ông Fiore cảnh báo các lĩnh vực quan trọng như thiết bị hàng không vũ trụ, dầu mỏ và khí đốt, vật tư văn phòng -vốn đóng góp tới 20% tổng sản lượng sản xuất của Mỹ- sẽ đối mặt với tình trạng suy giảm nhu cầu cho đến cuối năm nay.
Tháng 4 vừa qua, hoạt động sản xuất tại Mỹ đã lần đầu tiên suy giảm sau 131 tháng duy trì đà tăng liên tiếp. Chuyên gia Rubeela Farooqi của High Frequency Economics nhận định dù lĩnh vực sản xuất đang phục hồi, song sản lượng vẫn còn thấp so với trước khi dịch bệnh bùng phát. Viễn cảnh kinh tế sẽ còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh lẫn sự phục hồi của nhu cầu trên toàn cầu./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận