Fed giữ nguyên chính sách tiền tệ, đánh giá tích cực hơn về nền kinh tế
Fed giữ nguyên chính sách tiền tệ, đồng thời đưa ra cái nhìn tích cực hơn về tăng trưởng và việc làm trong thời gian gần đây.
Sau cuộc họp chính sách kết thúc vào ngày 28/04, các quan chức Fed nhất trí giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0%, đồng thời tiếp tục mua ít nhất 120 tỷ USD/tháng trái phiếu Chính phủ Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp (MBS).
“Giữa những tiến triển về quá trình tiêm chủng và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách, các chỉ báo về hoạt động kinh tế và việc làm cho thấy tín hiệu cải thiện”, Fed cho biết trong tuyên bố sau cuộc họp. “Các lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất bởi đại dịch dù vẫn còn yếu ớt nhưng đã có sự cải thiện. Lạm phát đang tăng, nhưng phần lớn chỉ phản ánh những yếu tố mang tính tạm thời”.
Fed tiếp tục cho rằng đà hồi phục của nền kinh tế sẽ phụ thuộc đáng kể vào tình hình dịch Covid-19 và đại dịch này đang gây rủi ro tới triển vọng kinh tế Mỹ. Đáng chú ý, hồi tháng 3/2021, Fed đã mô tả rủi ro từ đại dịch là “rủi ro lớn” (considerable), nhưng cụm từ này đã được loại bỏ khỏi tuyên bố ngày 28/04.
Trong ngày thứ Tư (28/04), các quan một lần nữa nhấn mạnh họ muốn thấy nền kinh tế đạt “bước tiến đáng kể” hướng tới mục tiêu toàn dụng nhân công và lạm phát trung bình 2% trước khi đưa ra bất kỳ động thái nào. Chủ tịch Jerome Powell gần đây cũng nhận định các điều kiện này khó lòng diễn ra trong năm nay. Bên cạnh đó, hầu hết các quan chức Fed đều dự báo không nâng lãi suất cho tới năm 2024.Fed đã giữ lãi suất gần mức 0% từ tháng 3/2020 – thời điểm đại dịch Covid-19 và các biện pháp kiểm soát dịch giáng đòn nặng nề tới nền kinh tế. Kể từ tháng 6/2020, Fed cũng mua ít nhất 80 tỷ trái phiếu Chính phủ Mỹ và ít nhất 40 tỷ USD MBS để kìm hãm lãi suất dài hạn, với mục tiêu hỗ trợ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Trong vài tháng gần đây, nền kinh tế bắt đầu tăng tốc khi quá trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được đẩy nhanh, các biện pháp giới hạn được gỡ bỏ và các gói kích thích thúc đẩy chi tiêu. Tháng 4/2021, niềm tin tiêu dùng tăng lên mức cao nhất trong 14 tháng.
Lạm phát hiện đang trên xu hướng tăng, trong đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 tăng 2.6% so với cùng kỳ và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2018.
Các quan chức tin rằng những áp lực về giá sắp tới chỉ mang tính tạm thời và sẽ được xoa dịu sau khi vấn đề chuỗi cung ứng thuyên giảm và khi không còn so sánh với nền thấp của năm 2020 (thời điểm dịch bệnh hoành hành).
Ngoài ra, các quan chức Fed cũng nhấn mạnh họ muốn thấy các tiến triển thể hiện ở dữ liệu kinh tế thực tế (thay vì thể hiện qua các dự báo) trước khi quyết định nâng lãi suất hoặc giảm bớt nhịp độ mua trái phiếu.
“Chúng ta chỉ mới ở giai đoạn đầu của quá trình công bố các dữ liệu kinh tế tích cực”, Mary Daly, Chủ tịch Fed khu vực San Francisco, nói với các phóng viên vào ngày 16/04.
Taper tantrum là hiện tượng thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi giảm, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn khỏi các thị trường này năm 2013 - thời điểm Chủ tịch Fed Ben Bernanke thông báo sẽ giảm bớt quy mô nới lỏng định lượng.
Khi ngày càng xuất hiện nhiều bằng chứng về đà hồi phục nhanh chóng của nền kinh tế, các quan chức có thể phải bắt đầu phác thảo kế hoạch giảm bớt chương trình mua trái phiếu. Trước đó, ông Powell cho biết sẽ đưa ra các cảnh báo sớm trước khi thực hiện động thái thắt chặt tiền tệ.
Chủ tịch Fed rồi cũng sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn: Làm thế nào để truyền tải về động thái thay đổi chính sách tiền tệ mà không gây tác động quá nhiều tới thị trường tài chính? Làm sao để tránh lặp lại trường hợp taper tantrum của năm 2013?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận