Fed giảm lãi suất: Cuộc đấu vương quyền
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ 2008. Tại sao có quyết sách này và nó nói lên điều gì về cuộc đấu nội bộ nước Mỹ?
Cả việc Fed giảm lãi suất cơ bản lẫn phản ứng của tổng thống Mỹ Donald Trump đều không gây bất ngờ.
Không phải mãi đến tận bây giờ với Chủ tịch là ông Jerome Power mà ngay từ thời người tiền nhiệm của người này, bà Janet Yellen, Fed đã thực thi chính sách lãi suất rất thận trọng khi vận hành chính sách tiền tệ nói chung, tăng hay giảm lãi suất cơ bản thì cũng luôn với mức độ rất nhỏ và theo từng bước, có lưu ý nhưng thường không chiều ý tổng thống đương nhiệm. Lần vừa mới đây cũng vậy, với mức độ giảm 0,25 điểm phần trăm và không tuyên cáo khởi đầu một chu kỳ mới về giảm lãi suất cơ bản.
3 nhận xét đáng chú ý
Thiên hạ chú ý đến quyết sách này của Fed vì 3 lý do. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008 Fed giảm lãi suất cơ bản. Ngay trong năm ngoái thôi, Fed còn đã 4 lần nâng lãi suất cơ bản. Thiên hạ không thể không tự hỏi Fed quyết định vậy dựa trên những suy xét và trù liệu độc lập hay bởi chịu áp lực từ phía tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính ông Trump là người đề cử ông Powell làm chủ tịch Fed vì không muốn bà Yellen đứng đầu Cục này thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng rồi cũng chính ông Trump phê trách ông Powell nặng nề và gay gắt chẳng kém gì đã phê trách bà Yellen.
Thứ hai, mọi chỉ số về thực trạng tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động ở Mỹ hiện tại đều cho thấy Fed không có nhu cầu hoặc nhu cầu không cấp thiết phải giảm lãi suất. Hiến pháp hiện hành ở Mỹ quy định sứ mệnh của Fed là ổn định giá trị tiền tệ và đóng góp vào việc giảm tỷ lệ thất nghiệp. Hiện tại, giá trị đồng USD không biến động nhiều, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ thấp, tăng trưởng kinh tế không rất cao nhưng ổn định ở mức độ chẳng thấp. Câu hỏi được đặt ra là Fed giảm lãi suất vì mục đích gì?
Thứ ba, mối quan hệ giữa chính phủ và Fed, giữa cá nhân ông Trump và ông Powell không được tốt đẹp. Ông Trump không giấu giếm chủ ý và tham vọng huỷ hoại tính độc lập của Fed đối với bộ máy công quyền hành pháp ở Mỹ. Ông Trump đề cử ông Powell, nhưng trên cương vị chủ tịch Fed, ông Powell được Hiến pháp bảo hộ quyền độc lập với tổng thống và không phụ thuộc, lệ thuộc hay bị ràng buộc gì vào tổng thống.
Qua chuyện này, thiên hạ tò mò muốn biết về thực trạng và triển vọng mối quan hệ giữa Fed và chính phủ, giữa ông Powell và ông Trump. Thực chất ở đây không chỉ là một cuộc tranh đấu quyền lực mà còn là cuộc tranh đấu vì một trong những quyền lực có ảnh hưởng lớn nhất về đối nội ở nước Mỹ.
Tại sao giảm lãi suất lúc này?
Trong việc thực thi chính sách tiền tệ có một nhân tố với tên gọi là "Time lag" mà ngân hàng trung ương quốc gia nào cũng phải lưu ý đến. Nó hàm ý một điều được coi như quy luật trên thực tế là, biện pháp chính sách tiền tệ áp dụng vào thời điềm hiện tại thì phải sau 6 tháng đến 1 năm mới phát tác trên thực tế. Vì thế, những người vận hành chính sách tiền tệ thường phải lựa chọn giữa phòng xa với đối phó thực tế hay với kết hợp cả hai.
Quyết sách vừa rồi của Fed là phòng xa chứ không phải để đối phó thực tế. Fed giảm lãi suất cơ bản ở mức độ thích hợp để tăng trưởng kinh tế Mỹ tránh được mọi rủi ro, cụ thể là nhỏ đủ mức không xảy ra kịch bản kinh tế Mỹ tăng trưởng quá nóng và lớn đủ mức để kinh tế Mỹ vẫn không bị sa vào suy thoái.
Ngoài lý do phải phòng xa để không bị đẩy vào tình trạng "nước đến chân mới nhảy" hay thậm chí cả "mất bò mới lo làm chuồng", xem ra, Fed quyết định giảm lãi suất cơ bản vào thời điểm hiện tại còn vì hai lý do khác nữa.
Thứ nhất là Fed lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế không được sáng sủa gì ở các vùng miền khác trên thế giới và ở nhiều nền kinh tế lớn của thế giới. Thứ hai là lo ngại của Fed về tác động tiêu cực của cuộc xung khắc thương mại mà ông Trump tiến hành với hầu hết tất cả các đối tác kinh tế và thương mại quan trọng của Mỹ, đặc biệt là sự gia tăng mức độ quyết liệt trong bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc.
Fed giảm lãi suất cơ bản đồng nghĩa với việc đồng USD yếu đi và rất nhiều nền kinh tế trên thế giới được lợi. Họ sẽ tận dụng cơ hội và điều kiện thuận lợi mới, nhưng cũng lại phải tỉnh táo và thận trọng vì chưa chắc quyết định này của Fed mở ra thời kỳ mới về Fed giảm lãi suất cơ bản. Họ phải chủ động phòng ngừa và ứng phó khả năng Fed có quyết sách đột biến khác.
Cuộc đấu trong lòng nước Mỹ
Với quyết định này, ông Powell vừa có thoả hiệp với ông Trump vừa duy trì tính độc lập của Fed. Ông Trump không hài lòng về Fed và ông Powell vì coi mức độ thoả hiệp này vẫn chưa đủ và vì vẫn chưa thành công với việc thực hiện chủ ý và tham vọng làm cho Cục này phụ thuộc vào chính phủ và người đứng đầu Fed chịu sự dẫn dắt của tổng thống. Nhưng chính phản ứng không hài lòng của ông Trump lại có thể được coi là bằng chứng xác thực mới về tính đúng đắn và thức thời của quyết sách mới này của Fed.
Cuộc đấu vương quyền đặc biệt này ở Mỹ sẽ vẫn dai dẳng chứ chưa đến hồi kết. Trong lịch sử đến nay của Fed mới chỉ có tổng thống Mỹ Richard Nixon can thiệp vào tính độc lập của Fed và rồi với kết quả là thất bại.
Ông Trump hiện tại không phải không biết bài học lịch sử này nhưng cái được ông Trump coi còn quan trọng hơn cả là định hướng nhận thức cho công chúng và dư luận rằng "Trump đúng, Fed sai", triển vọng tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp về lâu dài ở Mỹ không quan trọng và quyết định bằng cuộc vận động tranh cử để được tái đắc cử tổng thống Mỹ trong năm 2020.
Nhìn nhận như thế sẽ không thể không xác nhận là ông Trump cũng đã giành về được phần thắng nhất định và càng đến gần thời điểm cuộc bầu cử tổng thống tới ở Mỹ thì cuộc đấu vương quyền này sẽ trở nên càng thêm quyết liệt và không khoan nhượng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận